Những bài ca dao - tục ngữ về "Đèn Châu Đốc":

  • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc

    Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
    Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
    Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
    Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi

    Dị bản

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
      Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
      Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
      Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thân

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Gió nào độc bằng gió Gò Công.
      Anh thương em từ thuở má bồng,
      Bây giờ em khôn lớn lấy chổng bỏ anh.

    • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào thấp cho bằng dốc Nam Vang,
      Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ,
      Có một mẹ già, biết bỏ cho ai.

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
      Đói no em chịu cùng chàng,
      Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo.

Chú thích

  1. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  2. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  3. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  4. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  5. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  8. Ngàn
    Rừng rậm.