Tìm kiếm "máu ghen"

  • Cầu Đơ là chợ đằng xuôi

    Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
    Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
    Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
    Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
    Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm
    Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu
    Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
    The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
    Sơn Đồng chợ họp về chiều
    Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
    Chợ Phùng hàng xén xiết bao
    Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
    Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
    Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ
    Thọ Lão chợ họp chần chừ
    Lều quán chẳng có y như ngoài đồng
    Lờ đờ chợ Triệu mà đông
    Tưởng rằng có lớn mà không bán bò
    Chợ Mía mới họp mà to
    Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường
    Bán nhiều nón là chợ Chuông
    Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu
    Chợ Sêu bán hom, lá dâu
    Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây.

  • Vè chợ

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè cái chợ
    Sáng mơi xách rổ
    Đi giáp một vòng
    Hàng hóa mênh mông
    Kêu bằng Chợ Lớn
    Thiên hạ phát ớn
    Là chợ Bình Đông
    Ấm bụng no lòng
    Kêu bằng Chợ Gạo
    Thiệt là huyên náo
    Là chợ Bến Thành
    Xúm nhau giựt giành
    Là chợ Bến Tranh
    Ăn ở hiền lành
    Đi chợ Thủ Đức

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Vè Ba Đình chống Pháp

    Cơ trời đất vần xoay chính khí,
    Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
    Làm cho tỏ mặt anh hùng,
    Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
    Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
    Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
    Kéo quân về đất Thanh Hoa,
    Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
    Quân truyền điểm được hai vàn
    Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
    Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
    Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
    Đạn thời cướp được năm xe,
    Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
    Thần công khí giới đem ra,
    Khoa sơn đại bác cho ta tức thì

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Nam Định là chốn quê nhà

    Nam Định là chốn quê nhà
    Có ai về mộ cu li ra làm
    Anh em cơm nắm rời Nam
    Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
    Cu li kể có hàng ngàn
    Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
    Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
    Từ nhớn chí bé không thừa một ai
    Điểm rồi lại phải theo cai
    Những cai đầu dài thúc giục ra đi
    Ra ngay cà rạp tức thì
    Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
    Anh em bàn tán xôn xao
    – “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
    – Xô-pha tới bến đây rồi
    Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
    Xuống tàu chờ đợi đã lâu
    Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
    Cai dặn cứ xuống Xô-pha
    Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
    Hải Phòng hai sở song song
    Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
    Một ngày tàu đã tới ngay
    Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường

  • Thơ thầy Thông Chánh

    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
    Chép làm một bổn để mà coi chơi
    Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
    Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
    Đêm nằm khô héo lá gan
    Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
    Chừng nào tỏ nỗi đục trong
    Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
    Lang sa làm việc Châu thành
    Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
    Chỉ sai đua ngựa rần rần
    Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
    Bốn giờ đua ngựa cát bay
    Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
    Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
    Xách súng nai nịt đi coi châu thành

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

    U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
    Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua

    Dị bản

    • U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
      Xuống sông sấu bắt lên rừng cọp tha

    • Ðường đi Rạch Giá thị quá sơn trường
      Gió run bông sậy, dạ buồn nhớ ai

    • Đường đi Rạch Giá thị quá sơn trường
      Hai bên đế rợp, mà điệu cang thường phải đi

  • Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ,

    Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ
    Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu
    Lấy anh, em đâu kể sang giàu
    Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em

    Dị bản

    • Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ
      Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu
      Lấy em anh đâu kể sang giàu
      Rau dưa mắm muối chẳng nơi nào hơn em

  • Thương nhau chẳng quản chi thân

    Thương nhau chẳng quản chi thân
    Phá Tam Giang cũng lội, đèo Hải Vân cũng trèo

    Dị bản

    • Thấy em, anh chẳng quản chi thân
      Phá Tam Giang anh cũng lội, đèo Hải Vân anh cũng trèo

    • Thương nhau chẳng quản gì hơn
      Phá Tam Giang anh cũng lội, núi Mẫu Sơn anh cũng trèo

  • Vè bài tới

    Nghe vẻ nghe ve,
    Nghe vè bài tới
    Cơm chưa lập xới
    Trầu chửa kịp têm
    Tao đánh ba đêm
    Thua ba tiền rưỡi
    Về nhà chống chửi:
    “Thằng Móc, thằng Quăn,
    Đánh sao không ăn
    Mà thua lắm bấy?”
    Tui lấy tiền cấy
    Cho đủ mươi ngày
    Bảy Thưa, Bảy Dày
    Cùng là Ngạt kéo

  • Trời mưa trời gió đùng đùng

    Trời mưa trời gió đùng đùng
    Cha con ông Nùng đi gánh phân trâu
    Gánh về trồng bí trồng bầu
    Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà

    Dị bản

    • Trời mưa trời gió đùng đùng
      Cha con lão Hùng đi gánh phân trâu
      Đem về bón tốt ruộng sâu
      Đêm đêm đạp nước, trông mau tới mùa
      Phen này lão quyết thi đua
      Cấy hai ang giống, thu thừa trăm ang

  • Vè Tà Lơn

    Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
    Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
    Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
    Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
    Con tới đây là nguồn cao nước đục
    Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
    Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
    Còn gấu ngựa tới lui khít vách
    Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
    Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
    Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
    Lần tay tính biết bao nhiêu chục
    Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
    Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên

  • Ba mươi anh không đi tết

    Ba mươi anh không đi tết
    Rạng ngày mồng Một, anh không đi đến lạy bàn thờ
    Hiếu trung mô nữa mà biểu em chờ uổng công
    – Hôm Ba mươi anh mắc lo việc họ
    Sáng mồng Một anh bận việc làng
    Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi!

