Già quét lộ
Lượm đồng tiền
Vắt lỗ tai
Mua củ khoai
Nhai nhóp nhép
Mua con tép
Để nấu canh
Mua bó tranh
Để nhóm lửa
Mua cái cửa
Để sửa nhà
Mua con gà
Để đá chơi
Mua con dơi
Để bỏ ống
Mua cái trống
Đánh tùng tùng
Mua cái kèn
Thổi tò te
Mua cái ve
Để đựng thuốc
Mua đôi guốc
Để mang đi
Tìm kiếm "đi đường"
-
-
Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván
Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván
Ngó sang bên kia, thấy chiếc quán năm gian
Thuyền năm ván đang đợi người thương nhớ
Quán năm gian đang đợi người nhớ thương
Một em nói rằng thương,
Hai em nói rằng nhớ
Trách ông trời làm lỡ duyên anh
Anh ngồi gốc cây chanh
Anh đứng cội cây dừa
Nước mắt anh nhỏ như mưa
Ướt cái quần cái áo
Cái quần anh vắt chưa ráo
Cái áo anh vắt chưa khô
Thầy mẹ gả bán khi mô
Tiếc công anh lặn suốt giang hồ
Trời cao anh kêu không thấu
Đất rộng anh kêu nọ thông
Những người bòn của bòn công
Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về. -
Ăn một bát cơm
Ăn một bát cơm,
Nhớ người cày ruộng,
Ăn đĩa rau muống,
Nhớ người đào ao,
Ăn một quả đào,
Nhớ người vun gốc,
Ăn một con ốc,
Nhớ người đi mò,
Sang đò,
Nhớ người chèo chống,
Nằm võng,
Nhớ người mắc dây,
Đứng mát gốc cây,
Nhớ người trồng trọt. -
Con chim nó kêu
Con chim nó kêu
Tê lao xao xác
Tê lao xào xạc
Mụ ơi hỡi mụ
Đứng lại mà xem
Con vượn nó trèo
Từ trái núi nọ
Qua lối nọ đàng tê
Mắt trông thấy trai
Tang tình lịch sự
Cái quần bốp tím
Cái lông nhím bạc
Cái lược đồi mồi
Tình tính tinh mồi
Lòng em quyết theo
Em rút cái neo
Cho con thuyền chạy … -
Cá biển, cá đồng
Cá biển, cá đồng
Cá sông, cá ruộng
Dân yêu dân chuộng
Là cá tràu ổ
Ăn nói hàm hồ
Là con cá sứ
Đưa đẩy chốn xa
Là con cá đày
Hay gặp mặt nhau
Là con cá ngộ
Trong nhà nghèo khổ
Là con cá cầy
Chẳng dám múc đầy
Là con cá thiểu
Mỗi người mỗi thiếu
Là con cá phèn
Ăn nói vô duyên
Là con cá lạc
Trong nhà rầy rạc
Là con cá kình
Trai gái rập rình
Là cá trích ve
Dỗ mãi không nghe
Là con cá ngạnh
Đi đàng phải tránh
Là con cá mương
Mập béo không xương
Là con cá nục
Được nhiều diễm phúc
Là con cá hanh
Phản hại cha anh
Là con cá giếc
Suốt ngày ăn miết
Là con cá cơm
Chẳng kịp dọn đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Hay thở phì phèo
Là con cá đuối
Vừa đi vừa cúi
Là con cá còm
Hay nói tầm xàm
Là con cá gáy
Vừa trốn vừa chạy
Là con cá chuồn
Cứ viết lách luôn
Là con cá chépDị bản
Cá biển cá bầy
Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm
Ăn chẳng kịp đơm
Là con cá hấp
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Miệng thở phèo phèo
Là con cá đuối
Nhọn mồm nhọn mũi
Là con chào rao
Nhận hủ nhận vò
Là con cá nhét
Nở ra đỏ chẹt
Là con cá khoai
Đi ăn trộm hoài
Là con cá nhám
Khệnh khệnh khạng khạng
Là con cá căng
Già rụng hết răng
Là con cá móm
Bò đi lọm khọm
Là con cá bò
Ăn chẳng biết no
Là con cá hốc
-
Ông trẳng ông trăng
Ông trẳng ông trăng
Xuống chơi với tôi,
Có bầu có bạn,
Có bát cơm xôi,
Có nồi cơm nếp,
Có nệp bánh chưng,
Có lưng hũ rượu,
Có khướu đánh đu,
Thằng cu vỗ chài,
Bắt trai bỏ giỏ,
Cái đỏ ẵm em,
Đi xem đánh cá,
Có rá vo gạo,
Có gáo múc nước,
Có lược chải đầu,
Có trâu cày ruộng,
Có muống thả ao,
Ông sao trên trời. -
Lạy trời mưa xuống
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy nếp nấu xôi
Lấy vôi ăn trầu
Lấy bậu về ôm
Lấy nơm đơm cá
Lấy rá vo gạo
Lấy dao thái thịt
Lấy liếp làm nhà
Lấy hoa về cúng … -
Cái sáo mặc áo em tao
Cái sáo mặc áo em tao
Làm tổ cây cà
Làm nhà cây chanh
Đọc canh bờ giếng
Mỏi miệng tiếng kèn
Hỡi cô trồng sen!
Cho anh hái lá
Hỡi cô trồng bưởi!
Cho anh hái hoa
Cứ một cụm cà
Là ba cụm lý
Con nhà ông lý
Mặc áo tía tô … -
Đi mô cũng nhớ quê mình
-
Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá thu về chợ hãy còn đông
-
Ra đi anh có dặn dò
-
Ra đi mẹ có dặn dò
-
Anh đi đánh cá cũng nhiều
Anh đi đánh cá cũng nhiều
Con nước lên xuống thủy triều phải theo
Nước ương đánh cá phải mò
Khi nào cạn nước cá xô vào chuồng
Nước rặc anh thả lưới buông
Cầu cho cá cả theo luồng cá xuôi
Cá đục cá gúng cá mòi
Con duội con ót thì xuôi theo luồng
Con kìm con đối vào chuồng
Được cả con tráp lên xuồng bán ngay. -
Con đi học lấy nghề cha
-
Người ta đi cấy lấy công
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng. -
Nể cô nể dì còn gì là vốn
Nể cô nể dì còn gì là vốn
-
Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc
Nắng sớm thì đi trồng cà,
Mưa sớm ở nhà phơi thóc. -
Chiều chiều ông Lữ đi cày
-
Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà. -
Ăn cơm làm cỏ chẳng bỏ đi đâu
Ăn cơm làm cỏ chẳng bỏ đi đâu
Chú thích
-
- Lộ
- Đường cái, đường đi lại (từ Hán Việt).
-
- Cỏ tranh
- Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.
-
- Ve
- Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Giang hồ
- Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
(Giang hồ - Phạm Hữu Quang)
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- Tê
- Kia (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá sứ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá sứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá đày
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá đày, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá ngộ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá ngộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá cầy
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều ở hạ lưu sông Mekong, nhất là vào mùa mưa lũ. Cá cầy ăn tạp, có thân hình thon dài, màu trắng sáng, trên lưng màu đen than.
-
- Cá thiểu
- Một loài cá nước ngọt, xuất hiện nhiều vào mùa lũ. Cá có thân dẹp, lớn cỡ 2 ngón tay người lớn, vảy li ti óng ánh màu trắng bạc. Thịt cá béo, thơm ngon, được chế biến được các món ăn như: muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa, kho quẹt…
-
- Cá phèn
- Một số địa phương gọi là cá thèn, một loại cái biển nhỏ chừng hai, ba ngón tay, da lưng có màu hơi hồng, có nhiều vảy. Cá phèn thường được kho tiêu.
-
- Rầy rạc
- Gây lộn, gấu ó, quấy rối, làm phiền (từ cũ). Có chỗ nói rầy rật.
-
- Cá kình
- Có nơi gọi là cá rò hay cá giò, một loại cá nước lợ sống ở cửa biển. Cá kình hơi giống cá cơm, có xương mềm, vẩy óng ánh. Thịt cá kình rất thơm ngọt, thường được dùng làm mắm gọi là mắm kình hoặc mắm rò.
-
- Cá trích
- Một loại cá biển, mình thon dài, ít tanh, ăn rất lành, thịt trắng, ít mỡ, rất béo, và là một trong các loại cá dễ đánh bắt nhất. Có hai loại cá trích là cá trích ve và cá trích lầm. Cá trích ve lép mình, nhiều vảy trắng xanh, thịt trắng, thơm, béo nhưng nhiều xương. Cá trích lầm mình tròn, ít vảy, nhiều thịt hơn nhưng thịt cá đỏ và không thơm ngon như trích ve.
-
- Cá mương
- Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Cá hanh
- Một loài cá nước lợ giống cá chép, sống ở các cửa sông, đầm phá. Thịt cá trắng, ngọt và mềm, chế biến được thành nhiều món ăn.
-
- Cá giếc
- Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Đơm
- Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
-
- Cá hấp
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hấp, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nheo
- Miền Bắc gọi là cá leo, một loài cá thuộc họ cá da trơn, có thân rất dài và dẹp. Thân và đầu không có vảy. Đầu khá to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên dài kéo qua khỏi mắt, có hai đôi râu.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá còm
- Một loại cá nhỏ bằng ngón tay, thường thấy nhiều ở các sông suối miền tây Nghệ An với đặc tính chỉ sinh sống ở vùng nước nông, chảy xiết. Cá còm thịt chắc, xương mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh chua, cá còm rán, kho tộ, kho nghệ, v.v.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Cá chuồn
- Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.
Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...
-
- Chào rao
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chào rao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cá chạch
- Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Cá nhám
- Còn gọi cá mập con, cá mập sữa, cá mập cáo hay cá chèo bẻo, là một loài cá biển thường xuất hiện vào mùa biển động. Thịt cá nhám giàu dinh dưỡng, có giá cao, được chế biến thành nhiều món ngon như kho nghệ, canh chua, gỏi, nhúng giấm... Cá nhám còn được dùng làm vị thuốc Đông y.
-
- Cá căng
- Cũng gọi là cá ong căng, tên chung của một số loài cá biển cỡ nhỏ, sống thành đàn, có thân bầu dục dài, dẹt hai bên, với các dải hoặc vết màu sẫm trên nền vàng hay xanh lục. Thịt cá căng có màu trắng ngà, chắc và ngon, đặc biệt lòng rất béo. Một số loài cá căng có màu sắc đẹp, được nuôi làm cá cảnh.
-
- Cá móm
- Một loại cá sông thân hơi tròn, vảy bạc, thịt nhiều, ăn ngọt, béo và ngon. Cá có tên như vậy có lẽ vì mồm hơi vêu lên trên.
-
- Cá bò
- Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.
-
- Cá hốc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá hốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Khướu
- Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Chài
- Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.
-
- Đỏ
- Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Nếp
- Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Rá
- Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.
-
- Liếp
- Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.
-
- Thiên lý
- Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.
-
- Lí trưởng
- Tên một chức quan đứng đầu làng (lí: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
-
- Tía tô
- Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Sông Hương
- Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.
-
- Ngự Bình
- Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.
-
- Thiên cổ
- Nghìn xưa (từ Hán Việt).
-
- Lăng Tự Đức
- Lăng mộ của vua Tự Đức, được chính vua cho xây từ hồi còn sống. Ban đầu lăng được đặt tên Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng, vua đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua chết đổi thành Khiêm Lăng. Lăng nay thuộc thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng có kiến trúc cầu kì, lại có phong cảnh sơn thủy hữu tình, là một trong các lăng tẩm đẹp của các vua chúa Nguyễn.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Đông phòng
- Căn phòng ở hướng đông.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Kết nguyền
- Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
-
- Ruộng gò
- Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
-
- Chiêm
- (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bừa
- Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.
-
- Cày
- Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.
-
- Tấc
- Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
-
- Rộc
- Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
-
- Con nước
- Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
-
- Nước ương
- Nước đứng, đục.
-
- Nước rặc
- Nước thủy triều khi rút xuống.
-
- Cá đục
- Một loại cá biển, dài khoảng 10-15 cm thân to bằng ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
-
- Cá thiều
- Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá ót
- Một loài cá biển. Cá ót được phân biệt ra làm nhiều loại: cá ót tròn, cá ót gai, cá ót chỉ vàng, cá ót đồng tiền, cá ót đĩa... tuỳ vào hình dạng và đặc điểm riêng. Mỗi loại cá ót phù hợp với một cách thức chế biến món ăn khác nhau.
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá tráp
- Một loại cá biển nhìn hơi giống cá rô phi, thân đen, bụng trắng. Cá tráp thịt thơm, ngon, được chế biến thành nhiều món: nướng giấy bạc, hấp cải thìa, chiên giòn…
-
- Đục đá
- Khai thác đá núi để sản xuất các dụng cụ dân sinh như cầu cống, cối giã gạo, cối xay bột… Đây là nghề phổ biến ở một số làng quê gần các núi đá (lèn) ở Nghệ An - Hà Tĩnh.
-
- Ách
- Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày bừa...