Ca dao Mẹ

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Độc Tôn
    Một dãy núi gồm khoảng 8-9 đỉnh núi, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài đỉnh cao nhất là Hàm Lợn (còn có tên là Chân Chim, cao 500m, được mệnh danh là "mái nhà của Hà Nội"), dãy Độc Tôn còn có các đỉnh Thanh Lanh, Bà Tượng, Lục Dinh... đều là những đỉnh núi cao và hiểm trở.

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

    Hồ Hàm Lợn trên núi Hàm Lợn, thuộc dãy Độc Tôn

  2. Sóc Sơn
    Tên một huyện và cũng là tên một ngọn núi (còn gọi là núi Sóc, núi Mã, núi Dền hay núi Vệ Linh) ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng cởi áo giáp, bỏ lại roi và cùng ngựa sắt bay về trời. Núi Sóc trước kia thuộc địa phận Vĩnh Phúc, từ 1976 thuộc Hà Nội.
  3. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Vùng Kim Anh, Đa Phúc (hai huyện cũ của tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú) thấy mây đen đỉnh núi Độc Tôn là sẽ có mưa, thấy gió núi Sóc thì trời sẽ nắng.
  4. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  5. Rung
    Tiếng ì ầm của biển (phương ngữ Thanh Hóa).
  6. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Bà rú Lông đi ông rú Trà
    Về mùa gió Lào, gió thường đổi chiều từ rú Lông gây nên những cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà (đều thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), gây hại cho nhà cửa, mùa màng. Người dân gọi hiện tượng này là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà.
  8. Kiệt Thạch
    Tên Nôm là kẻ Cài, một làng nằm dưới chân núi Cài, nay thuộc địa phận xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  9. Độ Liêu
    Tên Nôm là kẻ Treo, một làng nay là phường đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của Bùi Cầm Hổ, một vị quan thời Lê sơ. Tên "kẻ Treo" cũng bắt nguồn từ công trình dẫn nước trên núi về đồng ruộng của Bùi Cầm Hổ.
  10. Kẻ Quát
    Một làng nằm về phía tả ngạn sông Ngàn Phố, thuộc địa phận xã Sơn Giang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  11. Xuân Trì
    Tên Nôm là kẻ E, một làng nay thuộc xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  12. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  13. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  14. Truông Nu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Truông Nu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  16. Mống bạc sạch đồng
    Cầu vồng (mống) màu trắng là điềm báo mưa to, lũ lụt.
  17. Đạc
    Dạo, đợt ("đạc ni" nghĩa là "dạo này," phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Núi Truồi
    Tên một ngọn núi thuộc dãy Bạch Mã, một dãy núi làm ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
  19. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  20. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  21. Tiên Lữ
    Còn gọi là kẻ Chặng hay làng Chặng, nay là một xã ở phía nam của huyện Lập Thạch, tĩnh Vĩnh Phúc. Nơi đây được xem là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Bánh gạo rang là đặc sản của Tiên Lữ.
  22. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  23. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  24. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  25. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.
  26. Ngói lò Cánh, bánh quán Đanh
    Tên lò làm ngói có tiếng ở Hương Canh và một quán bánh đúc ngon ở làng Đinh Xá (theo Địa chí Vĩnh Phúc).
  27. Tứ Xã
    Bốn làng nổi tiếng nghề mộc, nay thuộc địa phận xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: Xuân Lãng, Yên Lan, Hợp Lễ, Minh Lương.
  28. Ngõa
    Ngói (từ Hán Việt). Thợ ngõa là thợ chuyên nghề lợp ngói nhà.
  29. Hương Canh
    Tên nôm là làng Cánh hay Kẻ Cánh, thuộc huyện An Lãng, xứ Sơn Tây thời Hậu Lê, nay là thị trấn Hương Canh, huyện lị huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây có phiên chợ Cánh, còn gọi là chợ Hương Canh, ngày xưa mỗi tháng họp tới 12 phiên vào các ngày hai, ngày tư, ngày sáu và ngày chín hàng tháng; trong đó ngày hai, ngày sáu là phiên chính, ngày tư ngày chín là phiên xép. Chợ Cánh có bán đủ các mặt hàng. Đặc biệt có dãy quán lò rèn luôn đỏ lửa để sửa chữa nông cụ tại chỗ cho bà con nông dân kịp lấy ngay. Ngoài ra Hương Canh còn nổi tiếng có nghề thợ xây. Làng có cả đường bộ, đường thủy và đường sắt chạy qua, rất thuận tiện cho giao thương.

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

    Lễ hội kéo song ở Hương Canh

  30. Ba Làng
    Ba làng nổi tiếng nghề thợ xây nay thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: Tiên Canh, Hương Canh, Ngọc Canh.
  31. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  32. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Do đồng đất thường trũng, chỉ mưa có một đêm mà cả cánh đồng ở Đập Nữ (xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường) đã chìm nghỉm, nước ngập đến cằm không gặt được.
  33. Nghinh Tiên
    Một làng nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng có nghề bện, vặn thừng.
  34. Thừng
    Dây thừng. Loại dây to và chắc, thường được bện bằng đay hay gai, dùng để buộc.
  35. Trung Nguyên
    Một làng nay thuộc xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia làng nổi tiếng có nghề đan thúng.
  36. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  37. Hai làng Nghinh Tiên và Trung Nguyên ngày xưa có kết nghĩa với nhau (theo Địa chí Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012).