Những bài ca dao - tục ngữ về "núi Ốc":

  • Chim khôn mắc bẫy vì người

    Chim khôn mắc bẫy vì người
    Ốc khôn ốc cũng vì mồi chết oan
    Ta về hái nắm sắn non
    Rau sấm rau sét bẫy con ốc lồi
    – Chim khôn chết mệt vì mồi
    Anh đây chết chắc vì người đa đoan
    Người đa đoan lòng dạ đa đoan
    Như con thuyền bắt ốc lắm nan ít hồ
    Đồng triều lắm ốc sóng to
    Thuyền anh trôi dạt sang nhờ thuyền em
    Hóa thành con ốc đồng chiêm
    Cái thân mốc thếch như thuyền chở phân?
    – Trông lên núi Ốc xây vần
    Cớ sao Ốc lại hóa thành núi cao?

Chú thích

  1. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  2. Nan
    Thanh tre hoặc nứa vót mỏng, dùng để đan ghép thành các đồ gia dụng như nong nia, thúng mủng...

    Đan nan cót

    Đan nan cót

  3. Đồng triều
    Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
  4. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  5. Núi Ốc
    Tên chữ là Ốc Sơn, còn gọi là Cô Sơn, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gọi như vậy vì trông xa núi có hình dáng giống một con ốc lồi khổng lồ.