Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè chim chóc
Hay moi hay móc
Vốn thiệt con dơi
Thấy nắng thì phơi
Là con Diệc mốc
Lặn theo mấy gốc
Là chim Thằng Chài
Lông lá thật dài
Là con chim Phướn
Rành cả bốn hướng
Là chim Bồ Câu
Giống lặn thật lâu
Là con Cồng Cộc
Ăn táp sồng sộc
Là con chim Heo …
Tìm kiếm "kinh thành huế"
-
-
Cá biển, cá đồng
Cá biển, cá đồng
Cá sông, cá ruộng
Dân yêu dân chuộng
Là cá tràu ổ
Ăn nói hàm hồ
Là con cá sứ
Đưa đẩy chốn xa
Là con cá đày
Hay gặp mặt nhau
Là con cá ngộ
Trong nhà nghèo khổ
Là con cá cầy
Chẳng dám múc đầy
Là con cá thiểu
Mỗi người mỗi thiếu
Là con cá phèn
Ăn nói vô duyên
Là con cá lạc
Trong nhà rầy rạc
Là con cá kình
Trai gái rập rình
Là cá trích ve
Dỗ mãi không nghe
Là con cá ngạnh
Đi đàng phải tránh
Là con cá mương
Mập béo không xương
Là con cá nục
Được nhiều diễm phúc
Là con cá hanh
Phản hại cha anh
Là con cá giếc
Suốt ngày ăn miết
Là con cá cơm
Chẳng kịp dọn đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Hay thở phì phèo
Là con cá đuối
Vừa đi vừa cúi
Là con cá còm
Hay nói tầm xàm
Là con cá gáy
Vừa trốn vừa chạy
Là con cá chuồn
Cứ viết lách luôn
Là con cá chépDị bản
Cá biển cá bầy
Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm
Ăn chẳng kịp đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Miệng thở phèo phèo
Là con cá đuối
Nhọn mồm nhọn mũi
Là con chào rao
Nhận hủ nhận vò
Là con cá nhét
Nở ra đỏ chẹt
Là con cá khoai
Đi ăn trộm hoài
Là con cá nhám
Khệnh khệnh khạng khạng
Là con cá căng
Già rụng hết răng
Là con cá móm
Bò đi lọm khọm
Là con cá bò
Ăn chẳng biết no
Là con cá hốc
-
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
Chỉ vì đói rách phải đi
Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
Một nghìn chín trăm ba ba
Là năm Quý Dậu con gà ác thay
Kể dời phu mỏ Hòn Gai
Công ty than của chủ Tây sang làm
Chiêu phu mộ Khách, An Nam
Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
Than ra ở các mỏ này
Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
Bán than cho các nước ngoài
Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
Làm ra máy trục, máy sàng
Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
Va-gông, than chở về ga
La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
Để cho xe hỏa dắt dồn
Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
Cửa Ông là Cẩm Phả po
Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
Ngoại giao các nước thông thương
Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
Tây Bay coi sổ la voa
Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
Một đường đi thẳng Hà Lầm
Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về … -
Vè thuế
Năm nay kinh tế
Không tiền đóng thuế
Lính bắt, lính còng
Vợ con khóc ròng
Mấy ông thiệt tệ
Tháng này thuế vụ không lo
Cơm ăn không no
Tiền đâu mà đóng -
Trách người Biện Nhạc trớ trênh
-
Vua Lê ba mươi sáu tàn vàng
-
Thân em làm lẽ chẳng hề
-
Đồn rằng Hà Nội vui thay
Đồn rằng Hà Nội vui thay
Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô
Cổ Đô trên miếu dưới chùa
Trong làng lắm kẻ nhà nho có tài
Sinh ra hoa cống hoa khôi
Trong hai hoa ấy thì tài cả haiDị bản
-
Sáu giờ còn ở kinh đô
Sáu giờ còn ở kinh đô
Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn
Mười giờ bước xuống xà-lan
Bóp bụng mà chịu nát gan trăm bề
Lên tàu còi nổi xúp-lê
Khoác khăn xếp lại, em về nuôi con
Đầu hè có buồng chuối non
Để dành sáo ghế cho con ăn lần
Khoai từ, khoai chói, khoai nần
Với một vạc bắp trước sân chưa già
Có hũ sắn luộc trong nhà
Để dành lần lữa cho qua tháng ngày
Bớ em ơi!
Ráng mà nuôi con chim chuyền cho nó biết lượn biết bay
Mai sau anh có thác em biểu hắn nhớ cái ngày anh đi -
Quốc kêu khắc khoải mùa hè
-
Trai nào bằng trai hai huyện
-
Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
– Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
Đường ra kinh xa đã quá xa
Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra?
Anh ra một bữa cực ta ba, bốn ngày
– Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, Khánh Hòa
Chốn kinh kì là chốn nhạc gia qua ở thường
Không đi thì ổng nhớ bả thương
Còn phận anh là rể xa đường quản chi
Đi thời phải sắm lễ nghi
Có lần ổng trả có kì ổng ăn luôn
Không đi cha ổng nghĩ, mẹ ổng buồn
Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô
Cha vô năm ba bữa cha buồn
Ổng có trở về nhạc mẫu, em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng raDị bản
-
Khi khóc dai ngồi dỗ
Khi khóc dai ngồi dỗ
Khi ngứa ngáy ngồi xoa
Trông tháng trọn ngày qua
Trông từng li từng tí
Khi bữa ăn đương dở
Con tiểu giải lên mình
Ai nấy cũng đều kinh
Cha mẹ ngồi chịu vậy
Kể trong nhà đói khổ
Trời giá rét căm căm
Nơi ướt để mẹ nằm
Nơi khô xê con lại
Suốt đêm ngày mong mỏi
Con khôn lớn mai sau
Nghĩa khó nhọc bấy lâu
Công giữ gìn chăm sóc -
Con hư bởi tại cha dong
-
Ai về Phú Lộc gửi lời
Ai về Phú Lộc gửi lời
Thư này một bức nhắn người tri âm
Mối tơ chín khúc ruột tằm
Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
Vì tình ai lẽ làm lơ
Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
“Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
Đôi bên ý hiệp lòng ưa
Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
Thiếp thời tần tảo cửi canh
Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi có đề tên anh -
Trong nhà anh lát đá hoa
Trong nhà anh lát đá hoa
Chân tảng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
Hai bên bức thuận anh chạm tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt hơn đâu hỡi nàng
Nhà anh vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiễu điều lót áo cho nàng đi chơi
Áo này anh sắm mười đôi
Bộ ba áo nhiễu mặc chơi ngày thường
Dù nàng có bụng nàng thương
Thì anh quyết đóng bốn thang giường gỗ lim -
Bấy lâu ta ở với ta
Bấy lâu ta ở với ta
Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
Bây giờ đất thấp trời cao
An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
Bây giờ khố bẹ đi giày
Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
Mấy đời khoai sắn nở hoa
Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
Bấy lâu vua trị một mình
Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
Văn nhân khoa mục ở rồi
Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
Những anh phơ phất loàng xoàng
Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
Các quan trung nghĩa trong triều
Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
Những quân vô nghĩa, nịnh thần
Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
Trị dân lắm sự tham tàn
Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
Muốn cho bể lặng, sông trong
Cách hết lũ ấy mới mong thái bình -
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy, để liều thân ru
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
Trứng rận bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà … -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng … -
Bồng bống bông
Bồng bống bông,
Màn Đổng Tử, gối Ôn Công,
Lớn lên em phải ra công học hành,
Làm trai gắng lấy chữ danh,
Thi thư nếp cũ, trâm anh dấu nhà.
Hỡi ha ha,
Chị nay chút phận đàn bà,
Tam tòng tứ đức, phận là nữ nhi.
Mong em khôn lớn kịp thì,
Năm xe lầu thuộc, sáu nghề tinh thông.
Bồng bống bông,
Anh tài ra sức vẫy vùng,
Nữ nhi lại cũng bạn cùng bút nghiên.
Cõi đời là cuộc đua chen,
Anh hùng cũng thể, thuyền quyên cũng là.
Chú thích
-
- Diệc
- Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...
-
- Bói cá
- Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...
-
- Phướn
- Còn gọi là phượng hoàng đất, một loài chim có đuôi rất dài.
-
- Bồ câu
- Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.
-
- Cồng cộc
- Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.
-
- Cú mèo
- Một loài cú có mắt giống mắt mèo nên có tên vậy. Loài này cũng có tên là cú lợn vì có tiếng kêu giống tiếng lợn. Theo tín ngưỡng dân gian, cú mèo mang lại điềm xui xẻo.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá sứ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá sứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá đày
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá đày, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá ngộ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá ngộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cầy
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều ở hạ lưu sông Mekong, nhất là vào mùa mưa lũ. Cá cầy ăn tạp, có thân hình thon dài, màu trắng sáng, trên lưng màu đen than.
-
- Cá thiểu
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa lũ. Cá có thân dẹp, lớn cỡ 2 ngón tay người lớn, vảy li ti óng ánh màu trắng bạc. Thịt cá béo, thơm ngon, được chế biến được các món ăn như: muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa, kho quẹt…
-
- Cá phèn
- Một số địa phương gọi là cá thèn, một loại cái biển nhỏ chừng hai, ba ngón tay, da lưng có màu hơi hồng, có nhiều vảy. Cá phèn thường được kho tiêu.
-
- Rầy rạc
- Gây lộn, gấu ó, quấy rối, làm phiền (từ cũ). Có chỗ nói rầy rật.
-
- Cá kình
- Có nơi gọi là cá rò hay cá giò, một loại cá nước lợ sống ở cửa biển. Cá kình hơi giống cá cơm, có xương mềm, vẩy óng ánh. Thịt cá kình rất thơm ngọt, thường được dùng làm mắm gọi là mắm kình hoặc mắm rò.
-
- Cá trích
- Một loại cá biển, mình thon dài, ít tanh, ăn rất lành, thịt trắng, ít mỡ, rất béo, và là một trong các loại cá dễ đánh bắt nhất. Có hai loại cá trích là cá trích ve và cá trích lầm. Cá trích ve lép mình, nhiều vảy trắng xanh, thịt trắng, thơm, béo nhưng nhiều xương. Cá trích lầm mình tròn, ít vảy, nhiều thịt hơn nhưng thịt cá đỏ và không thơm ngon như trích ve.
-
- Cá mương
- Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Cá hanh
- Một loài cá nước lợ giống cá chép, sống ở các cửa sông, đầm phá. Thịt cá trắng, ngọt và mềm, chế biến được thành nhiều món ăn.
-
- Cá giếc
- Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Đơm
- Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
-
- Cá hấp
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hấp, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nheo
- Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá còm
- Một loại cá nhỏ bằng ngón tay, thường thấy nhiều ở các sông suối miền tây Nghệ An với đặc tính chỉ sinh sống ở vùng nước nông, chảy xiết. Cá còm thịt chắc, xương mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, cá còm rán, kho tộ, kho nghệ, v.v.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Cá chuồn
- Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.
Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...
-
- Chào rao
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chào rao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cá chạch
- Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Cá nhám
- Còn gọi cá mập con, cá mập sữa, cá mập cáo hay cá chèo bẻo, là một loài cá biển thường xuất hiện vào mùa biển động. Thịt cá nhám giàu dinh dưỡng, có giá cao, được chế biến thành nhiều món ngon như kho nghệ, canh chua, gỏi, nhúng giấm... Cá nhám còn được dùng làm vị thuốc Đông y.
-
- Cá căng
- Cũng gọi là cá ong căng, tên chung của một số loài cá biển cỡ nhỏ, sống thành đàn, có thân bầu dục dài, dẹt hai bên, với các dải hoặc vết màu sẫm trên nền vàng hay xanh lục. Thịt cá căng có màu trắng ngà, chắc và ngon, đặc biệt lòng rất béo. Một số loài cá căng có màu sắc đẹp, được nuôi làm cá cảnh.
-
- Cá móm
- Một loại cá sông thân hơi tròn, vảy bạc, thịt nhiều, ăn ngọt, béo và ngon. Cá có tên như vậy có lẽ vì mồm hơi vêu lên trên.
-
- Cá bò
- Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.
-
- Cá hốc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Công ti than Bắc Kì
- Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.
-
- Chú khách
- Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Ngã Hai
- Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
-
- Vãng lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Đốc công
- Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Va-gông
- Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
-
- La ga
- Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Ăng-lê
- Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Cẩm Phả Po
- Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
-
- Cẩm Phả min
- Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
-
- Cọc Sáu
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- La voa
- Sổ nhật trình.
-
- Núi Béo
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Nguyễn Nhạc
- Anh cả trong ba anh em nhà Tây Sơn. Ông cùng với hai em là Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, lập nên nhà Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18 và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thái Đức, ở ngôi từ năm 1778 đến năm 1788.
Có sách nói Nguyễn Nhạc làm chức biện lại nên còn gọi là Biện Nhạc.
-
- Tàn
- Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chính thất
- Vợ cả trong các gia đình giàu sang thời phong kiến.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Cổ Đô
- Một làng cổ trước đó có tên là An Đô, sau lại đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội . Xưa làng nổi tiếng với nghề dệt lụa (lụa Cổ Đô là loại lụa tiến vua) và truyền thống hiếu học.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Xà lan
- Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.
-
- Xúp lê
- Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
-
- Ghế
- Độn (cho khoai, sắn, bắp... vào nồi cơm, thường là để tiết kiệm gạo).
-
- Khoai chói
- Một loại khoai trước đây được trồng nhiều ở các vùng quê Quảng Nam.
-
- Ráng
- Cố gắng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thác
- Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
-
- Xuất gia
- Rời khỏi gia đình (từ Hán Việt).
-
- Miệt Hai Huyện
- Còn có tên là miệt Chợ Thủ hay miệt Ông Chưởng ("miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền). Đây là địa danh chỉ vùng cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, không phải là địa danh Chợ Thủ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, cái tên Hai Huyện bắt nguồn từ tên huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chính đầu tiên được chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, tương ứng với Sài Gòn và Biên Hòa ngày nay. Khi quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tiến quân vào đánh Campuchia, người dân và binh sĩ từ hai huyện này đã theo chân ông đến An Giang lập nghiệp.
Miệt Chợ Thủ xưa nay là khu vực trù phú, văn minh ở miền Tây. Tại đây có nghề vẽ tranh kiếng thủ công và nghề mộc khá nổi tiếng.
-
- Lụa
- Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
(Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Kinh thành, tức Huế, nhưng còn có ngụ ý khác.
-
- Tam Kỳ
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
-
- Đại Lộc
- Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
-
- Phú Yên
- Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...
-
- Khánh Hòa
- Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
-
- Nhạc gia
- Bố chồng hoặc bố vợ (từ Hán Việt).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Nhạc mẫu
- Mẹ vợ (từ Hán Việt).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Khổn
- Một biến thể ngữ âm của chữ "khốn" [困] (khốn khổ) trong phương ngữ Nam Bộ.
-
- Nớ
- Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dong
- Dung dưỡng.
-
- Phu xướng phụ tòng
- Chồng nói, vợ nghe theo (từ Hán Việt).
-
- Xuất giá
- Lấy chồng (từ Hán Việt)
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Sắt cầm
- Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
(Truyện Kiều)
-
- Quan thư
- Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tảo tần
- Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
-
- Thì
- Thời, lúc.
-
- Chúa
- Chủ, vua.
-
- Chân tảng
- Chân đá tảng để dựng cột nhà.
-
- Đồng bạch
- Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.
-
- Tiền trinh
- Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.
... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
(Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Nhiễu điều
- Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Quảng Tống
- Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
-
- Thau rau
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Văn nhân
- Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
(Truyện Kiều)
-
- Khoa mục
- Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
-
- Phường
- Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng
(Truyện Kiều)
-
- Bồi
- Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.
Biết thân, thuở trước đi làm quách,
Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!
(Than nghèo - Tú Xương)
-
- Cậu ấm cô chiêu
- Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
-
- Cách
- Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Nhót
- Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.
-
- Cù nèo
- Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
-
- Bồ cào
- Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.
-
- Hắc lào
- Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Trôn
- Mông, đít, đáy (thô tục).
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Chuột chù
- Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.
-
- Nhấm
- Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
-
- Đổng Tử
- Tức Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN) một học giả đời Tây Hán bên Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng chăm chỉ học tập, từng ba năm liên tục buông màn để đọc sách, mắt không liếc ra ngoài. Ông có công đưa đạo Nho trở thành hệ tư tưởng học thuật thống trị ở Trung Quốc.
-
- Ôn Công
- Tên hiệu Tư Mã Quang, một viên thừa tướng đời Tống, bên Trung Quốc, nổi tiếng ham đọc sách. Điển tích kể lại khi đọc sách, Ôn Công chọn dựa mình vào gối tròn để khi ngủ gục, gối lăn, lại tỉnh dậy đọc. Từ đó, "gối Ôn Công" thường là được dùng chỉ về nết học hành chăm chỉ.
-
- Trâm anh
- Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
-
- Tam tòng
- Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:
Tại gia tòng phụ: khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.
-
- Tứ đức
- Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:
- Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
- Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
- Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
- Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Ngũ Kinh
- Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)