Tìm kiếm "cái cò lặn lội"

  • Con cò bay lả bay la

    Con cò bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Suốt mình trắng nõn như bông
    Gió xuân thỉnh thoảng bợp lông trên đầu
    Hỏi cò vội vã đi đâu
    Xung quanh mặt nước một màu bao la
    Cò tôi bay lả bay la
    Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
    Cha sinh mẹ đẻ tay không
    Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

  • Trời mưa lác đác ruộng dâu

    Trời mưa lác đác ruộng dâu
    Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay
    Bước chân xuống hái dâu này
    Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ
    Thương em chút phận ngây thơ
    Lầm than đã trải nắng mưa đã từng
    Xa xôi ai có tỏ chừng?
    Gian nan tân khổ, ta đừng quên nhau

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Vô duyên lấy phải chồng già

    Vô duyên lấy phải chồng già
    Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chính thực là chồng có phải cha đâu.
    Ngày ngày vác cối giã trầu
    Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
    Đêm đêm đưa lão đi nằm
    Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
    Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
    Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
    Nữa mai người có thiếp không
    Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

    Dị bản

    • Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
      Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

    • Tốt số lấy được chồng già
      Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
      Không nói ra thì cực trong lòng
      – Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
      Cơm xong, múc nước, nhai trầu
      Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
      Tôi xê ra ông lại xịch vào
      Phận tôi là gái má đào mắt xanh
      Lẽ nào kêu cố bằng anh?

  • Nhà tôi mượn lấy trời che

    Nhà tôi mượn lấy trời che
    Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
    Tiền của ở tại nhà giàu
    Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
    Nằm thời lấy đất làm giường
    Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
    Xâu làng bắt xuống trì lên
    Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
    Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
    Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
    Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
    Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều

  • Gặp mình ta đố chuyện vui

    Gặp mình ta đố chuyện vui
    Cái chi mà chát, cái chi mà nồng?
    Cái chi mà ở dưới sông?
    Cái chi trên đồng, chi ở rừng xanh?
    Cái chi mà lại tu hành?
    Cái chi mà ở một mình lắm con?
    Cái chi mà lại tròn tròn?
    Cái chi đẹp giòn, chỉ để cầm tay?
    Mình ơi mình giảng ta hay
    Mình mà giảng được, ta nay theo về

  • Vè chồng chung

    Chồng chung khó lắm ai ơi!
    Ai bước chân vô đó,
    Không ăn ngồi được mô!
    Quyền bán với quyền mua
    Thời là em không có,
    Đâm gạo với xay ló,
    Thời là em đã có phần,
    Đập đất với khiêng phân,
    Đâm xay, rồi nấu nướng.

    Gẫm như bọn người ở,
    Chỉ sáu tháng thời thôi,
    Cái thân em ở đời,
    Hỏi làm sao chịu được?
    Chồng sai đi múc nước,
    Vợ bảo lấy que tăm.
    Trải chiếu toan đi nằm,
    Đọi dì hai chưa rửa

  • Vè cá biển

    Hai bên cô bác
    Lẳng lặng mà nghe
    Nghe tôi kể cái vè
    Ngư lương, tử hổ
    Lý sâm, lý chuối
    Dưới rạch, dưới ngòi
    Cá nục, cá úc
    Cá thơm, cá thác
    Hơi nào mà kể hết
    Cá nơi làng này
    Thần linh chiêm bái
    Vậy mới cất chùa chiền
    Mới đúc Phật, đúc chuông
    Cô bác xóm giềng
    Lẳng lặng mà nghe
    Cá nuôi thiên hạ
    Là con cá cơm,
    Không ăn bằng mồm
    Là con cá ngát
    Không ăn mà ú
    Là con cá voi,
    Hai mắt thòi lòi
    Là cá trao tráo

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu

    Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu
    Dầm sương dãi nắng chẳng tìm đâu bằng nàng
    Năm nay anh về, lắm bạc nhiều vàng
    Ðể anh sắm sửa thời nàng lấy anh
    Lấy anh, anh sắm sửa cho
    Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời
    Khuyên em có bấy nhiêu lời
    Thủy chung như nhất là người phải nghe
    Mùa đông lụa lụa the the
    Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn
    Sắm gối thì phải sắm chăn
    Sắm gương, sắm lược, sắm ngăn đựng trầu
    Sắm cho em đôi lược chải đầu
    Cái ống đựng sáp, vuốt đầu cho xinh

  • Chim khôn mắc bẫy vì người

    Chim khôn mắc bẫy vì người
    Ốc khôn ốc cũng vì mồi chết oan
    Ta về hái nắm sắn non
    Rau sấm rau sét bẫy con ốc lồi
    – Chim khôn chết mệt vì mồi
    Anh đây chết chắc vì người đa đoan
    Người đa đoan lòng dạ đa đoan
    Như con thuyền bắt ốc lắm nan ít hồ
    Đồng triều lắm ốc sóng to
    Thuyền anh trôi dạt sang nhờ thuyền em
    Hóa thành con ốc đồng chiêm
    Cái thân mốc thếch như thuyền chở phân?
    – Trông lên núi Ốc xây vần
    Cớ sao Ốc lại hóa thành núi cao?

