Tìm kiếm "xương gà"

  • Nước chảy xuôi thuyền anh trôi ngược

    Nước chảy xuôi thuyền anh trôi ngược,
    Anh chống không được, anh bỏ sào xuôi
    Sào xuôi, thuyền cũng trôi xuôi
    Khúc sông bỏ vắng để người sầu riêng
    Người sầu riêng cơm trắng không ăn
    Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

  • Anh đừng tư lự, thất tình

    Anh đừng tư lự, thất tình
    Rồi đây trúc cũng hiệp bình với mai
    Anh đừng than ngắn thở dài
    Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền
    Nói ra về lúc Vân Tiên
    Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm
    Sương sa lụy nhỏ đầm đầm
    Đặt mình xuống chiếu, bụng nằm chiêm bao
    Cũng vì nhơn nghĩa anh trao
    Cho nên nước mắt nhỏ trào như mưa

  • Nhà tôi mượn lấy trời che

    Nhà tôi mượn lấy trời che
    Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
    Tiền của ở tại nhà giàu
    Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
    Nằm thời lấy đất làm giường
    Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
    Xâu làng bắt xuống trì lên
    Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
    Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
    Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
    Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
    Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều

  • Trên trời có vẩy tê tê

    Trên trời có vẩy tê tê
    Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
    Một vợ tát nước bờ ao
    Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
    Một vợ thì đi buôn bè
    Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
    Một vợ thì đi buôn bông
    Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
    Một vợ thì đi buôn vôi
    Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
    Một vợ thì đi buôn mâm
    Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
    Một vợ thì đi buôn nồi
    Không may nồi méo, một nồi hai vung.
    Một vợ thì đi buôn hồng
    Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
    Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
    Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!

    Dị bản

    • Trên trời có vẩy tê tê
      Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
      Một vợ rửa bát cầu ao
      Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
      Một vợ thì đi buôn bè
      Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
      Một vợ thì đi buôn bông
      Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
      Một vợ thì đi buôn cây
      Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Đờn cò lên trục kêu vang

    Đờn cò lên trục kêu vang
    Anh còn thương bậu, bậu khoan có chồng
    Muốn cho nhơn ngãi đạo đồng
    Anh đây thương bậu như chồng bậu thương
    Chiều nay anh thượng lộ hồi hương
    Xin bậu ở lại, đừng vầy dươn nơi nào
    Ghe anh tới chợ cắm sào
    Nghe bậu có chốn anh nhào xuống sông.

    Dị bản

    • Chèo ghe tới bến cắm sào
      Nghe em có chỗ, anh lộn nhào xuống sông

    • Ghe anh vừa tới cắm sào
      Nghe em có chốn, anh muốn nhào xuống sông.

  • Sáng ngày mới sớm tinh sương

    Sáng ngày mới sớm tinh sương
    Cơm trôi khỏi miệng vác choòng ra đi
    Vợ nghèo ẵm trẻ hài nhi
    Lên tầng để bụi, rồi đi đẩy goòng
    Trẻ thơ nằm mớ bòng bong
    Nô đùa muỗi cỏ, đói lòng ngậm que
    Lên tầng khuỵu gối đun xe
    Gò lưng mửa mật nắng hè quản chi
    Chồng xuống lò giếng đen sì
    Mong sao cho chóng chiều về một công!

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Chưa đi chưa biết Cửa Ông

    Chưa đi chưa biết Cửa Ông
    Đến đây mới biết đường không lối về
    Phu sắng-tẩy ai thuê mà đánh
    Thẻ than sàng ai bán mà mua
    Nhà quê còn có ngày mùa
    Đi nhặt, đi mót hột thừa mà ăn
    Ở đây rét đói quanh năm
    Đi câu cá: rủi, đi săn: hổ vồ
    Khu Bò Đái xương khô rải rác
    Bến Lò Vôi mấy xác bồng bềnh
    Lạc loài bể khổ mông mênh
    Thân vờ xơ xác lênh đênh chét mòn
    Trót nghe bầu bạn ra đây
    Lạ thung, lạ thổ, lạ cây, lạ nhà
    Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
    Huyện Hoành Bồ đá cát mênh mông
    Ai ơi đứng lại mà trông
    Kìa khe nước độc, nọ ông hùm già
    Vui gì mà rủ nhau ra
    Làm ăn khổ cực nghĩ mà tủi thân.

  • Ba mươi tết, tết lại ba mươi

    Ba mươi tết, tết lại ba mươi
    Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
    Một tay cầm cái dù rách
    Một tay xách cái chăn bông
    Em đứng bờ sông
    Em trông sang bên nước người
    – Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!
    Một tay em cầm quan tiền
    Một tay em xách thằng bù nhìn em ném xuống sông
    Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
    Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
    Ối ai ơi! Của nặng hơn người!

  • Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc

    Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
    Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
    Lấy thép ra mài, uốn câu nồi gọ
    Đêm hôm lọ mọ
    Xe sợi nhợ săn
    Buộc chặt vào cần
    Móc mồi thơm phức
    Vội ra ngoài bực
    Lựa chỗ anh ngồi
    Thả câu xuống rồi
    Miệng anh thầm vái
    Cần câu nhơn
    Cần câu ngãi
    Cần câu phải
    Cần câu khôn
    Ân oai các đấng cô hồn
    Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu!

  • Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi

    Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi
    Bớ bạn nhân tình ơi
    Thân em như cái quả xoài trên cây
    Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
    Nó đánh lúc la, lúc lắc trên cành
    Một mai vô tình rụng xuống, biết vào tay ai
    Kìa khóm trúc, nọ khóm mai
    Ông Tơ, bà Nguyệt xe hoài chẳng thương
    Một lần chờ, hai lần đợi
    Sớm lần nhớ, chớ lần thương
    Anh thương em nhưng bác mẹ họ hàng chẳng thương

  • Vào tầng cũng lắm thằng Tây

    Vào tầng cũng lắm thằng Tây
    Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
    Đường goòng bắc dọc bắc ngang
    Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
    Trôg lên núi lửa cháy bừng bừng
    Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
    Đường tầng như thể bậc thang
    Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
    Trông lên những núi cùng trời
    Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
    Mênh mông ngao ngán một màu
    Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi.

  • Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ

    Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ
    Một cái áo vải nhỏ thôi lại cổ kiềng
    Răng đến chừ em lại có tình riêng
    Anh đón đường kiệt lộ đòi lại liền áo khăn
    – Trà Ô Long em phong giấy lại
    Rượu Kim Cúc anh uống em đậy em dằn
    Thịt heo rừng bóp tái, thịt heo nái xào lăn
    Anh đi lên anh uống, anh đi xuống anh ăn
    Bao nhiêu lọn tóc, áo khăn em khấu trừ!

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

  • Nhà ai xay lúa ầm ầm

    Nhà ai xay lúa ầm ầm
    Cho xin nắm trấu về hầm bà gia
    Bà gia mới chết hôm qua
    Trong chay, ngoài bội tốn ba mươi đồng
    Không khóc thì tội bụng chồng,
    Khóc thì lạt lẽo như dưa hồng mắc mưa
    Ớ chị em ơi, cho tôi xin tí nước mắt thừa
    Tôi về tôi khóc tiễn đưa bà mẹ chồng
    Khóc rồi, tôi đổ xuống sông
    Cá mương, cá diếc, cá hồng ních no!

  • Anh may cho em một cái quần lãnh trắng

    – Anh may cho em một cái quần lãnh trắng
    Cái kẹp tóc ngắn, cái khăn nhiễu dài
    Bây chừ em đã nghe ai,
    Một quần lãnh trắng, một kẹp tóc ngắn, một khăn nhiễu dài em trả lại đây.
    – Hồi khi tê, anh đi lên anh ăn,
    Hồi khi mô, anh trở xuống anh uống.
    Nay bây chừ, anh trở chứng nhỏ nhen.
    Thịt heo rừng ướp sả xào lăn,
    Bao nhiêu quần, kẹp với khăn tôi trừ rồi.

Chú thích

  1. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  2. Dằn
    Đặt mạnh xuống.
  3. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  4. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  5. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  6. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
  7. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  8. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  9. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  10. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  11. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  12. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Cổ kim
    Xưa (cổ) và nay (kim).
  15. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  16. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  17. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  18. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  19. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  20. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  21. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  22. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  23. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  24. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  25. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  26. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  27. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  28. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  29. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  30. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  31. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  33. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  34. Thượng lộ hồi hương
    Lên đường về quê.
  35. Dươn
    Duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  37. Choòng
    Dụng cụ cầm tay bằng sắt hoặc thép, dùng để đào, bẩy, đục lỗ trong đất, đá.
  38. Hài nhi
    Trẻ thơ, trẻ sơ sinh (từ Hán Việt).
  39. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  40. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  41. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  42. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  43. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  44. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  45. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  46. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  47. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  48. Phu sắng-tẩy
    Phu chuyên việc san gạt than trong hầm chứa của tàu.
  49. Công việc san gạt than trong hầm chứa và than sàng thường phải có quen biết, móc nối mới có và phải chia chác nhiều, không dễ tới tay người cu li.
  50. Bò Đái, Lò Vôi: Hai địa danh có từ thời Pháp khai mỏ, vẫn còn dùng tới ngày nay.
  51. Vờ
    Còn gọi là con vờ vờ, con phù du, một loại côn trùng có cánh chỉ sống trong khoảng vài phút tới vài ngày sau khi đã trưởng thành và chết ngay sau giao phối và đẻ trứng xong. Điều đáng ngạc nhiên là ấu trùng vờ lại thường mất cả năm dài sống trong môi trường nước ngọt để có thể trưởng thành. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông hoặc trên mặt nước, bị các loài cá ăn thịt. Từ đó có thành ngữ "Xác như (xác) vờ, xơ như (xơ) nhộng" để chỉ sự rách nát, cùng kiệt.

    Con vờ

    Con vờ

  52. Thung
    Vùng đất rộng.
  53. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  54. Hoành Bồ
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

  55. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  56. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  57. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  58. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  59. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  60. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  61. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  62. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  63. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  64. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  65. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  66. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  67. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  68. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  69. Líp
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng thấp hơn vồng, có bề mặt rộng, phẳng.
  70. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  71. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  72. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  73. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  74. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  75. Đường kiệt
    Đường hẻm nhỏ (phương ngữ Trung Bộ).
  76. Trà Ô Long
    Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.

    Trà Ô Long

    Trà Ô Long

  77. Rượu cúc
    Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.

    Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

    (Cảm Tết - Tú Xương)

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

    Rượu hoa cúc ở Hà Nội ngày nay

  78. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  79. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  80. Hầm
    Nấu chín kĩ. Ở miền Bắc, những món hầm được gọi là món ninh.
  81. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  82. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  83. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  84. Dưa hồng thường được trồng vào mùa nắng, trời càng nắng quả dưa chín càng ngọt. Nếu gặp trời mưa thì vị dưa sẽ nhạt.
  85. Cá mương
    Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...

    Cá mương nướng

    Cá mương nướng

  86. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  87. Có bản chép: cá liệt.
  88. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  89. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  90. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.