Tìm kiếm "Hằng Nga"

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Tuổi Tí con chuột cống xù

    Tuổi Tí là con chuột xù
    Thu gạo thu nếp nó bò xuống hang
    Tuổi Sửu con trâu kềnh càng
    Cày chưa đúng buổi nó mang cày về
    Tuổi Dần con cọp chỉn ghê
    Bắt người ăn thịt tha về non cao
    Tuổi Mẹo là con mèo ngao
    Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh
    Tuổi Thìn, rồng ở thiên đình
    Đằng vân giá vũ ẩn mình trên mây

  • Giơ tay bắt lươn lươn trườn vô cỏ

    Giơ tay bắt lươn, lươn trườn vô cỏ
    Giơ tay bắt quạ, quạ bỏ quạ bay
    Từ ngày chàng bỏ thiếp đây
    Bưng bát cơm đôi hàng lụy nhỏ, dạ buồn thay hỡi buồn

    Dị bản

    • Em bắt lươn, lươn bò vô cỏ
      Em bắt cò, cò bỏ cò bay
      Quen biết nhau chưa được mấy trăm ngày
      Duyên xa nợ cách, đắng cay trong lòng

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ

    Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ
    Lươn bắt cò cò bỏ cò bay
    Từ ngày xa bạn đến nay
    Đêm đêm tưởng nhớ, ngày ngày trông luôn
    Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông
    Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
    Quán Cơm nào quán nào nhà
    Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
    Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
    Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng

  • Ai về Giáp Nhị năm xưa

    Ai về Giáp Nhị năm xưa
    Chê ao thối đặc, chê mưa ngập làng
    Chê nhà mái dột, vách tàn
    Chê lúa mọc mậm đầu làng, cuối thôn
    Giờ về Giáp Nhị một hôm
    Khen rau muống tốt nhiều hơn lá rừng
    Khen ao lắm cá vẫy vùng
    Khen nhà ngói đỏ như vung Hàng Nồi

  • Em là thân phận nữ nhi

    Em là thân phận nữ nhi
    Thầy mẹ thách cưới làm chi bẽ bàng
    Tiền thời chín hũ lồng quang
    Cau non trăm thúng họ hàng ăn chơi
    Vòng vàng kéo đủ mười đôi
    Nhẫn ba trăm chiếc, tiền thời mười quan
    Còn bao của hỏi của han
    Của mất tiền cưới của mang ta về
    Cưới ta trăm ngỗng nghìn dê
    Trăm ngan nghìn phượng ta về làm dâu
    Cưới ta chín chục con trâu
    Ba trăm con lợn đưa dâu về nhà
    Chàng về nhắn nhủ mẹ cha
    Mua tre tiện đốt làm nhà ở riêng
    Chàng về nhắn nhủ láng giềng
    Quét cổng quét ngõ, ra giêng ta về
    Ta về ta chẳng về không
    Voi thì đi trước ngựa hồng theo sau
    Ba bà cầm quạt theo hầu
    Mười tám người hầu đi đủ thì thôi

  • Rậm rịt, rậm rịt

    Rậm rịt, rậm rịt
    Con nghịt chết khô
    Con rô chết đứng
    Con ruồi cứng vòi
    Con voi dài ngà
    Con gà dài cựa
    Con heo to trốc
    Chiếc nốc hay đi
    Gà ri hay gáy
    Củ ráy dưới ao
    Ngôi sao côi trời
    Cá bơi ngoài đồng
    Tổ ong trong nhà
    Cái đà ngoài nương
    Chàng cương dưới bàu
    Cá tràu trong hang

  • Ơn chàng đã có lòng vì

    Ơn chàng đã có lòng vì
    Ngỏ lời phương tiện muốn bề tóc tơ
    Nhân khi em ở lại nhà
    Làm nghề canh cửi sớm khuya chuyên cần
    Vốn riêng được một vài trăm
    Đem đi buôn bán Đồng Xuân chợ này
    Buôn hàng vải lụa bấy nay
    Nhờ trời vốn lãi độ ngày ba trăm.

  • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng

    Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
    Công anh dan díu với nàng đã lâu.
    Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
    Ðể anh giúp đỡ trăm cau ngàn vàng.
    Trăm cau để thết họ hàng,
    Ngàn vàng anh đốt giải oan lời thề.

