Tìm kiếm "kinh thành huế"

Chú thích

  1. Thất thủ kinh đô
    Một cách gọi của sự kiện lịch sử diễn ra vào hai ngày 4 và 5 tháng 7 năm 1885 tại Huế, bấy giờ là kinh đô nhà Nguyễn, khi quân triều đình do Tôn Thất Thuyết chỉ huy tập kích vào lực lượng Pháp. Trận tập kích thất bại, quân Pháp cướp bóc, đốt phá và giết hại hàng vạn người dân. Triều đình Hàm Nghi rút khỏi kinh thành, bắt đầu phong trào Cần Vương.

    Trận kinh thành Huế

    Trận kinh thành Huế

  2. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  3. Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống viễn thông ("dây thép") và vẽ bản đồ để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa.
  4. Tòa khâm sứ Trung Kỳ
    Còn gọi là tòa Khâm, tòa nhà dùng làm nơi ở và làm việc của khâm sứ Trung Kỳ, viên chức người Pháp đại diện cho chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Tòa nhà được xây từ tháng 4/1876 (năm Tự Đức thứ 28), đến tháng 7/1878, là thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Ngày nay khuôn viên tòa là Trường Đại học Sư phạm Huế.

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ

  5. Ngọ Môn
    Tên cổng chính phía nam (hướng ngọ theo địa lí phong thủy phương Đông) của Hoàng thành Huế, cổng lớn nhất trong bốn cổng chính. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng dưới triều Nguyễn.

    Ngọ Môn

    Ngọ Môn

  6. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  7. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  8. Mai thích Huế, xế thích Quảng
    Tính tình đồng bóng, lúc thế này, lúc thế khác. Buổi mai, buổi sáng thì thích Huế, xế chiều thì lại thích Quảng.
  9. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  10. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  12. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  13. Có bản chép: Hoa.
  14. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  15. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  16. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  17. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  18. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  19. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  20. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  21. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  22. Có bản chép: Hòn Om.
  23. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  24. Có bản chép: Đất Thừa Thiên.
  25. Tháp Phước Duyên
    Ngọn tháp nằm trong quần thể thắng tích cố đô Huế, là biểu tượng nổi tiếng gắn với chùa Thiên Mụ, nên còn được gọi là tháp Thiên Mụ hay tháp Linh Mụ. Tháp được xây năm 1844, cao 21m, có bảy tầng, tám mặt, chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ.

    Tháp Phước Duyên

    Tháp Phước Duyên

  26. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  27. Chùa Thuận Hóa
    Xưa tên chùa Ông, thờ Quan Công, nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ (thực ra là một công trình phụ của chùa Thiên Mụ). Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được dời về gần chùa Diệu Đế, sau được đổi tên thành chùa Thuận Hóa và thờ thêm Phật.

    Chùa Ông ngày nay

    Chùa Ông ngày nay

  28. Diệu Đế
    Tên một ngôi chùa nằm bên bờ sông Đông Ba, nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên cảnh quan rất đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 triều đình Huế cho tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự.

    Chùa Diệu Đế

    Chùa Diệu Đế

  29. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

  30. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  31. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  32. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  33. Cồn Hến
    Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.

    Cồn Hến ngày nay

    Cồn Hến ngày nay

  34. Cồn Dã Viên
    Cũng gọi là cồn Giã Viên, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.

    Cồn Dã Viên

    Cồn Dã Viên

  35. Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
    Đầy đủ là "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ," nghĩa là bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng, phía trước có chim sẻ đỏ (phượng hoàng), phía sau có rùa đen. Đây là một khái niệm về địa thế đẹp trong phong thủy, đồng thời cũng thường gặp trong các công trình điêu khắc có ý nghĩa tâm linh.
  36. Âu ca
    Cùng ca hát vui vẻ (từ chữ Hán: âu 謳  nghĩa là cùng cất tiếng, và ca 歌  là hát, ngâm).
  37. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  38. Rế tai bèo
    Loại rế đan bằng mây, có vành giống như tai bèo.
  39. Duyên túc đế
    Duyên do trời định sẵn từ trước. Do câu: Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành (Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên).
  40. Cỏ đế
    Loại cỏ thân cao (có thể cao đến 3m), lớn bằng ngón tay út, có đốt. Cỏ đế thường mọc thành bụi rậm hoặc thành trảng ở miền Trung.
  41. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  42. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  44. Núi Truồi
    Tên một ngọn núi thuộc dãy Bạch Mã, một dãy núi làm ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
  45. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  47. Chà Và
    Việt hóa từ âm chữ Java, chỉ đảo Java ở Indonesia. Nhưng do từ xưa, người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam nên dùng từ "người Chà Và" để gọi chung những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia di cư đến Việt Nam.