Tìm kiếm "Lục Vân Tiên"

Chú thích

  1. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  2. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  3. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  5. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  6. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  7. Lục xì
    Cơ quan y tế chuyên khám và chữa bệnh cho những phụ nữ hành nghề mại dâm vào thời Pháp thuộc, nay là bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Có nguồn giải thích lục xì là do cách phát âm của người Trung Quốc từ chữ tiếng Anh look see rồi du nhập vào nước ta.

    Bệnh viện Việt Đức hồi đầu thế kỉ XX  tên là Nhà thương Bảo hộ

    Bệnh viện Việt Đức hồi đầu thế kỉ XX là Nhà thương Bảo hộ

  8. Bờ Hồ
    Tên người Hà Nội gọi khu vực ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Khu vực này từ xưa đã rất đông đúc, sầm uất, với nhiều cửa hàng cửa hiệu, quán xá...

    Anh Tố ơi con mắt anh không sáng cũng không nhèm
    Suốt đời anh không biết ăn kem Bờ Hồ

    (Vũ Bằng)

    Bến xe điện Bờ Hồ

    Bến xe điện Bờ Hồ

  9. Nhất tốt độ hà, bán xa chi lực
    Một quân Tốt sang sông có sức mạnh bằng nửa quân Xe.
  10. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình

  11. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  12. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  13. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  14. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  15. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  16. Cúc tần
    Cũng gọi là cây lức, một loại cây bụi mọc hoang, cũng được trồng làm hàng rào hoặc làm thuốc. Trong các bài thuốc dân gian, cây và lá cúc tần được dùng để chữa lao lực, chữa ho, đau đầu... Lá cây còn dùng để nấu một số món ăn và nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh.

    Cây cúc tần

    Cây cúc tần

  17. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  18. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  19. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  20. Có bản chép: áng.
  21. Đắc Lực
    Tên nôm là làng Xứng, nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tại đây có lễ hội làng Xứng, mở vào ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng của những năm được mùa. Nét nổi bật của hội Xứng là mọi đồ thờ tế tự từ long, ly, quy, phụng cho đến cây cảnh, cổng chào... đều được làm bằng rơm. Làng lại làm riêng hai chú voi to như voi thật, dùng bùi nhùi làm vòi, làm đuôi. Tất cả được mang ra đình gọi là "đình Đụn" (đình bằng rơm).
  22. Cù lao Mây
    Sau còn có tên là cù lao Lục Sĩ Thành thuộc xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây có nghề làm bánh tráng truyền thống nổi tiếng.

    Bánh tráng cù lao Mây

    Bánh tráng cù lao Mây

  23. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  24. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  25. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  26. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  27. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  28. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  29. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  30. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  31. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  32. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  33. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  34. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  35. Đèn ông Chánh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đèn ông Chánh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  36. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  37. Điệu
    Đạo (đạo anh em, đạo vợ chồng...).
  38. Thâm
    Sâu (từ Hán Việt).
  39. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  40. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808