Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  2. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  3. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  4. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  5. Thành ngữ Hán Việt, dịch nghĩa thuần Việt là: "Tiền của như đất bên đàng, nhân nghĩa mới thực ngàn vàng trong tay."
  6. Sút
    Long ra, rời ra.
  7. Nói về những con sông có nước độc.
  8. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  9. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  10. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  11. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  12. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  13. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  14. Lịnh
    Lệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  16. Tứ chiếng
    Bốn phương. Từ này được đọc chệch từ tứ chính, nghĩa là bốn trấn Kinh Bắc (trấn Bắc), Sơn Nam (trấn Nam), Sơn Tây (trấn Đoài) và Hải Dương (trấn Đông).
  17. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  18. Có bản chép: làm.
  19. Cơ đồ
    nghĩa là nền, đồ là bức vẽ. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: [Cơ đồ là] cơ nghiệp bản đồ, kể về việc cả nước, hoặc việc vương bá. Nền tảng kế hoạch, kể về việc thông thường.
  20. Đũa bếp
    Đũa to và dài, dùng khi nấu nướng (lật các món chiên xào, xới cơm, nhấc nồi...). Miền Bắc gọi là đũa cả.

    Đôi đũa bếp

    Đôi đũa bếp

  21. Chìa vôi
    Một loại chim giống sẻ, đuôi dài, lông có hai màu đen trắng.

    Chìa vôi

    Chìa vôi

  22. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  23. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  24. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  25. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  26. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  27. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  28. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  29. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  30. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  31. Cô nhắc
    Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
  32. La ve
    Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.

    Nhãn bia Larue dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

  33. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  34. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  35. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  36. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  37. Cây Gõ
    Một địa danh nay thuộc quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây vẫn còn bùng binh Cây Gõ và chợ Cây Gõ.

    Tượng đài Lê Lợi tại bùng binh Cây Gõ trước khi bị tháo dỡ (tháng 5/2013)

    Tượng đài Lê Lợi tại bùng binh Cây Gõ trước khi bị tháo dỡ (tháng 5/2013)

  38. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  39. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  40. Núi Bà Đen
    Một ngọn núi thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là ngọn núi cao nhất miền Tây Nam Bộ (986m), cũng gọi là núi Một hoặc núi Điện Bà. Chùa và núi Bà Đen là những di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Tây Ninh.

    Núi Bà Đen

    Núi Bà Đen

  41. Vô thủ, vô vĩ, vô nhĩ, vô tâm
    Không đầu, không đuôi, không tai, không tim.
  42. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  43. Căng cọc giăng nài
    Một trong những lối hình phạt ngày xưa, dùng dây căng tay chân phạm nhân và buộc vào các cây cọc (nọc) đóng sâu xuống đất trước khi đánh đập tra khảo.
  44. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre