Tìm kiếm "bà ngoại"

  • Vè con cút

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè con cút
    Trâu ăn mấy chút
    Bắt mẹ tôi đền
    Nắm chóp tôi lên
    Đau đầu cha chả
    Chạy mời Trùm Xã,
    Lại có Trưởng Đông
    Trâu ăn ngoài đồng
    Bắt vô mà cột
    Mâm trầu cho tốt
    Hũ rượu cho ngon
    Phải trâu của con
    Thì con bắt lấy

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
    Giường anh kim phong
    Bốn bên bịt bạc
    Anh hỏi thật lòng
    Có lấy anh không
    Để anh mua nón thượng quai thâm
    Về cho mà đội
    Anh mà nói dối
    Đã có quỷ thần
    Một trăm việc mần
    Anh chăm lo cả

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Tháng Giêng là tháng ăn chơi

    Tháng Giêng là tháng ăn chơi
    Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
    Tháng Ba thì đậu đã già
    Ta đi ta hái về nhà phơi khô
    Tháng Tư đi tậu trâu bò
    Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
    Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
    Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
    Gánh đi ta ném ruộng ta,
    Đến khi lên mạ thì ta nhổ về

  • Vè nói láo

    Tiếng đồn quả thiệt chẳng sai
    Có người nói láo không ai dám bì
    Lội ngang qua biển một khi
    Thấy tàu đương chạy tôi ghì ngừng như không
    Lên rừng tôi vác đá hàn sông
    Gặp cọp tôi bồng về để nuôi chơi
    Nhà tôi có trồng một bụi cải trời
    Lá bằng cái sịa kinh thời tôi quá kinh
    Dưa gang của tôi cái hột bằng cái chình
    Sức tôi một mình ăn hết nồi ba
    Tôi trồng chơi có một dây khổ qua
    Nó ra một trái tôi xách mà năm ky

  • Vè cá biển

    Hai bên cô bác
    Lẳng lặng mà nghe
    Nghe tôi kể cái vè
    Ngư lương, tử hổ
    Lý sâm, lý chuối
    Dưới rạch, dưới ngòi
    Cá nục, cá úc
    Cá thơm, cá thác
    Hơi nào mà kể hết
    Cá nơi làng này
    Thần linh chiêm bái
    Vậy mới cất chùa chiền
    Mới đúc Phật, đúc chuông
    Cô bác xóm giềng
    Lẳng lặng mà nghe
    Cá nuôi thiên hạ
    Là con cá cơm,
    Không ăn bằng mồm
    Là con cá ngát
    Không ăn mà ú
    Là con cá voi,
    Hai mắt thòi lòi
    Là cá trao tráo

  • Trời xanh đất đỏ mây vàng

    Trời xanh đất đỏ mây vàng
    Anh đi thơ thẩn gặp nàng thẩn thơ
    Bấy lâu loan đợi phượng chờ
    Loan sầu phượng ủ biết cơ hội nào
    Mong chờ rồng cá kết giao
    Thề nguyền đông liễu tây đào phòng chung
    Bây giờ kể đã mấy đông
    Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai
    Còn non còn nước còn dài
    Còn về còn nhớ tới người hôm nay
    Tìm rồng mà lại gặp mây
    Sầu riêng năm ngoái năm nay hãy còn
    Biết nhau ba bảy năm tròn
    Như sông một dải ai còn dám hay
    Lại đây em hỏi câu này:
    Phượng hoàng đứng đấy, nào cây ngô đồng?
    Thuyền quyên sớm biết anh hùng
    Liễu tây vắng vẻ đào đông đợi chờ
    Ra vào mấy lúc ngẩn ngơ
    Nghĩ gần sao lại bây giờ nên xa
    Mong cho bướm ở gần hoa
    Muốn cho sum họp một nhà trúc mai

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Kể chuyện đờn bà hư

    Ngồi buồn tâm sự chép ra
    Có những đờn bà dạo xóm nói dai
    Xóm trong chí những xóm ngoài
    Nách con nói điệu thài lai tối ngày
    Nói thời vo miệng nhướng mày
    Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
    Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
    Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
    Lại còn cái tật nói leo
    Cái tật nói dóc nói trèo người ta

  • Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn

    Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn
    Rèn cho tôi một trăm cái đục
    Một chục cái chàng
    Về tôi đốn một cây huỳnh đàn
    Tôi cưa làm tư, tôi xẻ làm tám
    Tôi đóng một cái thang một trăm ba mươi sáu nấc
    Bắc từ dưới đất lên trời
    Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu

    Dị bản

    • Em về ngoài Huế
      Mướn ông thợ mộc
      Đủ đục đủ chàng
      Mần một cái thang
      Ba mươi sáu nấc
      Bắc tự trời đất
      Lên tới trên Trời
      Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?

  • Anh về ngoài nớ, em ở trong ni

    Anh về ngoài nớ, em ở trong ni
    Dặn anh hai chữ gắng ghi vào lòng:
    Hồi thương, nước đục cũng trong
    Hồi ghét, nước chảy giữa dòng cũng dơ
    Thiệt như lời em nói em chờ
    Ba bốn nơi tới ngõ trao thơ, em không cầm.

    Dị bản

    • Anh về dưới nớ em ở lại trên ni
      Dặn em hai chữ nhớ ghi vào lòng
      Thương nhau nước đục cũng trong
      Ghét nhau nước chảy giữa dòng cũng dơ
      Mực sa xuống giấy thành thơ
      Đừng nghi mà tội đừng ngờ mà oan
      Kề tai nghe tiếng anh than
      Trước sao sau vậy giữ đàng thủy chung

Chú thích

  1. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  3. Có bản chép: Tôi lại cửa công.
  4. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  5. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  6. Thỏ ngọc
    Theo thần thoại Trung Quốc, trên cung trăng có con thỏ ngọc, vì vậy mặt trăng cũng được gọi là ngọc thỏ 玉兔.
  7. Đoài
    Phía Tây.
  8. Cả câu này nghĩa là: Ngoài hiên, mặt trăng đã ngả về phía Tây.
  9. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  10. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  11. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  12. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  13. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  14. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  16. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  17. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  18. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  19. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  20. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  21. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  22. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  23. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  24. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  25. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  26. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  27. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  29. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  30. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  32. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  33. Quản
    E ngại (từ cổ).
  34. Có bản chép:

    Tháng Chạp là tiết trồng khoai
    Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

  35. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  36. Sịa
    Đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi hoặc sấy.
  37. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  38. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  39. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  40. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  41. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  42. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  43. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  44. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  45. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  46. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  47. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  48. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  49. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  50. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  51. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  52. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  53. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  54. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  55. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  56. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  57. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  58. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  59. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  60. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  61. Thung dung
    Thong dong.
  62. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  63. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  64. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  65. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  66. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  67. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  68. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  69. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  70. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  71. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  72. Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể
    Con dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: “[nàng dâu] tay thì rẽ tóc nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình.”
  73. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  74. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  75. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  76. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  77. Làu làu
    Hoàn toàn, trọn vẹn. Còn nói làu lảu.
  78. Tim la
    Tên gọi cũ của bệnh giang mai. Có nơi ghi tiêm la.
  79. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  80. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  81. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  82. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  83. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  84. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  85. Sưa
    Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

  86. Đèn tọa đăng
    Đèn dầu để bàn cũ.

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

  87. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  88. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  89. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  90. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  91. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.