Tìm kiếm "đèn"

Chú thích

  1. Chợ Giang Đình
    Trước đây có tên là chợ Văn, ngôi chợ nằm trên bến Giang Đình, nay thuộc thị trấn Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sau này chợ được chuyển xuống phía dưới cửa sông Tân Quyết đổ ra sông Lam, cách đó khoảng 500m, và được xây lại.
  2. Khôn như tinh đến Giang Đình cũng mắc
    Chợ Giang Đình có tiếng là có nhiều người buôn bán lọc lõi.
  3. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  4. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  5. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  6. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  7. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  8. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  9. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  10. Kiềng đèn
    Vòng sắt có ba chân dùng làm chân đèn dầu ngày xưa.
  11. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  12. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  13. Bài ca dao này có sự chơi chữ: Dùi đụcchàng đều là đồ nghề của thợ mộc, còn kiềng đèn, thiếp (hay thếp: đĩa đựng dầu đèn), dầu, tim đều liên quan đến đèn.
  14. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  15. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  16. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  17. Sáo đen
    Một giống chim thuộc họ Sáo. Sáo đen có loại có chân vàng mỏ vàng, mắt đen kịt, không có tròng trắng. Loại khác chân ngà mỏ ngà, tròng mắt có màu vàng, con ngươi nhỏ. Lại có loại mỏ ngà chân vàng tròng mắt màu vàng và con ngươi co giãn.

    Sáo đen

    Sáo đen

  18. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  19. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  20. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  21. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  22. Cò bợ
    Một giống cò có mỏ vàng với đầu mỏ đen, chân và mắt màu vàng. Bình thường cò bợ có bộ lông màu xám, đến mùa sinh sản thì chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng.

    Cò bợ

    Cò bợ

  23. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  24. Độc Tôn
    Một dãy núi gồm khoảng 8-9 đỉnh núi, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài đỉnh cao nhất là Hàm Lợn (còn có tên là Chân Chim, cao 500m, được mệnh danh là "mái nhà của Hà Nội"), dãy Độc Tôn còn có các đỉnh Thanh Lanh, Bà Tượng, Lục Dinh... đều là những đỉnh núi cao và hiểm trở.

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

  25. Sóc Sơn
    Tên một huyện và cũng là tên một ngọn núi (còn gọi là núi Sóc, núi Mã, núi Dền hay núi Vệ Linh) ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng cởi áo giáp, bỏ lại roi và cùng ngựa sắt bay về trời. Núi Sóc trước kia thuộc địa phận Vĩnh Phúc, từ 1976 thuộc Hà Nội.
  26. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Vùng Kim Anh, Đa Phúc (hai huyện cũ của tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú) thấy mây đen đỉnh núi Độc Tôn là sẽ có mưa, thấy gió núi Sóc thì trời sẽ nắng.
  27. Miễu Bà Trang
    Một ngôi miếu thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, Tuy An, Phú Yên. Tương truyền Bà Trang là người giúp vua Gia Long trốn thoát khỏi cuộc truy kích của quân Tây Sơn.
  28. Đền Bà Sứ
    Tên ngôi đền nằm ở cánh đồng cùng tên, nay thuộc địa phận xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  29. Bến Bà Bang
    Một bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  30. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  31. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  32. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  33. Giông khói đèn
    Giông gió lớn thường được báo trước bằng đám mây đen đặc có những sọc chỉ nhỏ như vệt khói đèn dầu xuất hiện ở chân trời.
  34. Nhật trình
    Hành trình trong một ngày, khoảng cách đi được trong một ngày.

    Vài ngày huyện vụ giao xong,
    Ra thành lên kiệu, thẳng giong nhật trình.

    (Nhị Độ Mai)

  35. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  36. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  37. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  38. Xuân bất tái lai
    Tuổi trẻ không quay trở lại.
  39. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  40. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  41. Thế
    Đời, thế gian (từ Hán Việt).

    Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
    Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  42. Đèn ông Chánh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đèn ông Chánh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  44. Điệu
    Đạo (đạo anh em, đạo vợ chồng...).
  45. Thâm
    Sâu (từ Hán Việt).
  46. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  47. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  48. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  49. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  50. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  51. Khóa sinh
    Học trò đã đỗ khảo khóa (kỳ thi sát hạch ở địa phương) thời phong kiến.
  52. Gióng
    Có nơi nói là lóng, là một khoảng giữa hai đốt của thân cây có đốt như tre hay mía.
  53. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  54. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  55. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  56. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  57. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  58. Ràn
    Chuồng trâu, chuồng bò (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  59. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  60. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  61. Xa Lang
    Một làng nay thuộc xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề mộc truyền thống rất nổi tiếng. Ở đây còn có đền Trúc, nơi thờ các tướng sỹ trận vong của nghĩa quân Lam Sơn, gần đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

    Nghề mộc ở Xa Lang

    Nghề mộc ở Xa Lang

  62. Chùa Thượng
    Tên chữ là Phù An Tự, một ngôi chùa 300 tuổi nay tọa lạc tại địa phận thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  63. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  64. Đền Cả Du Đồng
    Cũng gọi là đền Cả Tổng Du Đồng hoặc Tự Đồng, thuộc địa phận thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trước đây thuộc thôn Vĩnh, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ. Đền thờ ông Bùi Thúc Ngật, có công khai phá chiêu dân lập nên xóm làng của Tổng Du Đồng thời nhà Lê.

