Bao giờ cho đến tháng mười
Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy
Tìm kiếm "trăng tháng mười"
-
-
Khi nào trâu đực sinh con
Khi nào trâu đực sinh con
Gà trống đẻ trứng, trăng tròn ba mươi
Khi nào tháng chạp ăn rươi
Tháng giêng gặt lúa em thời lấy anh. -
Tháng giêng lúa mới chia vè
Tháng giêng lúa mới chia vè
Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
Chị em đi sắp gánh gồng
Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
Tháng hai cho chí tháng mười
Năm mười hai tháng em ngồi em suy
Vụ chiêm em cấy lúa đi
Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
Việc nhà em liệu lo toan
Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
Tháng sáu em cấy anh bừa
Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều -
Mình rằng mình quyết lấy ta
Mình rằng mình quyết lấy ta
Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
Hăm ba nay đã đến ngày
Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
Tháng giêng năm mới chưa nên
Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
Tháng hai có đỗ có khoai
Ta lại vật nài cho đến tháng tư
Tháng tư ngày chẵn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu -
Thư gửi chồng
Jê-cờ-ri một bức tình thư,
Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
Tú xon gạt nước mắt than rằng:
Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
La cua mút mọc, luyn tà,
La săm biết lấy ai là a-mi
Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
A-mi ai có thấu tình,
Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
Pơ-răng qua để làm quà,
Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
Tự ngày bước xuống ba-tô
Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
Xi vu lét-xê moa tiền,
Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
Lơ roa Thành Thái Annam
23 tháng Tám bước sang tháng Mười
Tên em là Nguyễn Thị Thời. -
Ông Trăng mà lấy bà Trời
-
Tháng giêng là gió hây hây
Tháng giêng là gió hây hây
Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
Tháng năm là tiết gió tây
Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
Tháng bảy gió lọt song đào
Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
Tháng chín là tháng gió ngoài
Tháng mười là tháng heo may rải đồng
Tháng một gió về mùa đông
Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe! -
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy, để liều thân ru
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
Trứng rận bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà … -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Muốn ăn lúa tháng mười
Muốn ăn lúa tháng mười,
Trông trăng mùng tám tháng tư. -
Vè ở tù
Chiều chiều vào khám
Như công chúa vào lầu
Bận áo không bâu
Như mình mang thiết giáp
Thầy chú đánh đạp
Như thí võ Tràng An
Quần áo lang thang
Như mình mang giáp trụ
Tuông bờ lướt bụi
Như Khương Thượng tán binh … -
Quả cau nho nhỏ
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con một chồng.Dị bản
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thật là của em.Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
Cái Cả đã biết dọn hàng,
Thằng Hai đi học về tràng khoa thi.
Cái Ba buôn bán đủ nghề,
Còn hai đứa nhỏ vẫn thì ăn chơi.
-
Dì thằng cu như cánh hoa nhài
Dì thằng cu như cánh hoa nhài
Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm
Sáng trăng trong sáng cả ngoài thềm
Lại đây ta chắp áo mền đắp chung
Đêm đông thắp ngọn đèn lồng
Mình về có nhớ ta không hỡi mình
Chiếc thuyền nan anh giậm thình thình
Anh thì cầm lái cô mình phách ba
Có thương anh bẻ mái chèo ra
Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
Anh thấy em anh cũng ưa đời
Biết rằng chốn cũ có rời ra chăng. -
Giàu ba mươi sáu phố phường
-
Bực mình lên tận thiên cung
Bực mình lên tận thiên cung
Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
Biết người biết mặt nhau chi
Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
Tìm người chẳng biết mấy nơi
Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây. … -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Hà Nội băm sáu phố phường
-
Hà Nội băm sáu phố phường
-
Bắc thang lên đến tận trời
Bắc thang lên đến tận trời
Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay
Đánh thôi, lại trói vào cây
Hỏi ông Nguyệt lão: nào dây tơ hồng?
Nào dây xe bắc xe đông
Nào dây xe vợ, xe chồng người ta?
Ông vụng xe, tôi lấy phải vợ già
Tôi thì đốt cửa, đốt nhà ông đi -
Bữa rày mồng tám tháng ba
Bữa rày mồng tám tháng ba
Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
Vợ này là vợ chính thê
Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
Giỗ này hết khó, hết thương
Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
Hết buồn rồi lại sang vui
Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
Nhất tuần mời, nhị tuần mời
Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
Bây giờ tôi được, anh thua
Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!
Chú thích
-
- Rươi
- Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.
-
- Vè
- Nhánh cây.
-
- Lụy
- Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
-
- Chiêm
- (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.
-
- Lúa ré
- Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
-
- Lúa Ba Trăng
- Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
-
- Gạo tám xoan
- Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Mưa ngâu
- Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
-
- Jê-cờ-ri
- Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
-
- Ăng-voa
- Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
-
- Me xừ
- Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
-
- Tú xon
- Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
-
- Cô soong
- Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
-
- Đờ-puy
- Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
-
- Nô-xờ
- Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
-
- Ê-loa-nhê
- Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
-
- Cu-tô
- Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- La cua
- Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
-
- Mút
- Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
-
- Luyn
- Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
-
- La săm
- Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
-
- A-mi
- Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
-
- Sơ-mi
- Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lơ li
- Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
-
- Biếng ba
- Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
-
- Pơ-răng qua
- Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
-
- Uyn lét
- Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
-
- Ca-đô
- Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
-
- Ba-tô
- Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
-
- Lác-mơ
- Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
-
- Hồ Trúc Bạch
- Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).
-
- Xi vu lét-xê moa
- Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
-
- Bông cờ
- Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
-
- Ta xơ
- Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
-
- Ơ-rơ
- Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
-
- Lơ roa
- Vua (từ tiếng Pháp le roi).
-
- Thành Thái
- (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Sỏ
- Đầu gia súc khi đã làm thịt.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Song đào
- Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
-
- Heo may
- Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
(Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Nhót
- Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.
-
- Cù nèo
- Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
-
- Bồ cào
- Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.
-
- Hắc lào
- Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Trôn
- Mông, đít, đáy (thô tục).
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Chuột chù
- Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.
-
- Nhấm
- Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Bâu
- Cổ áo.
-
- Trường An
- Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
-
- Giáp trụ
- Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
-
- Khương Thượng
- Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Thiên cung
- Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bắc Ninh
- Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.
-
- Từ Sơn
- Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Hàng Bột
- Một phố của thành Thăng Long ngày trước, nay là phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.
-
- Hàng Đường
- Một phố trong khu phố cổ Hà Nội, dài 180m, chạy theo hướng bắc - nam, phía nam nối vào phố Hàng Ngang, phía bắc nối phố Đồng Xuân, cắt ngang bởi phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố từ xưa đến nay không bị thay đổi. Đây là nơi từ xưa chuyên bán các loại đường, mứt, bánh, kẹo. Từ khoảng những năm 1940 đến nay, phố này bắt đầu trở thành nơi nổi tiếng với các sản phẩm ô mai.
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Húy nhật
- Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
-
- Chính thê
- Vợ chính, vợ cả.
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Tiết phu tiết phụ
- Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
-
- Tuần
- Một lần rót (rượu, trà...)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).