Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
Tìm kiếm "lẻ bóng"
-
-
Ca dao tế mẹ
Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
Nên chi cỏ héo hoa sầu!
Kể từ ngày nương tựa lều tranh
Công ơn mẹ kể không xiết kể!
Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon … -
Vè cô Giang
Kể từ quân Pháp sang đây
Hại người cướp của bấy nay đã nhiều
Dân tình đồ thán đủ điều
Căm gan tức chí phải liều ra tay
Anh hùng đã tỏ tài trai
Nữ nhi cũng chẳng kém loài bồng tang
Nhớ xưa phất ngọn cờ vàng
Bà Trưng, Bà Triệu chiến trường xông pha
Cai Vàng lại có bà Ba
Tây Sơn bà Phó cũng là anh thư
Xúm tay xoay lại cơ đồ
Dân yên quốc thịnh phất cờ Việt Nam … -
Vè Ba Đình chống Pháp
Cơ trời đất vần xoay chính khí,
Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
Làm cho tỏ mặt anh hùng,
Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
Kéo quân về đất Thanh Hoa,
Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
Quân truyền điểm được hai vàn
Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
Đạn thời cướp được năm xe,
Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
Thần công khí giới đem ra,
Khoa sơn đại bác cho ta tức thì … -
Vè lính mộ
Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh… -
Vè đi phu Cửa Rào
Từ ngày có mặt thằng Tây
Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
Tai vạ trửa dân
Hắn mần đã nghiệt:
Khắp nơi ráo riết
Giở sổ đếm người
Kể chi lão phụ con trai
Người đi phu cũng tội
Kẻ ở nhà cũng tội
Vua quan bối rối
Họ đập đánh lút đầu:
– Phu phải đi cho mau
Việc quan cần cho kịp!
Một ngày phải kíp
Để kiểm phu chợ Lường … -
Vè Cần vương
Vâng lời troàn ngươn soái
Mình đeo ấn Tổng nhung
Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
Mặt phải trái coi qua thời biết
Mình là con trong đất Việt
Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
Mà ham di địch tước quyền
Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
Chớ bắt chước những loài quân dậu
A dua hùa lưng lớn thờ chồn
Đừng bày theo những đảng ác côn … -
Vè loài cá
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
Đủ chữ xứng câu là con cá đối
Nở mai tàn tối là con cá hoa
Xuống nước bệu da là cá úc thịt
Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong là con cá nhái
Thiệt như lời vái là con cá linh
Từ miệng nhái in là con cá cóc
Răng phơi khô khốc là con cá hô
Gặp sự ái ố là con cá hố
Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
Lội ngược lên hoài là con cá lóc
Thắp đèn coi sách là cá học Trò
Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
Cái mình dẹp lép là con cá kình
Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
Chân đi chí áo là con cá Còm
… -
Vè cậu Hai Miêng
Đêm thu bóng nguyệt soi mành
Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga
Xét trong thế sự người ta
Tài ba cho mấy cũng là như không
Cho hay thiên địa chí công
Dữ lành báo ứng vô cùng màu linh
Gương xưa trông thấy đành rành
Người nay xem đó giữ mình cho yên
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời … -
Vè các lái (hát vô)
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
Trên thời ngói lợp tòa đô
Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
Trên thời ngói lợp tòa vàng
Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
Này đoạn các lái trở vô
Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
Vát ra một đỗi khơi cao
Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
Nay đà giáp phủ Thuận Phong
Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là … -
Vô duyên lấy phải chồng già
Vô duyên lấy phải chồng già
Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Chính thực là chồng có phải cha đâu.
Ngày ngày vác cối giã trầu
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
Đêm đêm đưa lão đi nằm
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
Nữa mai người có thiếp không
Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.Dị bản
Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!Tốt số lấy được chồng già
Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
Không nói ra thì cực trong lòng
– Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
Cơm xong, múc nước, nhai trầu
Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
Tôi xê ra ông lại xịch vào
Phận tôi là gái má đào mắt xanh
Lẽ nào kêu cố bằng anh?
-
Chẳng vui cũng thể hội Thầy
-
Nghe trống chiến, chết điếng cái đầu
Dị bản
Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy
Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruộtNghe trống chầu, cái đầu láng mướt
Nghe trống chiến, nó điếng trong bụng
-
Đất có lề, quê có thói
Đất có lề, quê có thói
Dị bản
Đất lề quê thói
-
Tiếng đồn An Thái, Bình Khê
-
Tiền tài như phấn thổ
Tiền tài như phấn thổ,
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chiDị bản
Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim
Đứt dây nên gỗ mới chìm
Người bất nhân bất nghĩa kiếm tìm làm chi.
-
Vui gì bằng lễ nghinh ông
-
Lạy trời cho cả gió lên
-
Kẻ Dầu có quán Đình Thành
-
Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu
Chú thích
-
- Văn Điển
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.
-
- Bàng
- Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.
-
- Kẻ Mơ
- Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
-
- Yên Duyên
- Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
-
- Kẻ Giả
- Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
-
- Bùi nhùi
- Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
-
- Làng Lê
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kim Lũ
- Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
-
- Hàng Đậu
- Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.
-
- Làng Ngâu
- Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
-
- Tựu Liệt
- Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
-
- Dao phay
- Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.
-
- Trăng
- Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
-
- Vuông tròn
- Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
-
- Đồ thán
- Nghĩa đen là bùn than (từ Hán Việt), nghĩa bóng chỉ sự khốn khổ của dân chúng.
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Hai Bà Trưng
- Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.
-
- Bà Triệu
- Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà vương nan(Vung giáo chống cọp dễ
Giáp mặt vua Bà khó)Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.
-
- Cai Vàng
- Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
-
- Bà Ba Cai Vàng
- Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
-
- Tây Sơn
- Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
-
- Bùi Thị Xuân
- Nữ tướng của vương triều Tây Sơn, đồng thời là vợ Thái phó Trần Quang Diệu (nên nhân dân cũng gọi là bà Phó). Bà là người thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tài năng và dũng cảm, bà cùng chồng là hai trụ cột của vương triều Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà cùng con gái bị voi giày (năm 1802).
-
- Anh thư
- Người phụ nữ anh hùng, tài năng hơn người (từ Hán Việt).
Kìa cái chết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
(Hận Nam Quan - Hoàng Cầm)
-
- Cơ trời đất
- Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
-
- Vàn
- Vạn.
-
- Đinh Công Tráng
- (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
-
- Nga Sơn
- Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
-
- Thần công
- Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Mần răng
- Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Vạn tử nhất sinh
- Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Quy tế
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Diên
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).
-
- Dân phu
- Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
-
- Tạp dịch
- Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Nghiệt
- Ác nghiệt, nghiệt ngã.
-
- Kíp
- Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Troàn
- Truyền.
-
- Ngươn soái
- Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tổng nhung
- Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Sanh sản
- Sinh sản.
-
- Thổ Phồn
- Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
-
- Di địch
- Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
-
- Ác côn
- Đứa vô lại, hung dữ.
-
- Phỉ dạ
- Thỏa lòng, thỏa mãn.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá bạc đầu
- Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Kích
- Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Hình dong
- Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá linh
- Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.
-
- Cá cóc
- Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.
-
- Cá hô
- Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá kình
- Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Thiên địa chí công
- Trời đất rất công bằng.
-
- Huỳnh Công Miêng
- Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
-
- Lãnh binh Tấn
- Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Ghe bầu
- Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.
-
- Lái
- Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
-
- Gia Định
- Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Thuấn, Nghiêu
- Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
-
- Bến Thuận An
- Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.
-
- Chạy giác
- Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
-
- Cửa Tư Hiền
- Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.
-
- Cửa Kiểng
- Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
-
- Ông gia
- Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cố
- Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chùa Thầy
- Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.
-
- Xứ Đoài
- Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.
-
- Trống chiến
- Loại trống có đường kính mặt trống khoảng 40 cm, đánh bằng hai dùi, âm thanh vang to và đanh, được dùng ở sân khấu tuồng và chỉ được sử dụng trong các cảnh đánh nhau hay võ tướng ra trận. Trống chiến giữ vai trò quan trọng trong sân khấu tuồng, và là nhạc cụ điều khiển trong dàn nhạc.
-
- Trống chầu
- Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.
-
- Bình Khê
- Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
-
- Đổ giàn
- Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.
-
- Tiền tài như phấn thổ
- "Phấn thổ" có lẽ là cách nói chệch của "phẩn thổ" (phân và đất), chỉ những vật dơ bẩn đáng khinh.
-
- Nghĩa trọng tợ thiên kim
- Đạo nghĩa nặng như ngàn vàng.
-
- Le le
- Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.
-
- Lễ hội Nghinh Ông
- Lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh ven biển nước ta từ Quảng Bình trở vào, ngư dân cầu cho biển lặng gió hòa, đi biển may mắn, làm ăn phát đạt. Lễ hội Nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thủy tướng... nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau.
-
- Lê Thái Tổ
- Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.
-
- Kẻ Dầu
- Vùng đất đã sinh ra truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền Dữu Lâu xưa có làng Quýt, làng Trầu, có chợ Dầu nổi tiếng, có vùng trồng lúa nếp thơm đặc biệt, có kho chứa thóc gọi là “lầu để của.” Dữu Lâu cũng là một vùng quê còn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, phân bố đều ở tất cả các thôn, trong đó có những di tích điển hình, mang đậm dấu ấn văn hóa của một làng Việt cổ như đình Dữu Lâu, đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Quế Trạo... Tại đây vào mùa xuân hằng năng có có cuộc thi dân gian: thi nấu cơm, thi làm cỗ, thi làm bánh...
-
- Quán Đình Thành
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Đình Thành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bạch Hạc
- Tên làng nay là một phường thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ngay ngã ba nơi giao nhau giữa sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Xưa kia đây chính là Phong Châu, kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Hằng năm vào tháng giêng và tháng ba, tại Bạch Hạc tổ chức lễ hội giỗ Tổ, nổi tiếng với cuộc đua thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu.
-
- Hội Khám
- Tên một lễ hội được tổ chức vào mồng 7 tháng 4 âm lịch hằng năm tại làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhằm tôn vinh ba vị thần là Lạc Long Quân, Tri Sơn (Sơn thần) và Tri Thủy (Thủy thần). Trong lễ hội có các nghi thức rước Lạc Long Quân về đình, hội đồng Thành hoàng, tế lễ cầu mùa, đón trận mưa đầu mùa.
-
- Hội chùa Dâu
- Một lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mồng tám tháng tư âm lịch tại chùa Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cầu cho mưa thuận gió hòa.
-
- Hội Gióng
- Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...