Tìm kiếm "sương sa"

  • Phụ đồng ếch

    Hồn ếch ta đã về đây
    Mãi năm khô hạn ta nay ở bờ
    Ở bờ những hộc cùng hang
    Tay thì cá giỏ, tay thì cần câu
    Nó có chiếc nón đội đầu
    Khăn vuông chít tóc ra màu xinh xinh
    Nó có cái quạt cầm tay
    Nó có ống nứa bỏ đầy cóc con
    Nó có chiếc cán thon thon
    Nó có sợi chỉ thon thon mà dài
    Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
    Nó giật một cái đã sai quai hàm
    Mẹ ơi lấy thuốc cho con
    Lấy những lá ớt cùng là xương sông
    Ếch tôi ở tận hang cùng
    Bên hè rau muống, phía trong bờ dừa
    Thằng măng là con chú tre
    Nó bắt tôi về làm tội lột da
    Thằng hành cho chí thằng hoa
    Mắm muối cho vào cay hỡi đắng cay

  • Gặp anh, em đố mấy lời

    Gặp anh, em đố mấy lời
    Gì cao hơn núi gì dài hơn sông?
    Cái gì ăn lại no lòng
    Cái gì hồng hồng ăn lại đỏ môi?
    Cái gì hay ngáp hay ngồi?
    Cái gì cầm quạt đứng chơi vỗ đầu?
    Cái gì mà nhỏ như sâu?
    Cái gì đội đầu, gì lại kéo quân?
    Cái gì ngái lại nên ngưn?
    Cái gì rất gần mà lại nên xa?
    Cái gì có quả không hoa?
    Cái gì lắm cánh nở ra đầy cành?
    Cái gì mà lại có bành?
    Cái gì một mình mà lại có ang?
    Cái gì mà lắm quân quan?
    Cái gì nên đàn, gì lại nên say?
    Cái gì ăn với trầu cay?
    Cái gì thấp thoáng đợi ngày xe duyên?

  • Cục ta cục tác

    Cục ta cục tác
    Chữ kê là gà
    Giữ cửa giữ nhà
    Chữ khuyển là chó
    Bắt chuột bắt bọ
    Chữ miêu là mèo
    Ăn cám ăn bèo
    Chữ trư là lợn
    Vừa cao vừa lớn
    Chữ tượng là voi
    Ăn trầu đỏ môi
    Chữ phật là bụt

  • Cái gì anh đổ vào bồ

    Cái gì anh đổ vào bồ?
    Cái gì róc vỏ phơi khô để dành?
    Cái gì anh thả vào xanh?
    Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
    Cái gì đi chín về mười?
    Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
    Cái gì chung chiếu chung chăn?
    Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
    Lúa khô anh đổ vào bồ
    Cau già róc vỏ phơi khô để dành
    Con cá anh thả vào xanh
    Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi
    Cái gì đi chín về mười
    Ông Bành Tổ sống đủ trên đời được tám trăm năm
    Vợ chồng chung chiếu chung chăn
    Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn

    Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
    Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
    Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
    Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
    – Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
    Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
    Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.

    Dị bản

    • Sông Hương càng ngày càng rộng,
      Núi Ngự càng ngày càng cao;
      Thuyền quyên xin hỏi anh hào,
      Sự tình đã rứa, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?
      – Em ơi, em chớ quá lo,
      Hãy nán lòng đợi, để anh suy đo tháng ngày.

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Con kì đà len lỏi giếng khơi

    Con kì đà len lỏi giếng khơi
    Sơn lâm rầu rĩ, giọt đồng hồ sang canh
    Em như tố nữ trong tranh
    Anh như thuyền ván lên ghềnh được chăng?
    Con nước lên, con nước đã cầm chừng?
    Em về thăm thầy, thăm mẹ, xin đừng quên anh
    Anh nói đây, chốn cũ cũng đành
    Tiếc công từ đấy chẳng thành thì thôi
    Hai bên sông, bên lở bên bồi
    Thấy người chuyện đứng, chuyện ngồi cùng ai?
    Còn trẻ trung xin phải dặn dò

  • Đờn cò lên trục kêu vang

    Đờn cò lên trục kêu vang
    Anh còn thương bậu, bậu khoan có chồng
    Muốn cho nhơn ngãi đạo đồng
    Anh đây thương bậu như chồng bậu thương
    Chiều nay anh thượng lộ hồi hương
    Xin bậu ở lại, đừng vầy dươn nơi nào
    Ghe anh tới chợ cắm sào
    Nghe bậu có chốn anh nhào xuống sông.

    Dị bản

    • Chèo ghe tới bến cắm sào
      Nghe em có chỗ, anh lộn nhào xuống sông

    • Ghe anh vừa tới cắm sào
      Nghe em có chốn, anh muốn nhào xuống sông.

  • Ông trẳng, ông trăng

    Ông trẳng, ông trăng
    Xuống chơi với Bụt
    Ông Bụt cho chùa
    Chơi với ông vua
    Ông vua cho lính
    Xuống chơi ông chánh
    Ông chánh cho mõ
    Xuống chơi nồi chõ
    Nồi chõ cho vung
    Xuống chơi cây sung
    Cây sung cho nhựa
    Xuống chơi con ngựa
    Con ngựa cho gan
    Xuống chơi bà quan
    Bà quan cho bạc
    Xuống chơi thợ giác
    Thợ giác cho bầu
    Xuống chơi cần câu
    Cần câu cho lưỡi
    Xuống chơi cây bưởi
    Cây bưởi cho hoa
    Xuống chơi vườn cà
    Vườn cà cho trái
    Xuống chơi con gái
    Con gái cho chồng
    Xuống chơi đàn ông
    Đàn ông cho vợ
    Xuống chơi kẻ chợ
    Kẻ chợ cho voi
    Xuống chơi cây sòi
    Cây sòi cho lá
    Xuống chơi con cá
    Con cá cho vây
    Xuống chơi ông thầy
    Ông thầy cho sách
    Xuống chơi thợ ngạch
    Thợ ngạch cho dao
    Xuống chơi thợ rào
    Thợ rào cho búa
    Trả búa thợ rào
    Trả dao thợ ngạch
    Trả sách ông thầy
    Trả vây con cá
    Trả lá cây sòi
    Trả voi kẻ chợ
    Trả vợ đàn ông
    Trả chồng cô gái
    Trả trái cây cà
    Trả hoa cây bưởi
    Trả lưỡi cần câu
    Trả bầu thợ giác
    Trả bạc bà quan
    Trả gan con ngựa
    Trả nhựa cây sung
    Trả vung nồi chõ
    Trả mõ ông chánh
    Trả lính ông vua
    Trả chùa ông bụt
    Đâm thụt lên trời.

    Video

  • Vè con dao

    Nhà anh bất phú bất bần
    Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
    Con dao anh rày
    Dài vừa năm tấc
    Khi mài đã sắc
    Phá lở rú rừng hoang
    Cũng biện đủ cỗ cho làng
    Cũng no ngày đủ tháng.
    Đèn có khêu mới rạng
    Ngọc bất trác bất thành
    Ngẫm như con dao anh
    Nội trần gian không ai có
    Nội dưới trời không ai có

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Bực mình lên tận thiên cung

    Bực mình lên tận thiên cung
    Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
    Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
    Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
    Biết người biết mặt nhau chi
    Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
    Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
    Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
    Tìm người chẳng biết mấy nơi
    Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây.

  • Trai nam nhi lược ngà búi tóc

    Trai nam nhi lược ngà búi tóc
    Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
    Vui chơi xe lọ, ống tiêm
    Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
    Có phen vui thú lều tranh
    Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
    Chiếu bắt khom để mà che gió
    Thế rồi mang xe lọ giăng ra
    Nạo kì đến sái mười ba
    Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
    Trông người như cái ma trơi
    Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
    Hết thuốc chúng bạn hết thương
    Vợ con cũng mất với nường phù dung!

  • Chén son để cạnh mạn thuyền

    Chén son để cạnh mạn thuyền
    Chén son chưa cạn, lời nguyền chưa phai
    Em thương nhớ ai
    Nhớ ai ra đứng đầu cầu?
    Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Cái sập đá huê bỏ vắng không ai ngồi
    Buồng hương bỏ vắng, mướn người quay tơ
    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Đêm khuya thức ngủ, ngày thưa tiếng cười?

  • Lên rừng đánh cá mè trôi

    Lên rừng đánh cá mè trôi
    Xuống sông đốn gỗ mà lôi về rừng
    Lên rừng bắt tép kho cà
    Xuống sông hái quả thanh trà về ăn
    Lên rừng bắt con cá măng
    Xuống sông đánh hổ, đánh trăn mang về
    Lên rừng bủa lưới bắt mè
    Xuống sông giăng bẫy mà đè gà lôi

Chú thích

  1. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  2. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  3. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  4. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  6. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  9. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  10. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  11. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  12. Tây Tựu
    Tên nôm là làng Đăm, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, trước kia thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đây là một làng cổ có truyền thống văn hoá và sản xuất từ lâu đời. Làng có truyền thống tổ chức lễ hội từ mồng 9 đến 11 tháng ba âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian, trong đó đặc sắc nhất là môn đua thuyền.

    Đua thuyền ở hội làng Đăm

    Đua thuyền ở hội làng Đăm

  13. Yên Sở
    Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu.

    Rước kiệu hội Giá

    Rước kiệu hội Giá

  14. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  15. Tày
    Bằng (từ cổ).
  16. Giã La
    Một lễ hội ở làng La Cả (Ỷ La và La Nội), nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, được tổ chức từ ngày 7 đến hết ngày 14 tháng giêng hằng năm, có tục tắt đèn đánh hổ rất hấp dẫn.
  17. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  18. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  19. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  20. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  21. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  22. Bao vàng
    Bao bằng vải màu vàng của lính thời xưa đeo ngang lưng, để đựng vật tùy thân.
  23. Có bản chép: Ngang lưng thì thắt đai vàng.
  24. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  25. Súng dài
    Loại súng hỏa mai được các quân đội ở Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19 sử dụng rộng rãi. Khi bắn, người lính nạp thuốc súng và đạn vào nòng súng (nạp tiền), đổ một ít thuốc súng vào cốc mồi, rồi dùng dây mồi đang cháy châm vào cốc mồi cho súng nổ.

    Súng hỏa mai

    Súng hỏa mai thời xưa

  26. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  27. Ngũ liên
    Trống đánh từng hồi năm tiếng một, âm điệu thúc giục.
  28. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  29. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  30. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  31. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  34. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  35. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  37. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  38. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  39. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  40. Kì đà
    Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.

    Kì đà

    Kì đà

  41. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  42. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  43. Tố nữ
    Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.
  44. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  45. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  46. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  47. Thượng lộ hồi hương
    Lên đường về quê.
  48. Dươn
    Duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  49. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  50. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  51. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  52. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  53. Nồi chõ
    Nồi hai tầng, tầng trên có lỗ ở đáy, dùng để đồ xôi (hấp gạo nếp cho chín thành xôi).

    Nồi chõ

    Nồi chõ

  54. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  55. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  56. Sòi
    Một loại cây gỗ rụng lá, cao từ 6-15m, thuộc họ thầu dầu. Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt có thể dùng làm thuốc.

    Lá sòi khi sắp rụng

    Lá sòi khi sắp rụng

  57. Thợ ngạch
    Ăn trộm. Gọi vậy vì ăn trộm hay đào tường, khoét ngạch.
  58. Bất phú bất bần
    Không giàu không nghèo.
  59. Rú rừng
    Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  60. Biện
    Lo liệu, chuẩn bị.
  61. Cỗ
    Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.

    Mâm cỗ

    Mâm cỗ

  62. Rạng
    Sáng tỏ.
  63. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  64. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  65. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  66. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  67. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  68. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  69. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  70. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  71. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  72. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  73. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  74. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  75. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  76. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  77. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  78. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  79. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  80. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  81. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  82. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  83. Trắc
    Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

  84. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  85. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  86. Nường
    Nàng (từ cũ).
  87. Phù dung
    Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

  88. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  89. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  90. Có bản chép: Hoa.
  91. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  92. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  93. Thanh trà
    Một loại cây ăn quả nhiệt đới được trồng khá phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Quả thanh trà có vị ngọt hoặc chua tùy theo loại, nhưng đều có hột to, vỏ màu vàng ruộm, mùi thơm thanh thanh như xoài. Cần phân biệt thanh trà Nam Bộ với thanh trà xứ Huế.

    Thanh trà miền Nam

    Thanh trà miền Nam

  94. Cá măng
    Còn gọi là cá măng sữa, cá măng biển, cá chua, một loài cá có nhiều ở phía đông vịnh Bắc Bộ và vùng biển Trung Bộ. Cá trưởng thành và sống ngoài khơi, ấu trùng sau khi nở sẽ di chuyển vào bờ, và lớn lên ở vùng đầm, cửa sông nước lợ hay có thể vào sâu trong sông hồ nước ngọt. Cá măng được chế biến thành nhiều món ăn ngon như canh cá măng chua, cá măng nấu lá giang, chả cá, v.v.

    Cá măng

    Cá măng

  95. Cá mè.
  96. Gà tây
    Còn gọi là gà lôi, một loại gà lớn có nguồn gốc châu Mỹ, có lông đen hoặc lốm đốm hoặc trắng, thịt thơm ngon, giàu protein.

    Gà tây

    Gà tây

  97. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  98. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi