Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  2. Chợ Dưng
    Tên ngôi chợ cạnh đầm Dưng, xưa thuộc làng Văn Trưng, nay thuộc đất khu 5 thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Xem thêm chú thích Kẻ Dưng.
  3. Bún nước lèo
    Một loại bún đặc sản ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Nước lèo của bún được nấu từ một số loại mắm thông thường như mắm cá sặc hay cá linh, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc, cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Khi ăn, bún được nhúng vào nồi nước lèo đang sôi, sau đó vớt ra cho vào tô rồi múc nước lèo đổ vào, thêm rau cải, cá, thịt, tép, chanh, giấm ớt…

    Bún nước lèo

  4. Chùa Ông Mẹt
    Một ngôi chùa cổ ở Trà Vinh. Theo lời truyền kể thì chùa được tạo dựng đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới được dời về vị trí hiện nay (đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh). Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.

    Chính điện chùa Ông Mẹt

  5. Ao Bà Om
    Một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh. Theo truyền thuyết, ao được đào bởi bên nữ trong một cuộc thi, dưới sự lãnh đạo của một người tên là Om. Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Ngày nay ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè.

    Ao Bà Om

  6. Quan Công
    Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt, có lúc cưỡi ngựa xích thố

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt đao, có lúc cưỡi ngựa Xích Thố

  7. Hiếu Tử
    Tên một xã thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trước thuộc vùng Trà Tử. Tại đây có đình Vĩnh Yên, nơi thờ Bố chính Trần Tuyên.
  8. Trần Tuyên
    Còn có tên là Trần Trung Tiên, một vị quan nhà Nguyễn. Ông quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1841, ông được cử làm Bố chính sứ Vĩnh Long. Cùng năm, ông tử trận ở vùng Trà Tử khi đang cầm quân đánh dẹp quân nổi loạn Sâm Lâm. Tại xã Hiếu Tử hiện vẫn còn đền thờ ông.

    Cổng đình Vĩnh Yên thờ Bố chánh Tuyên ở xã Hiếu Tử. Ngôi đình đã bị một trường học cất sau che khuất.

  9. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  10. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  11. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  12. Nam đáo nữ phòng
    (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:

    Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
    Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm

    (Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
    Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).

    Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.

  13. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  14. Vận
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Vận, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Đùa
    Lùa mạnh qua (gió đùa, nước đùa, lấy tay đùa...)
  16. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  17. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  18. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  19. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  20. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  22. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  23. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  24. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  25. Tràng
    Đồ đan bằng tre, lòng nông, có vành (như cái mẹt).
  26. Chõng
    Đồ dùng để nằm, ngồi, làm bằng tre nứa, giống như chiếc giường nhưng nhỏ, hẹp hơn. Ngày xưa, những nhà buôn bán nhỏ thường xếp hàng hóa lên một chiếc chõng, gọi là chõng hàng.

    Hàng bún riêu bày trên chõng

    Hàng bún riêu bày trên chõng

  27. Bủng
    Vẻ ngoài nhợt nhạt, ốm yếu.
  28. Thâm tình
    Tình nghĩa sâu năng (từ Hán Việt).