Tìm kiếm "sở tại"

Chú thích

  1. Khoai mỡ
    Một loại dây leo cho củ, còn có tên là khoai lăng, khoai tím, củ tía hoặc củ lỗ. Khoai mỡ có hai loại: ruột trắng và ruột tím. Người Việt dùng khoai mỡ tím nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến và dễ làm nhất là nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày.

    Khoai mỡ

    Khoai mỡ

  2. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  3. Sông Sở Thượng
    Một nhánh của sông Tông-lê-Prreat chảy song song với sông Tiền, bắt nguồn từ Ba-năm (Campuchia) và đổ vào sông Tiền ở thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
  4. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  5. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  6. Duyên số
    Số phận về tình duyên như được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo.
  7. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  8. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  9. Đầu Ngô mình Sở
    Thành ngữ này bắt nguồn từ câu mô tả địa thế của đất Dự Chương (Trung Quốc) trong Chức phương thặng của Hồng Sô: Dự Chương chi địa vi Ngô đầu Sở vĩ, nghĩa là "Đất Dự Chương là đất ở đầu nước Ngô, cuối nước Sở." Sở dĩ nói vậy vì vùng này về mặt địa lí thì giáp với miền thượng du của Giang Tô, xưa thuộc đất Ngô, và miền hạ du của Hồ Bắc, xưa là đất Việt. Tuy nhiên khi sang nước ta thì thành ngữ này lại chỉ sự kì quái, chắp vá lộn xộn, ví như cái đầu của người Ngô, mà cái mình lại của người Sở hoặc ăn mặc kiểu người Sở.
  10. Con so
    Con đầu lòng.
  11. Cửa sài
    Từ chữ sài môn, nghĩa là cổng củi, cổng của nhà nghèo.
  12. Tớ
    Tôi tớ, đầy tớ.
  13. Nhà bạc
    Nhà lợp cỏ. Cách nói nhà bạc cửa gai (thường bị chạnh thành nhà bạt cửa gai) dùng để chỉ nhà nghèo.
  14. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  15. Vàng cốm
    Vàng trong tự nhiên, ở dạng mảnh vụn, dạng hạt hoặc vẩy nhỏ, lẫn với các khoáng vật khác.

     

    Vàng cốm

    Vàng cốm

  16. Nếu (từ cổ).

    Mai sau dù có bao giờ,
    Thắp lò hương ấy so tơ phím này.
    Trông ra ngọn cỏ lá cây,
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

    (Truyện Kiều)

  17. Mễ Sở
    Tên một tổng trước 1945, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm đều làm lễ lớn vào tháng hai âm lịch.

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

  18. Bòn bon
    Một loại kẹo (phiên âm từ tiếng Pháp bonbon).

    Kẹo bòn bon

    Kẹo bòn bon

  19. Sô cô la
    Phiên âm từ tiếng Pháp chocolat.
  20. Sữa hột gà
    Một món giải khát thành phần chủ yếu gồm lòng đỏ trứng gà, sữa, soda.

    Soda sữa hột gà

    Soda sữa hột gà

  21. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  22. Có bản chép: Pepsi.
  23. Đình So
    Đình làng So (còn có tên là Sơn Lộ) thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông (theo sách Sơn Tây địa chí của Phạm Xuân Độ), được xem coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, một năm có ba lễ lớn: Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm.
  24. Yên Sở
    Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu.

    Rước kiệu hội Giá

    Rước kiệu hội Giá

  25. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  26. Chùa Quảng Nghiêm
    Còn gọi là chùa Tiên Lữ hay chùa Trăm Gian, một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.

    Gác chuông chùa Trăm Gian

    Gác chuông chùa Trăm Gian

  27. Con rạ
    Con từ đứa thứ hai trở đi, phân biệt với con so.
  28. Thời hạn vợ chồng có thể sinh hoạt tình dục trở lại sau khi sinh nở (quan niệm dân gian).
  29. Thuốc lá 555
    Thường gọi thuốc "ba số" hoặc "ba số năm," một nhãn hiệu thuốc lá ngoại.

    Thuốc lá ba số

    Thuốc lá ba số

  30. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  31. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  32. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  33. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  34. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  35. Thốt nốt
    Loại cây thuộc họ cau, mọc nhiều ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Dịch ngọt từ các bông mo non của thốt nốt được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt, có vị ngọt thanh.

    Cây thốt nốt

    Cây thốt nốt

  36. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  37. Trong trào ngoài quận
    Cả trong triều đình và các quận ngoài, ý nói khắp mọi nơi. Còn nói nội triều ngoài quận.
  38. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  39. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  40. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.