    Đền Cả Du Đồng

    Đền Cả Du Đồng

  65. Đây các công trình kiến trúc, văn hóa với độ tinh xảo cao có tiếng ở Hà Tĩnh.
  66. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  67. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  68. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
  69. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  70. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  71. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  72. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  73. Nàng nàng
    Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.

    Nàng nàng

    Nàng nàng

  74. Thù lù
    Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả lụp bụp

    Quả lụp bụp

  75. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  76. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  77. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  78. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  79. Củ gấu
    Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.

    Củ gấu

    Củ gấu

  80. Thật ra đây chính là cái áo tơi.
  81. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  82. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  83. Tháp Rùa
    Tên một ngọn tháp nằm trên đảo Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Xưa là Điếu Đài, nơi vua Lê ra câu cá (điếu), rồi chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng, sau vua Lê Chiêu Thống cho đập phá hết. Tháp Rùa ngày nay do bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 với ý đồ táng mộ cha ở đó, nên ban đầu có tên là Tháp Bá hộ Kim.

    Hồ Gươm đầu thế kỉ XX

    Tháp Rùa xưa

  84. Đền Ngọc Sơn
    Một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền có từ trước thời Lý, được xây mới và tu sửa nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau như đền Ngọc Tượng, chùa Ngọc Sơn... đến thế kỉ XIX được xây mới và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Đền hiện nay do Nguyễn Văn Siêu tu sửa năm 1865, đắp thêm đất và kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc cầu Thê Húc.

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

  85. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  86. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  87. Cạnh Đền
    Địa danh nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
  88. Tháp Cánh Tiên
    Còn có tên gọi là tháp Đồng, một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer do thời kì này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.

    Tháp Cánh Tiên

    Tháp Cánh Tiên

  89. Po Ina Nagar
    Dân gian còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu, Bà Đen, hoặc bà Mẫu Thiện, nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Ở Nha Trang có tháp Po Nagar, cũng gọi là Tháp Bà, để thờ vị thần này.

    Tháp Bà Ponagar, Nha Trang

    Tháp Bà Ponagar, Nha Trang

  90. Về bài ca dao này, Ca dao Nam Trung Bộ (Thạch Phương - Ngô Quang Hiển), tr. 81 có chú thích: Trong [tháp Cánh Tiên] có thờ nữ thần Pô Naga - ta gọi là bà Mẫu Thiện - có chứa vàng bên trong, do vậy người Pháp đã đem về đập vỡ để lấy vàng.
  91. Vinh Ba
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, có nghề truyền thống là đan lát. Hiện nay thôn Vinh Ba đã phát triển thành một làng nghề thủ công mĩ nghệ của tỉnh.

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

  92. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  93. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  94. Phú Diễn
    Nay là thôn Phú Diễn, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề chằm nón từ lâu đời. Dưới thời Nguyễn có hơn 90% hộ gia đình làm nghề này, với hai loại sản phẩm chủ yếu là nón sụp và nón chóp. Sản phẩm nón Phú Diễn có mặt ở nhiều làng xã trong tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

    Chằm nón ở Phú Diễn

    Chằm nón ở Phú Diễn

  95. Chằm nón
    Công đoạn chính trong việc làm nón lá. Người làm nón chuốt từng sợi tre nan vành một cách công phu, sau đó uốn thành vòng cho tròn, rồi lợp lá (bao nhiêu lớp tùy loại nón) và khâu vào vành.

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

  96. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  97. Phú Thuận
    Một địa danh nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với phía bắc tỉnh Khánh Hòa, trước có nghề dệt vải. Trong thế kỉ 19, Phú Thuận là một trong những căn cứ quan trọng của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương tỉnh Phú Yên.
  98. Bắn bông
    Một công đoạn trong việc dệt vải: Dùng dây cung bật vào bông vải làm cho tơi xốp để kéo chỉ bằng con cúi.
  99. Đây đều là các thôn nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, hoặc các xã lân cận (do chia lại địa giới hành chính).
  100. Đèn chai
    Chai là mủ (nhựa) của cây chò, một loại cây lớn, mọc ở các vùng rừng núi. Ngày trước nhân dân ta dùng chai làm đèn để thắp sáng, gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã cục chai đã đông cứng thành bột, sàng dừng cho mịn, trộn thêm trấu, đổ xuống đất thành đốt rồi đốt cho khối chai này chảy dẻo ra, sau đó dùng đũa bếp và bàn lăn, xúc lên thành từng lọn hình trụ dài khoảng 2 tấc (20cm), lớn bằng cổ tay, lăn xong thả vào thay nước cho nguội và cứng đèn.
  101. Mỹ Thành
    Một làng nay thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  102. Lạc Chỉ
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  103. Ngọc Lâm
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên trước đây, nay được chia làm hai thôn là Ngọc Lâm 1 và Ngọc Lâm 2.
  104. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  105. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  106. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư