Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngày xưa, người ta thường đun bằng bếp củi nên đít nồi thường có nhọ đen. Gọi "chị đen" là do vậy.
  2. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  3. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  4. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  5. Sim lo
    Một món canh của người Miên, phiên âm từ tiếng Khmer som lo m'chu (nghĩa là canh chua), thành phần chủ yếu gồm thịt, cá, rau tập tàng nấu với mắm bò hóc. Tùy theo nguyên liệu chính mà người ta gọi tên món là sim lo măng, sim lo bầu, sim lo cá v.v. Cũng đọc là xiêm lo hay xim lo.

    Khô cá rún nấu sim lo

    Khô cá rún nấu sim lo

  6. Lưu thú
    Làm lính canh giữ đồn, thành trong một khoảng thời gian nhất định.
  7. Trối kệ
    Mặc kệ, không quan tâm đến.
  8. Dễ ngươi
    Khinh nhờn, không xem ra gì.
  9. Khó
    Nghèo.
  10. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  11. Ăn rở
    (Nói về phụ nữ) Thèm ăn của chua hoặc các thức ăn khác thường khi mới có thai.
  12. Cầm chầu
    Trong các buổi hát ả đào, hát ca trù, hát bội thời xưa, có một người chuyên đánh tiếng trống khen hoặc chê sau mỗi câu hát, gọi là người cầm chầu. Người cầm chầu phải là người rất am hiểu về nghệ thuật hát.

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

  13. Xằng
    Sai, bậy.
  14. Thanh Nghĩa
    Tên một làng thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng, hình thành từ thời Lý. Đình làng thờ Thành hoàng Lý Công Bình, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2009. Hằng năm làng tổ chức hội vào ngày 25/10 âm lịch.
  15. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  16. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  17. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  18. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  19. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  21. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  22. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  24. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  25. Ba Đình
    Vùng đất gồm ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có tên gọi như thế vì ở mỗi làng có một cái đình, ở làng này có thể trông thấy mái đình của hai làng kia. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng làm thủ lĩnh vào cuối thế kỉ 19. Ba Đình có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

  26. Lũy Ba Đình, dinh ông Thượng
    So sánh sự đồ sộ của chiến lũy Ba Đình ở Nga Sơn với dinh thự của tổng đốc Thanh Hóa thời bấy giờ.