Tìm kiếm "xương gà"

  • Một anh nói anh thương

    Một anh nói anh thương,
    Hai anh nói anh thương,
    Ba anh nói anh thương,
    Anh bảo em về mua một miếng đất, lập một miếng vườn
    Để trồng hành, tỉa cải, rải hột sa kê
    Bây giờ anh chê hành khô, cải úa, sa kê tàn
    Em tưởng đâu đá đã thành vàng
    Ai ngờ anh bạc nghĩa, lập đàng không xuống lên!

  • Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng

    – Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
    Đường ra kinh xa đã quá xa
    Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra?
    Anh ra một bữa cực ta ba, bốn ngày
    – Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, Khánh Hòa
    Chốn kinh kì là chốn nhạc gia qua ở thường
    Không đi thì ổng nhớ bả thương
    Còn phận anh là rể xa đường quản chi
    Đi thời phải sắm lễ nghi
    Có lần ổng trả có kì ổng ăn luôn
    Không đi cha ổng nghĩ, mẹ ổng buồn
    Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô
    Cha vô năm ba bữa cha buồn
    Ổng có trở về nhạc mẫu, em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng ra

    Dị bản

    • Đường Quảng Nam rộng đà quá rộng
      Nẻo Bắc Kỳ xa đã quá xa
      Anh làm chi mỗi tháng mỗi ra
      Cho em chịu khổn cả ba bốn ngày

    • – Chàng ra làm chi mà mỗi tháng mỗi ra
      Chàng ra một bận thì thiếp khổ ba bốn ngày
      – Anh ở trong nớ anh mới ra
      Cha mẹ em có nhắn biểu ông bà em vô chơi.

  • Vè cúp tóc

    Cúp hè! Cúp hè!
    Tay mặt cầm kéo
    Tay trái cầm lược
    Thủng thỉnh cho khéo
    Bỏ cái ngu này
    Bỏ cái dại này
    Ăn ngay nói thẳng
    Học mới từ đây
    Cúp hè! Cúp hè!
    Trên đường canh tân
    Đừng ai ăn mặn
    Đừng ai nói láo
    Ngày nay ta cúp
    Ngày mai ta cạo
    Cúp hè! Cúp hè!
    Mọi người cùng cúp
    Cho sạch đầu tóc
    Cho đẹp con người
    Ai nấy thảnh thơi
    Xóm làng trông cậy
    Cúp hè! Cúp hè!
    Ai đi đò dọc
    Kẻ ngược người xuôi
    Ai ngồi tàu suốt
    Từ Bắc vô Nam
    Lên ngàn xuống bể
    Cúp hè! Cúp hè!
    Từ sĩ đến nông
    Từ công đến thương
    Đi chài, dệt sợi
    Trăm người như một
    Bảo nhau cúp tóc
    Cúp hè! Cúp hè!

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Trời mưa ướt lá trầu hương

    Trời mưa ướt lá trầu hương
    Ướt anh anh chịu, ướt người thương anh buồn
    Trời mưa ướt lá trầu vàng
    Ướt em em chịu, ướt chàng em thương

    Dị bản

    • Trời mưa ướt lá trầu vàng
      Ướt em em chịu, ướt chàng em thương
      Đi đâu vấn vấn vương vương
      Bước chân không vũng trợt xuống mương bây chừ

  • Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất

    Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất
    Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi
    Hai ta duyên nợ thề bồi
    Dù xa nhau đi nữa chỉ tại ông trời không xe

    Dị bản

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi,
      Bậu với qua duyên nợ rã rời
      Tới lui chi nữa, đứng ngồi uổng công.

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi
      Anh với em nhân duyên đã mãn rồi
      Còn chi lên xuống đứng ngồi với em.

  • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc

    Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
    Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
    Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
    Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi

    Dị bản

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
      Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
      Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
      Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thân

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Gió nào độc bằng gió Gò Công.
      Anh thương em từ thuở má bồng,
      Bây giờ em khôn lớn lấy chổng bỏ anh.

    • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào thấp cho bằng dốc Nam Vang,
      Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ,
      Có một mẹ già, biết bỏ cho ai.

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
      Đói no em chịu cùng chàng,
      Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo.

  • Cây đa là cây đa cũ

    Cây đa là cây đa cũ
    Bến đò là bến đò xưa
    Nay chừ người khác vô đưa
    Oan ơi, oan hỡi, tức chưa bạn tề!

    Dị bản

    • Cây đa là cây đa bến cũ,
      Bến cũ là bến cũ đò xưa,
      Ôi thôi rồi người khác sang đưa,
      Thiếp nhìn chàng lưng lẻo, nước sa xuống như mưa hỡi chàng

Chú thích

  1. Xa kê
    Còn gọi là sa kê, cây bánh mì, loài cây thân gỗ, lá to và dày. Nhựa cây màu trắng sữa, được dùng vào việc xảm thuyền (bít các kẽ, lỗ hổng). Quả hình trứng, thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế (quả khô), chứa nhiều tinh bột, có thể chế biến bằng cách quay, nướng, chiên hay luộc. Rễ, lá, vỏ và nhựa được dùng làm vị thuốc.

    Quả xa kê

    Quả xa kê

  2. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  3. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  5. Kinh thành, tức Huế, nhưng còn có ngụ ý khác.
  6. Câu hát này nói bóng gió đến chu kì kinh nguyệt của phụ nữ.
  7. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  8. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  9. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  10. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  11. Nhạc gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (từ Hán Việt).
  12. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  13. Nhạc mẫu
    Mẹ vợ (từ Hán Việt).
  14. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Khổn
    Một biến thể ngữ âm của chữ "khốn" [困] (khốn khổ) trong phương ngữ Nam Bộ.
  17. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  20. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  21. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  22. Thậm
    Rất, lắm.
  23. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  24. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  25. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  26. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  27. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  28. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  31. Bể
    Biển (từ cũ).
  32. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  33. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  34. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  35. Cổ kim
    Xưa (cổ) và nay (kim).
  36. Có bản chép: Ruột héo xương mòn.
  37. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  38. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  39. Cạn ao, bèo đến đất
    Đã hết thời, hết chỗ dựa dẫm thì để lộ bản chất thấp kém của mình.
  40. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  41. Dao bầu
    Loại dao to, mũi nhọn, phần giữa phình ra, thường dùng để chọc tiết lợn, trâu bò.

    Dao bầu

    Dao bầu

  42. Thịt nạc dao phay, thịt mỡ dao bầu
    Tùy loại thịt mà dùng loại dao thích hợp để thái.
  43. Nây
    Thịt bụng của lợn, không ngon.
  44. Bông súng mắm kho
    Bông súng chấm với mắm kho, một món ăn dân dã của miệt vườn Nam Bộ.

    Bông súng mắm kho

    Bông súng mắm kho

  45. Có bản chép: bông súng cá kho.
  46. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim

  47. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  48. Củ co
    Loại cây sống dưới nước thường mọc nơi bưng biền vào mùa mưa, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng… Cây có hình dáng giống như bông súng. Dây nhỏ hơn đầu mút đũa, lá bằng cỡ miệng chén, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước. Củ co nhỏ cỡ hột mít, củ lớn cỡ hột sầu riêng, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn có vị bùi, hơi ngậy. Củ co có nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng tư, còn mùa nước nổi rất ít.
  49. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  50. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  51. Trầu hương
    Một loại trầu, sở dĩ có tên gọi như vậy là nhờ vào mùi thơm rất đặc trưng. Ngọn lá trầu hương dày và có vị cay hơn so với các loại trầu khác.

    Trầu

    Trầu

  52. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  54. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Trợt.
  55. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  56. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  57. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  58. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  59. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  60. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  61. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  62. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  63. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  64. Ngàn
    Rừng rậm.
  65. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  66. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).