Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  2. Ông mệ
    Ông bà (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  4. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  5. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  6. Nghèo rớt mùng tơi
    Có hai cách hiểu về câu này. Theo cách phổ biến, mùng (mồng) tơi ở đây chỉ loại dây leo quấn, mập và nhớt, lá dày hình tim, lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường.

    Rau mùng tơi

    Rau mùng tơi

    Khi nấu canh mùng tơi, lá mùng tơi có nhiều rớt (nhớt) nên khi múc canh vào bát, môi canh trơn tuột, không dính tí gì. Nghèo rớt mùng tơi là nghèo xơ nghèo xác không có chút của cải gì.

    Theo cách giải thích thứ hai, mùng tơi là phần trên của chiếc áo tơi (phần dày nhất và khâu kĩ nhất) - loại áo khoác dùng để che mưa nắng, thường được làm bằng lá cây, thường là lá cọ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau, rất quen thuộc trong các gia đình nông dân Việt Nam trước đây. Khi áo tơi rách thì mùng tơi vẫn còn, dùng cho đến khi rớt (rơi) hết mùng tơi chứng tỏ rất nghèo.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  7. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  8. Bâu
    Cổ áo.
  9. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  10. Nhà Neo
    Một địa danh ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Có tên như vậy vì trước đây khi xây lăng Thoại Ngọc Hầu, người ta vận chuyển đá bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kênh Vĩnh Tế về Núi Sam. Chỗ ghe neo lại để lên đá được gọi là Nhà Neo.
  11. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  12. Há dễ
    Không dễ dàng gì (từ cổ).

    Làm ơn há dễ mong người trả ơn (Lục Vân Tiên)

  13. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  14. Chữ Nho
    Một cách gọi chữ Hán ngày trước, do học trò ngày xưa (nho sĩ) phải học Nho giáo và đọc, viết chữ Hán.
  15. Đây là hai câu 2507 và 2508 trong Truyện Kiều. Lúc này Từ Hải nghe lời Kiều khuyên "về với triều đình," bị Hồ Tôn Hiến (Hồ công) mai phục và giết chết.
  16. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  17. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  19. Tai
    Mang cá (chữ Hán).

    Mang cá

    Mang cá

  20. Cá nheo
    Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.

    Cá nheo

    Cá nheo

  21. Đầu cua tai nheo
    Nghĩa đen là đầu con cua đi với mang cá nheo, nghĩa là chuyện chắp vá chẳng đâu vào đâu.
  22. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  23. Ở đây có sự chơi chữ lập lờ giữa ghe (thuyền) và ghe (bộ phận sinh dục nữ).
  24. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Sáu Ghe.
  25. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  26. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  27. Người Nam Bộ phát âm không phân biệt hỏi ngã, "rễ" vì vậy cũng phát âm như "rể."
  28. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)