    Dị bản

    • – Tối ba mươi anh không về lễ tết
      Sáng mùng một anh không lạy giường thờ
      Hiếu trung chi anh nữa mà khiến em đợi chờ uổng công
      – Anh làm trai nam nhơn chi chí
      Em làm gái thục nữ chi trinh
      Em với anh nghĩa nghĩa tình tình
      Phụ mẫu nhà chưa định, hai đứa mình dám đâu

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

Chú thích

  1. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  2. Quảng Minh
    Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
  3. Chợ Nủa
    Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...

    Chợ Nủa

    Chợ Nủa

  4. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  5. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  6. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  7. Chợ Nghệ
    Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.

    Chợ Nghệ hiện nay

    Chợ Nghệ hiện nay

  8. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  9. Đoạn
    Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
  10. Chúc bâu
    Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
  11. Sơn Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
  12. Chợ Phùng
    Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
  13. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  14. Chợ Gạch
    Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
  15. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  16. Chợ Cốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Thọ Lão
    Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
  18. Chợ Triệu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Chợ Mía
    Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
  20. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  21. Chợ Sêu
    Chợ thuộc làng Sêu, là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu.

    Chợ Sêu

    Chợ Sêu

  22. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  23. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  24. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  26. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  27. Chợ Gạo
    Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Kênh Chợ Gạo

    Kênh Chợ Gạo

  28. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  29. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  30. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  31. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  32. Tấn lai
    Bước đến.
  33. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  34. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  35. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  36. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  37. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  38. Hà do
    Tại sao.
  39. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  40. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  41. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  42. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  43. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  44. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  45. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  46. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công

  47. Thảo
    Viết ra.
  48. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  49. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  50. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  51. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  52. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  53. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  54. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  55. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  56. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  57. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  58. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  59. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  60. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  61. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  62. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  63. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  64. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  65. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  66. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  67. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  68. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  69. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  70. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  71. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  72. Nhật trình
    Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
  73. Trương Vĩnh Ký
    Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

    Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.

    Trương Vĩnh Ký

    Trương Vĩnh Ký

  74. Bổn
    Bản (phương ngữ Nam Bộ).
  75. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  76. Kỳ tời
    Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
  77. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  78. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  79. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  80. Lễ Chánh Chung
    Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
  81. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  82. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  83. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  84. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  85. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  86. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  87. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  88. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  89. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  90. Thung dung
    Thong dong.
  91. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  92. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  93. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  94. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  95. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  96. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  97. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  98. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  99. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  100. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  101. Thị quá
    Thiệt quá, đích thị, quả đúng như thế, cách nói dùng để nhấn mạnh điều nhận định gì đó là đúng như đã được đề cập (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  102. Sơn trường
    Đại đồn điền ở vùng rừng núi, do triều đình tổ chức từ đời Lê, để quy tụ số lưu dân và những tội nhân bị đày lưu viễn đến khẩn hoang (Bảo Định Giang - Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX).
  103. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  104. Có bản chép: trên giồng. Giồng là vùng đất cao hai bên sông, được phù sa vun đắp. Đây là biến âm của từ "vồng."
  105. Bài ca dao này mô tả Nam Bộ thời kì khai khẩn (thế kỉ 16, 17) còn đầy rẫy các giống ác thú như hùm beo, cá sấu, rắn rết...
  106. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  107. Đế
    Một loại cỏ mọc hoang lâu năm, thân có thể cao quá đầu người.
  108. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  109. Khăn bàn lông
    Khăn mặt, khăn tắm, khăn khổ lớn, mặt khăn có những sợi len mịn đều nhô ra.
  110. Nỉ
    Hàng dệt bằng sợi len chải xơ, che lấp sợi dọc và sợi ngang.

    Vải nỉ

    Vải nỉ

  111. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  112. Phá Tam Giang
    Tên một cái phá nay thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang có khúc cạn khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn nguy hiểm.

    Ngày nay phá Tam Giang là một hệ sinh thái rộng 52 km², cung cấp hàng nghìn tấn hải sản hàng năm, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Huế.

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang

  113. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  114. Núi Mẫu Sơn
    Một vùng núi cao nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt-Trung. Về mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Vùng núi này nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao... và nhiều sản vật theo mùa khác của khu du lịch Mẫu Sơn.

    Mẫu Sơn

    Mẫu Sơn

  115. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  116. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  117. Tên các con bài trong bộ bài tới.
  118. Có bản chép: Trời mưa gió rét.
  119. Xe nước
    Công cụ làm bằng tre, có hình chiếc bánh xe, dùng để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Tương truyền kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung là loại xe nước ở Ai Cập vào thế kỉ trước do Nguyễn Trường Tộ vẽ lại mang về áp dụng từ nửa cuối thế kỉ 19.

    Xe nước

    Xe nước

  120. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  121. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  122. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  123. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  124. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  125. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  126. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  127. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  128. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  129. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  130. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  131. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  132. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  133. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  134. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  135. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  136. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  137. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  138. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông