Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
Tìm kiếm "chín đỏ"
-
-
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Thanh Lâm, Đồng Sớm cũng đôi ba người
Nói ra sợ chị em cười
Lấy chồng tháng chín, tháng mười có conDị bản
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Làng trên xã dưới cũng đôi ba người
-
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
Tìm bể cạn thấy đàn chim di
Ai mang nhân ngãi ta đi
Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!Dị bản
Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
Bể Đông không bóng chim bay
Hôm qua là chín, hôm nay là mười
Tìm em đã mướt mồ hôi
Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
Tìm em chẳng thấy em đâu
Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
Có nghe nín lặng mà nghe
Những lời anh nói như se vào lòng
-
Trời mưa cho ướt lá khoai
-
Em là thân phận nữ nhi
Em là thân phận nữ nhi
Thầy mẹ thách cưới làm chi bẽ bàng
Tiền thời chín hũ lồng quang
Cau non trăm thúng họ hàng ăn chơi
Vòng vàng kéo đủ mười đôi
Nhẫn ba trăm chiếc, tiền thời mười quan
Còn bao của hỏi của han
Của mất tiền cưới của mang ta về
Cưới ta trăm ngỗng nghìn dê
Trăm ngan nghìn phượng ta về làm dâu
Cưới ta chín chục con trâu
Ba trăm con lợn đưa dâu về nhà
Chàng về nhắn nhủ mẹ cha
Mua tre tiện đốt làm nhà ở riêng
Chàng về nhắn nhủ láng giềng
Quét cổng quét ngõ, ra giêng ta về
Ta về ta chẳng về không
Voi thì đi trước ngựa hồng theo sau
Ba bà cầm quạt theo hầu
Mười tám người hầu đi đủ thì thôi -
Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng
-
Con khỉ hái một trái chanh
-
Ca dao tế mẹ
Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
Nên chi cỏ héo hoa sầu!
Kể từ ngày nương tựa lều tranh
Công ơn mẹ kể không xiết kể!
Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon … -
Vè uống rượu
Một chén giải cơn sầu
Hai chén còn nhơn đạo
Ba chén còn gượng gạo
Bốn chén nổi sân si
Năm chén sập thần vì
Sáu chén ngồi ghì xuống đó
Bảy chén thì đuổi chẳng đi
Tám chén lóc trộn lộn ra
Chín chén lóc trộn lộn vô
Mười chén ai xô tôi ngã
Mười một chén chửi cha ai xôDị bản
Uống một ly nhâm nhi tình bạn
Uống hai ly giải cạn cơn sầu
Uống ba ly mũi chảy đầy râu
Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
Uống năm ly cho chó ăn chè
Uống sáu ly ai nói nấy nghe
Uống bảy ly làm xe lội nước
Uống tám ly chân bước chân quỳ
Uống chín ly còn gì mà kể
Uống mười ly khiêng để xuống xuồngMột xị giải phá cơn sầu
Hai xị mũi chảy đầy râu
Ba xị nằm đâu ngủ đó
Bốn xị cho chó ăn chè
Năm xị làm xe lội nước
Sáu xị vợ rước về nhà
Bảy xị ông bà chửi nát
Tám xị ra đống rác nằm
Chín xị lên băng ca
Mười xị ra nghĩa địaNhất xị mở mang trí hoá,
Nhị xị giải phá thành sầu,
Tam xị mũi chảy đầy râu,
Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
Ngũ xị cho chó ăn chè,
Lục xị vợ đè cạo gió,
Thất xị mua hòm để đó,
Bát xị … cho nó chết luôn!
-
Một yêu anh có Seiko
Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô
Năm yêu không có bà bô
Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về
Bảy yêu anh vững tay nghề
Tám yêu sớm tối đi về có nhau
Chín yêu gạo trắng phau phau
Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngàyDị bản
-
Vè lương tháng
Ve vẻ vè ve
Nghe vè lương tháng
Hai trăm ngồi phán
Trăm tám ngồi nghe
Tranh đài tranh xe
Là thằng trăm rưỡi
Tất ta tất tưởi
Là lũ trăm hai
Vừa làm vừa sai
Là quân chín chục
Vợ chồng lục đục
Là bọn sáu mươi
Dở khóc dở cười
Là bọn bốn chịch
Chẳng ta chẳng địch
Là lũ con phe
Nói chẳng ai nghe
Là ông Nhà nước -
Thân em mười sáu tuổi đầu
Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tối về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò -
Mười lo
Một lo con nít trắng răng
Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
Ba lo thầy bói té nhào
Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
Năm lo thợ đúc méo khuôn
Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
Bảy lo bà chúa chửa hoang
Tám lo trai làng không vợ chạy rông
Chín lo trong ngục không gông
Mười lo ngoài đồng không đất chôn maDị bản
-
Ở đâu năm cửa nàng ơi
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
Ở đâu là chín từng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin lấy túi đồng?
Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
Chùa Hương Tích mà lại ở hang
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông Ngân Hà
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Em xin giảng rõ từng nơi từng người. -
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
Làng trên chạ dưới thiếu gì trai tơ!
Em trót đem thân cho thằng bé nó giày vò,
Đên đông tháng giá, nó nằm co trong lòng.
Em cũng mang thân là gái có chồng,
Chín đêm chực tiết, nằm không cả mười!
Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
Em cũng liều thằng bé trẻ ranh
Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn!
Em buồn, em lại nhấc thằng bé nó lên trên,
Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy tì tì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần? -
Vè kể giăng
Mồng một cho tới mồng năm
Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
Mồng sáu, mồng bảy trở đi
Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
Mồng chín giăng ánh vườn đào
Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
Mười một sáng cả vườn dâu
Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
Mười ba giăng gió giữ duyên
Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
Gặp giăng em hỏi em chơi
Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
Đến rằm giăng đã lên cao
Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
Mười chín em định em ngồi
Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
Kể từ hăm mốt nửa đêm
Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
Cuối tháng giăng xuống biển sâu
Ba mươi mồng một ai cầu được giăng -
Tháng giêng là nắng hơi hơi
Tháng giêng là nắng hơi hơi
Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
Thứ nhất là nắng tháng ba
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
Tháng bảy là nắng vừa vừa
Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
Tháng chín nắng gắt nắng gay
Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
Tháng một là nắng mùa đông
Tháng chạp có nắng nhưng không có gìDị bản
Tháng giêng thì nắng hơi hơi
Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
Tháng ba được trận nắng già
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
Tháng chín nắng ớt, nắng cay
Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn
-
Tháng giêng là gió hây hây
Tháng giêng là gió hây hây
Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
Tháng năm là tiết gió tây
Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
Tháng bảy gió lọt song đào
Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
Tháng chín là tháng gió ngoài
Tháng mười là tháng heo may rải đồng
Tháng một gió về mùa đông
Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe! -
Vè ông Hường Hiệu
Kể từ lịch sử nước Nam triều,
Thương cho mấy người tài năng học sĩ chết đã nhiều vì Tây qua
Quảng Nam có ông Hường Hiệu ở Thanh Hà,
Trung thành với nước nên xa chốn triều thần
Về nhà sầu thảm với nhân dân,
Lâm vô tử trận chín mười phần còn chi
Tụi Tây qua đã tới Trung Kỳ,
Đế đô co kéo còn gì nước Nam
Giận thay cho chú Cần Thân,
Cầu tham lam mãi quốc biết ăn làm với ai
Nước Nam mình thiếu chi kẻ anh tài,
Văn chương đủ hết không dùi mài cho nên
Để cho nhà dột khó ngăn,
Thơ ông Hường để lại dưới đền đinh ninh
Thương thay cho cộng sản hữu tình,
Trung thành với Tổ quốc liều mình cho nên khô
Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô,
Kẻ thì bị đày ra bỏ vợ, người bị giải vô bỏ chồng
Thù xưa còn hỡi ghi lòng,
Gang sơn Tổ quốc khi không mà thành
Giậm chân kêu với ông trời xanh,
Nhân dân xuất thế giặc Nam thành cũng tan
Đánh Anh, Tây, Nhật đầu hàng,
Sơn băng thuỷ kiệt mở mang cho nước nhà. -
Ba mươi súc miệng ăn chay
Ba mươi súc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
Lâm râm khấn vái Phật Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
Để cho trai gái dốc lòng đi tu
Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen …
Chú thích
-
- Dó
- Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.
-
- Đãi bìa
- Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Trượng
- Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
-
- Chợ Bưởi
- Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.
Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.
-
- Điếm canh
- Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Họa đồ
- Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Chùa Thiên Niên
- Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
-
- Vọng cách
- Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…
-
- Chùa Tảo Sách
- Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
-
- Đa lông
- Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
-
- Đông Xã
- Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
-
- Làng Cót
- Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.
Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.
-
- Trung Nha
- Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
-
-
- Làng Vòng
- Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Họ Lại
- Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
-
- Sắc
- Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Thanh Lâm
- Tên gọi của một huyện đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam kể từ thời thuộc Minh (1407-1427), hiện nay là huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
-
- Đồng Khê
- Tên nôm là Đồng Sớm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Chim di
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nhân ngãi
- Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
-
- Heo may
- Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
(Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)
-
- Gàu
- Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Bàu Gõ
- Địa danh nay thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
-
- Bồ hòn
- Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.
-
- Trăng
- Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
-
- Vuông tròn
- Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
-
- Nhơn đạo
- Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Sân si
- Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
-
- Thần vì
- Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xị
- Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
-
- Băng ca
- Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
-
- Seiko
- Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.
-
- Peugeot
- Đọc là pơ-giô, cũng gọi là lơ, một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).
-
- Văn Điển
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
-
- Ông bô, bà bô
- Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
-
- May ô
- Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.
-
- Con phe
- Con buôn.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Mang
- Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
-
- Gông xiềng
- Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Vãi
- Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
-
- Thắt cổ bồng
- Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
-
- Thanh Hóa
- Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.
Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.
Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Trị thủy
- Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
-
- Các cửa ô Hà Nội
- Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.
Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.
-
- Sông Lục Đầu
- Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.
Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.
Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10
-
- Sông Thương
- Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.
Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.
-
- Tản Viên
- Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.
-
- Đền Sòng Sơn
- Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
-
- Lạng Sơn
- Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...
-
- Động Hương Tích
- Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.
-
- Lý Quốc Sư
- (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).
-
- Hữu Sào
- Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Nữ Oa
- Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.
Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Hạ Vũ
- Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.
-
- Chạ
- Xóm. Đây là âm xưa của chữ 社 mà từ trong tiếng Việt hiện đại là xã.
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Tháng một
- Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
-
- Song đào
- Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Nguyễn Duy Hiệu
- Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
Trăm năm tâm sự có Quan Công
Non sông phần tự thơ trời định
Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng.
-
- Thanh Hà
- Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Nguyễn Thân
- (1854 - 1914) Võ quan nhà Nguyễn dưới triều vua Đồng Khánh, là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.
-
- Mãi quốc
- Bán nước (từ Hán Việt).
-
- Chừng mô
- Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Sơn băng thủy kiệt
- Núi lở, sông cạn (thành ngữ Hán Việt). Tiếng Việt ta có thành ngữ tương tự là sông cạn đá mòn, thường dùng để thề nguyền. Ở một số ngữ cảnh, đây được coi là điềm báo đất nước sắp gặp họa lớn, dân chúng phải lầm than khổ sở.
-
- Hồng quần
- Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
(Truyện Kiều)
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Khánh
- Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.
-
- Chùa Hồ Sen
- Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.