Tìm kiếm "chín cõi"

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

    Một thương tóc bỏ đuôi gà
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
    Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
    Năm thương cổ yếm đeo bùa
    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
    Bảy thương nết ở khôn ngoan
    Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
    Chín thương em ở một mình
    Mười thương con mắt có tình với ai.

  • Một yêu mặt trắng má tròn

    Một yêu mặt trắng má tròn
    Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
    Ba yêu mắt sáng mày cong
    Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
    Năm yêu mảnh áo ngắn tà
    Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
    Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
    Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
    Chín yêu học thức hơn người
    Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

  • Một mừng ăn một miếng trầu

    Một mừng ăn một miếng trầu
    Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình
    Ba mừng tài sắc đều xinh
    Bốn mừng bác mẹ sinh thành được đôi
    Năm mừng nguyện ước một lời
    Sáu mừng duyên phận bởi trời xui nên
    Bảy mừng gặp được bạn hiền
    Tám mừng giải tấm lòng nguyền thủy chung
    Chín mừng tài tử anh hùng
    Mười mừng ta ở cùng chung một nhà
    Mừng chàng mừng thực mừng thà
    Em nay tri kỉ không là mừng chơi
    Chàng ơi ghi hết mọi nơi
    Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng

  • Một thương hơ hớ tuổi xuân

    Một thương hơ hớ tuổi xuân
    Hai thương yểu điệu tay chưn dịu dàng
    Ba thương đẹp đẽ dung nhan
    Bốn thương phong thái đoan trang khác vời
    Năm thương dáng đứng vẻ ngồi
    Sáu thương đôi mắt sáng ngời long lanh
    Bảy thương chiếc mũi thanh thanh
    Tám thương miệng nói hữu tình có duyên
    Chín thương má núng đồng tiền
    Mười thương tư cách dịu hiền nết na

  • Thứ nhất vợ dại trong nhà

    Thứ nhất vợ dại trong nhà
    Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn
    Thứ tư sớm vợ muộn con
    Thứ năm nhà dột, sáu buồn hết ăn
    Bảy buồn vợ chửi cằn nhằn
    Tám buồn nhà cửa một căn hẹp hòi
    Chín buồn nhà nợ đến đòi
    Mười buồn khách đến ngồi dai không về

    Dị bản

    • Thứ nhất vợ dại trong nhà
      Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Ù à ù ập

    Ù à ù ập
    Nước chảy tràn ngập
    Cả vũng chân trâu
    Chị đỏ đi đâu?
    Đi cày đi cấy
    Bắt được con bấy
    Đem về nấu canh
    Băm tỏi băm hành
    Xương sông lá lốt
    Băm cho đầy thớt
    Nấu cho đầy nồi
    Đặt lên vừa sôi
    Bắc xuống vừa chín
    Chàng về chàng hỏi
    Được mấy bát canh?
    Tôi chiềng với anh
    Được ba bốn bát
    Đừng có xáo xác
    Mà xóm giềng nghe
    Để ra ăn de
    Được ba bốn bữa.

  • Cái gì anh đổ vào bồ

    Cái gì anh đổ vào bồ?
    Cái gì róc vỏ phơi khô để dành?
    Cái gì anh thả vào xanh?
    Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
    Cái gì đi chín về mười?
    Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
    Cái gì chung chiếu chung chăn?
    Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
    Lúa khô anh đổ vào bồ
    Cau già róc vỏ phơi khô để dành
    Con cá anh thả vào xanh
    Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi
    Cái gì đi chín về mười
    Ông Bành Tổ sống đủ trên đời được tám trăm năm
    Vợ chồng chung chiếu chung chăn
    Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần

    Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần
    Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
    Chắc về đâu trong đục mà chờ
    Hoa thơm mất tuyết, biết nương nhờ về đâu
    Số em giàu, lấy khó cũng giàu
    Số em nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo
    Phải duyên phải kiếp thì theo
    Thân em có quản khó nghèo làm chi!
    Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì
    Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo

  • Một năm chia mười hai kì

    Một năm chia mười hai kì
    Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
    Tháng ba đi bán vải thâm
    Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
    Tháng sáu em đi buôn bè
    Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
    Chín, mười cắt rạ đồng mùa
    Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
    Anh ăn rồi anh lại nằm
    Làm cho em phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?

  • Một mừng Tần Tấn gặp nhau

    Một mừng Tần Tấn gặp nhau,
    Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà
    Ba mừng vui vẻ giao hòa
    Bốn mừng đây đó trước xa sau gần
    Năm mừng đi lại ân cần
    Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng
    Bảy mừng nên đạo cương thường
    Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung
    Chín mừng tiếp khách non bồng,
    Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Tháng giêng ăn tết ở nhà

    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
    Tháng tư đong đậu nấu chè
    Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
    Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
    Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
    Tháng tám chơi đèn kéo quân
    Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
    Tháng mười buôn thóc, bán bông
    Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

  • Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc

    Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
    Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
    Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
    Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
    Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
    Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
    Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
    Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
    Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
    Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
    Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
    Hỏi cho biết cửa biết nhà
    Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô.

  • Trèo lên cây gạo con con

    Trèo lên cây gạo con con
    Muốn lấy vợ giòn phải nặng tiền cheo
    Nặng là bao nhiêu?
    Ba mươi quan quý.
    Mẹ anh có ý mới lấy được nàng
    Mai mẹ anh sang, mẹ nàng thách cưới
    Bạc thì trăm rưỡi, tiền chín mươi chum
    Lụa thì chín tấm cho dày
    Trâu bò chín chục đuổi ngay vào làng.
    Anh sắm được anh mới hỏi nàng
    Nếu không sắm đủ chớ vào làng làm chi!

  • Vè ông Hường Hiệu

    Kể từ lịch sử nước Nam triều,
    Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
    Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
    Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
    Về nhà sầu thảm với nhân dân,
    Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
    Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
    Đế đô co kéo còn gì nước Nam
    Giận thay cho chú Cần Thân,
    Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
    Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
    Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
    Để cho nhà dột khó ngăn,
    Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
    Thương thay cho cộng sản hữu tình,
    Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
    Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
    Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
    Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
    Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
    Giậm chân kêu với ông trời xanh,
    Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
    Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
    Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà.

  • Em đố anh sao trên trời mấy cái

    – Em đố anh sao trên trời mấy cái
    Nhái ngoài ruộng mấy con
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào
    Anh mà đối được, em nhào em vô
    – Sao trời trên sao Hôm, sao Mai hai cái
    Nhái ngoài ruộng nhái đực nhái cái hai con
    Chuối non chín bẹ, chuối mẹ mười tàu
    Anh đã đối đặng em có nhào vô không?

Chú thích

  1. Huyền
    Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.

    Chuỗi hạt huyền

    Chuỗi hạt huyền

  2. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  3. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  4. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  5. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  6. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  7. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  8. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  9. Núng
    Lúm (phương ngữ).
  10. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  13. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  16. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  17. Bấy
    Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  19. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  20. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  21. Xáo xác
    Xào xạc, lao xao.
  22. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  23. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  24. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  25. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  26. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  29. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  30. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  31. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  32. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  33. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  34. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Đụn
    Kho thóc.
  36. Quản
    E ngại (từ cổ).
  37. Thiên tải nhất thì
    Nghìn năm mới có một lần (chữ Hán).
  38. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  39. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  40. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  41. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  42. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  43. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  44. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  45. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  46. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  47. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  48. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  49. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  50. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  51. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  52. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  53. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  54. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  55. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  56. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  57. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  58. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  59. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  60. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  61. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  62. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  63. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  64. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  65. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  66. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  67. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  68. Nguyễn Thân
    (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
  69. Mãi quốc
    Bán nước (từ Hán Việt).
  70. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  71. Sơn băng thủy kiệt
    Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
  72. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  73. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  74. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.