    Dị bản

    • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
      Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
      Bây giờ cô lấy chồng đâu,
      Ðể anh giúp đỡ trăm cau, nghìn vàng.
      Năm trăm anh đốt cho nàng,
      Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
      Xưa kia nói nói, thề thề,
      Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
      Bây giờ nàng đã nghe ai?
      Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào?

  • Đầu làng có một cây đa

    Đầu làng có một cây đa
    Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
    Dầu anh đi sớm về trưa
    Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
    Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
    Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
    Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
    Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
    Tôi là con gái nhỡ thì
    Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
    Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
    Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
    Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
    Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
    Nào là của hỏi của han
    Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?

    Dị bản

    • Đầu làng có một cây đa
      Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
      Dù anh đi sớm về trưa
      Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!

  • Ước gì anh lấy được nàng

    Ước gì anh lấy được nàng
    Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
    Ông sấm ông sét đi đầu
    Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
    Cầu vồng, mống cái bày lên
    Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
    Trăng vàng sao bạc bốn bề
    Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
    Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
    Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
    Nàng thời má đỏ hây hây
    Ước gì anh được đón ngay nàng về

  • Anh là con trai nhà nghèo

    Anh là con trai nhà nghèo
    Nàng mà thách thế anh liều anh lo
    Cưới em anh nghĩ cũng lo
    Con lợn chẳng có, con bò thì không
    Tiền gạo chẳng có một đồng
    Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
    Sớm mai sang hiệu cầm khăn
    Cầm được đồng bạc để dành cưới em

  • Trăng thanh nhờ bởi trời trong

    Trăng thanh nhờ bởi trời trong
    Thương nhau từ chỗ mặn nồng mà thương
    Xưa rày xa cách đôi đường
    Chén thề gần cạn, khăn hường gần phai
    Sầu riêng thức trắng đêm dài
    Hai hàng nước mắt láng lai đêm trường
    Nhớ khi đi đứng ngoài đường
    Tay cầm tay dắt trao thương gởi sầu
    Thẩn thơ thơ thẩn đêm thâu
    Sương sa ướt đẫm mái đầu đôi ta
    Ước sao chàng thiếp một nhà
    Anh đàn em hát câu ca xuân tình
    Đừng làm đôi ngả lênh đênh
    Niềm vui không trọn chữ tình không xong
    Xốn xang dao cắt vào lòng
    Lời thề giữ vẹn, chữ đồng đừng quên

  • Lặng nghe kể ngược

    Lặng nghe kể ngược
    Hươu đẻ dưới nước
    Cá ở trên núi
    Đựng phân bằng túi
    Đựng trầu bằng gơ
    Bể thì có bờ
    Ruộng thì lai láng
    Hàng xẩm thì sáng
    Tối mịt thì đèn
    Hũ miệng thì kèn
    Loa miệng thì lọ
    Cân cấn thì to
    Con voi bé tí

  • Bài thơ thuốc lào

    Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
    Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
    Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
    Ai là chẳng bạn thân với điếu
    Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
    Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
    Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
    Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
    Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
    Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
    Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
    Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
    Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
    Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
    Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
    Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
    Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
    Bạn tâm giao với cái điếu cày.
    Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
    Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
    Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
    Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
    Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
    Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
    Nội các thức say sưa nghiện ngập,
    Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
    Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
    Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
    Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
    Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
    Khi lòng ta tư lự không yên,
    Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
    Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
    Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
    Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
    Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
    Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
    Vùi điếu đi cho hết đa mang.
    Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
    Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
    Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
    Thật là lời chí lý không ngoa.
    Thuốc lào, ta hút điếu ta,
    Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…

Chú thích

  1. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  2. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  3. Chuột, là con giáp đứng đầu trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  4. Sửu
    Con trâu, là con giáp thứ hai trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  5. Dần
    Con hổ, là con giáp đứng thứ ba trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  6. Chỉn
    Vốn là, thật là. Theo học giả An Chi, từ này bắt nguồn từ chữ Hán chân 真 (vốn là, nguyên là).
  7. Mẹo
    Còn gọi là Mão, chỉ con mèo, là con giáp đứng thứ tư trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  8. Thìn
    Con rồng, là con giáp đứng thứ năm trong mười hai cung hoàng đạo dùng để tính thời gian và tính lịch cổ truyền của Việt Nam, bắt nguồn từ Trung Quốc. Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  9. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  10. Đằng vân giá vũ
    Cưỡi mưa, đè mây (chữ Hán). Thường dùng để chỉ sự đi lại của thần tiên.
  11. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  12. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  13. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  14. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  15. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  16. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  17. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  18. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  19. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  20. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  21. Chúa
    Chủ, vua.
  22. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  23. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  24. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  25. Áo địa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Áo địa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  27. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  28. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  29. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  30. Đông sàng
    Cái giường ở phía Đông. Thời nhà Tấn ở Trung Quốc, quan thái úy Khích Giám muốn lấy chồng cho con gái mình, liền sai người qua nhà Vương Đạo có nhiều con cháu để kén rể. Các cậu con trai nghe tin, ra sức ganh đua nhau, chỉ có một người cứ bình thản nằm ngửa mà ăn bánh trên chiếc giường ở phía đông. Người ta trở về nói lại, ông khen "Ấy chính là rể tốt" và gả con cho. Người con trai ấy chính là danh nhân Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi danh bậc nhất Trung Quốc, được mệnh danh là Thư thánh. Chữ đông sàng vì vậy chỉ việc kén rể giỏi giang.

    Vương Hi Chi

    Vương Hi Chi

  31. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  32. Cầu Ván
    Cầu bắc ngang qua sông Bến Ván, một con sông chảy qua huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  33. Ao Vuông
    Một địa danh nằm ở phía bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, nhiều giặc cướp và thú dữ.
  34. Quán Ốc
    Một địa danh nằm ở vùng giáp giới giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trước kia đây là nơi người dân thôn Trung An (nay thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang ốc đến đó bán đổi cho khách qua đường, lâu ngày thành tên.
  35. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  36. Quán Cơm
    Tên một cái chợ nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  37. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  38. Hàng Rượu
    Tên một ngôi chợ ở thị trấn Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  39. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  40. Mậm
    Mầm (thường dùng cho các loại cây lương thực như lúa, ngô). Lúa mọc mậm là lúa đã mọc mầm, rễ từ hạt, thường là do ngâm lâu dưới nước.
  41. Hàng Nồi
    Thời Pháp thuộc tên Rue de Paris, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật, một phố cổ ở thành phố Nam Định.
  42. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  43. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  44. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  45. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  46. Trốc
    Đầu, sọ (phương ngữ).
  47. Nốc
    Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
  48. Gà ri
    Một giống gà đẻ trứng nhỏ, thường được nuôi ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Gà mái có màu lông màu vàng và nâu, có các điểm đốm đen ở cổ, đầu cánh và chót đuôi. Gà trống có lông màu vàng tía, sặc sỡ, đuôi có lông màu vàng đen dần ở phía cuối đuôi.

    Gà ri

    Gà ri

  49. Ráy
    Loài cây mọc ở bụi bờ ẩm thấp, thân mềm hình bẹ, lá hình tim, thân ngầm hình củ. Củ ráy có vỏ màu vàng nâu. Tài liệu cổ coi củ ráy là vị nhạt, tính hàn, độc nhiều, ăn vào gây ngứa miệng và họng.

    Cây ráy

    Cây ráy

  50. Côi
    Trên, cao (phương ngữ Trung Bộ).

    Ta bay lên! Ta bay lên!
    Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
    Ta ở côi cao nhìn trở xuống
    Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm

    (Chơi trên trăng - Hàn Mặc Tử)

  51. Kì đà
    Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.

    Kì đà

    Kì đà

  52. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  53. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  54. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  55. Phương tiện
    Đối đãi, xử trí mọi việc (từ cũ).

    Khi chè chén khi thuốc thang,
    Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh.

    (Truyện Kiều)

  56. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  57. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  58. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  59. Đồng tiền Vạn Lịch
    Một loại tiền đúc thời Vạn Lịch nhà Minh. Vạn Lịch là niên hiệu duy nhất của vua Minh Thần Tông, trị vì Trung Quốc từ năm 1572 đến năm 1620.

    Minh Thần Tông

    Minh Thần Tông

  60. Bốn chữ "Vạn Lịch thông bảo" 萬曆通寶 (đồng tiền lưu hành thời Vạn Lịch) đúc trên đồng tiền.

    Đồng tiền Vạn Lịch

    Đồng tiền Vạn Lịch

  61. Có bản chép: Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu.
  62. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  63. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  64. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  65. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  66. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  67. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  68. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  69. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  70. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  71. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  72. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  73. Hàng xứ
    Người ở nơi khác, xa lạ, không quen biết.
  74. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  75. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  76. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  77. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  78. Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
  79. Xẩm
    Tối, mờ quáng.
  80. Cá hồng cam
    Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.

    Cá Hồng cam

    Cá hồng cam

  81. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  82. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  83. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  84. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  85. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  86. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  87. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.