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Vè kiến

    Kiến lửa tập đoàn, kiến vàng ở ổ
    Cao đầu lớn cổ thiệt là kiến hùm
    Cắn chúng la um: kiến kim, kiến nhọt
    Nhỏ như con mọt thiệt là kiến hôi
    Động trời nó sôi: kiến cánh, kiến lửa
    Bò ngang, bò ngửa: kiến riện đơn chai
    Bò dông, bò dài, bò qua, bò lại
    Kiến đực nói phải, kiến cái làm khôn
    Rủ nhau lên cồn xoi hang lạch cạch
    Thuở xưa, trong sách Bàn Cổ sở phân
    Sanh ra chúng dân đỏ đen như kiến
    Ấu tử làm biếng chẳng có mẹ cha
    Không ai dạy la, nên không biết sợ

  • Ông trẳng, ông trăng

    Ông trẳng, ông trăng
    Xuống chơi với Bụt
    Ông Bụt cho chùa
    Chơi với ông vua
    Ông vua cho lính
    Xuống chơi ông chánh
    Ông chánh cho mõ
    Xuống chơi nồi chõ
    Nồi chõ cho vung
    Xuống chơi cây sung
    Cây sung cho nhựa
    Xuống chơi con ngựa
    Con ngựa cho gan
    Xuống chơi bà quan
    Bà quan cho bạc
    Xuống chơi thợ giác
    Thợ giác cho bầu
    Xuống chơi cần câu
    Cần câu cho lưỡi
    Xuống chơi cây bưởi
    Cây bưởi cho hoa
    Xuống chơi vườn cà
    Vườn cà cho trái
    Xuống chơi con gái
    Con gái cho chồng
    Xuống chơi đàn ông
    Đàn ông cho vợ
    Xuống chơi kẻ chợ
    Kẻ chợ cho voi
    Xuống chơi cây sòi
    Cây sòi cho lá
    Xuống chơi con cá
    Con cá cho vây
    Xuống chơi ông thầy
    Ông thầy cho sách
    Xuống chơi thợ ngạch
    Thợ ngạch cho dao
    Xuống chơi thợ rào
    Thợ rào cho búa
    Trả búa thợ rào
    Trả dao thợ ngạch
    Trả sách ông thầy
    Trả vây con cá
    Trả lá cây sòi
    Trả voi kẻ chợ
    Trả vợ đàn ông
    Trả chồng cô gái
    Trả trái cây cà
    Trả hoa cây bưởi
    Trả lưỡi cần câu
    Trả bầu thợ giác
    Trả bạc bà quan
    Trả gan con ngựa
    Trả nhựa cây sung
    Trả vung nồi chõ
    Trả mõ ông chánh
    Trả lính ông vua
    Trả chùa ông bụt
    Đâm thụt lên trời.

    Video

  • Vè con dao

    Nhà anh bất phú bất bần
    Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
    Con dao anh rày
    Dài vừa năm tấc
    Khi mài đã sắc
    Phá lở rú rừng hoang
    Cũng biện đủ cỗ cho làng
    Cũng no ngày đủ tháng.
    Đèn có khêu mới rạng
    Ngọc bất trác bất thành
    Ngẫm như con dao anh
    Nội trần gian không ai có
    Nội dưới trời không ai có

  • Lặng nghe kể ngược

    Lặng nghe kể ngược
    Hươu đẻ dưới nước
    Cá ở trên núi
    Đựng phân bằng túi
    Đựng trầu bằng gơ
    Bể thì có bờ
    Ruộng thì lai láng
    Hàng xẩm thì sáng
    Tối mịt thì đèn
    Hũ miệng thì kèn
    Loa miệng thì lọ
    Cân cấn thì to
    Con voi bé tí

  • Thiên triều văn

    Thương thay, hỡi các chú ơi
    Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
    Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
    Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
    Một chi đánh ở Đống Đa
    Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
    Phép voi bại trận tiên phong
    Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
    Đao binh tử trận đầy khe
    Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
    Chú sang cứu viện nước Nam
    Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
    Chú thì thắt cổ trên cây
    Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
    Chú thì thác xuống Diêm La
    Chú nào còn sống về nhà đại minh

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

Chú thích

  1. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  2. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  3. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  4. Lầm than
    Lầm có nghĩa là bùn nhão ở đáy ao, hồ... Lầm than vì vậy có nghĩa gốc là những thứ bẩn thỉu nói chung, từ đó có nghĩa rộng (phổ biến) hiện nay là sự cực khổ, vất vả của người lao động, giai cấp bị trị - tương đương với chữ đồ thán trong tiếng Hán.
  5. Tân khổ
    Cay đắng, khổ sở (từ Hán Việt, thường dùng trong văn chương cổ).
  6. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  7. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  8. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  9. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  10. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  11. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Có bản chép: múc.
  13. Có bản chép: người.
  14. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  15. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  18. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  19. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  20. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  24. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  25. Ở nông thôn thời xưa, người ở làm mùa mướn thường là sáu tháng.
  26. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  27. Nhược bằng
    Nếu như (từ cổ).
  28. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  29. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  31. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  32. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  33. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  34. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  35. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  36. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  37. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  38. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  39. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  40. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  41. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  42. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  43. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  44. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  45. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  46. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  47. Bồ đài
    Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
  48. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  49. Nan
    Thanh tre hoặc nứa vót mỏng, dùng để đan ghép thành các đồ gia dụng như nong nia, thúng mủng...

    Đan nan cót

    Đan nan cót

  50. Đồng triều
    Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
  51. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  52. Núi Ốc
    Tên chữ là Ốc Sơn, còn gọi là Cô Sơn, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gọi như vậy vì trông xa núi có hình dáng giống một con ốc lồi khổng lồ.
  53. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  54. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  55. Chúa
    Chủ, vua.
  56. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  57. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  58. Kiến lửa
    Loài kiến có đầu và thân màu đồng hoặc nâu, có râu hai nhánh rất đặc biệt. Kiến lửa thường làm ổ dưới đất, đá, cây mục... cắn đau, tạo mụn mủ.

    Kiến lửa

    Kiến lửa

  59. Kiến vàng
    Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.

    Kiến vàng

    Kiến vàng

  60. Kiến hùm
    Loại kiến lớn, thân màu đen, thường làm tổ trên các cây cao.
  61. Kiến gió
    Còn gọi kiến kim, loài kiến rất nhỏ, màu hơi đen, cắn rất đau, vết cắn thành mẩn to.
  62. Kiến nhọt
    Loại kiến có màu đen bóng, đốt rất đau và độc.
  63. Mọt
    Giống bọ cánh cứng có hàm khỏe, chuyên đục khoét tre, gỗ, ngũ cốc khô.

    Mọt gạo

    Mọt gạo

  64. Kiến hôi
    Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.

    Kiến hôi

  65. Kiến cánh
    Kiến chúa và kiến đực thường có cánh. Tới mùa sinh sản chúng bay đi tìm nơi giao phối và lập tổ kiến mới.

    Kiến cánh

    Kiến cánh

  66. Kiến riện
    Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.

    Kiến riện

    Kiến riện

  67. Đơn chai
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đơn chai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  68. Bàn Cổ
    Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

  69. Sở phân
    Phân chia rõ ràng (từ Hán Việt).
  70. Ấu tử
    Trẻ con (từ Hán Việt).
  71. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  72. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  73. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  74. Nồi chõ
    Nồi hai tầng, tầng trên có lỗ ở đáy, dùng để đồ xôi (hấp gạo nếp cho chín thành xôi).

    Nồi chõ

    Nồi chõ

  75. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  76. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  77. Sòi
    Một loại cây gỗ rụng lá, cao từ 6-15m, thuộc họ thầu dầu. Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt có thể dùng làm thuốc.

    Lá sòi khi sắp rụng

    Lá sòi khi sắp rụng

  78. Thợ ngạch
    Ăn trộm. Gọi vậy vì ăn trộm hay đào tường, khoét ngạch.
  79. Bất phú bất bần
    Không giàu không nghèo.
  80. Rú rừng
    Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  81. Biện
    Lo liệu, chuẩn bị.
  82. Cỗ
    Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.

    Mâm cỗ

    Mâm cỗ

  83. Rạng
    Sáng tỏ.
  84. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  85. Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
  86. Xẩm
    Tối, mờ quáng.
  87. Cá hồng cam
    Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.

    Cá Hồng cam

    Cá hồng cam

  88. Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
  89. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  90. Chính nguyệt
    Tháng giêng âm lịch.
  91. Huyên hoa
    Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
  92. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  93. Cầu Duệ
    Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
  94. Tốt xa
    Quân lính (tốt) và xe (xa).
  95. Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
  96. Cầu nhương
    Tranh cướp nhau để lên cầu.
  97. Có bản chép: Cầu Tương.
  98. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  99. Năn năn
    Xót thương, oán hận (từ cổ).
  100. Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
  101. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  102. Câu này có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
  103. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  104. Đại minh
    Giác ngộ, hiểu rõ.
  105. Thảo
    Viết ra.
  106. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  107. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  108. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  109. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  110. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  111. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  112. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  113. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  114. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  115. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  116. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  117. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.