Tìm kiếm "hồn"

  • Ví dù theo lái xuống tàu

    Ví dù theo lái xuống tàu
    Thì em mới biết cá gầu có gai
    Con bơn, con nhệch là hai
    Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
    Kể rằng cá đuối bơi ngang
    Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
    Lại tăm con cá đuối sao
    Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
    Biển sâu lại có chướng ngầm
    Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
    Cá Ông thì ở bể xa
    Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
    Lần đầu xuống bến xuống thuyền
    Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
    Ví dù em có sang sông
    Thì em mới biết cá Ông chầu đền
    Kể từ mặt biển kể lên
    Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
    Cá he ngậm nước bao giờ
    Mà em dám nói đổ ngờ cá he
    Kể cả con cá mòi he
    Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
    Kể từ con cá chuồn hoa
    Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
    Kể từ con cá đối đen
    Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
    Dưới bể có cả đồi mồi
    Có con lợn bể nó bơi cả ngày
    Kể cả con cá mó tày
    Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
    Kể cả con mực, con nhưng
    Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
    Con mực nhuộm đục cả luồng
    Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
    Cá mập bơi lội vẫy vùng
    Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
    Kể từ cá mú, cá song
    Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
    Cá sông kể cũng rất tài
    Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
    Trở giời nó mới lượn lên
    Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
    Thì em mới biết nguồn cơn
    Thì em mới biết cá rô, trê đồng
    Bây giờ em chưa có chồng
    Làm gì em biết thuộc lòng cá chim?

  • Thiên triều văn

    Thương thay, hỡi các chú ơi
    Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
    Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
    Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
    Một chi đánh ở Đống Đa
    Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
    Phép voi bại trận tiên phong
    Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
    Đao binh tử trận đầy khe
    Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
    Chú sang cứu viện nước Nam
    Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
    Chú thì thắt cổ trên cây
    Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
    Chú thì thác xuống Diêm La
    Chú nào còn sống về nhà đại minh

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

    Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
    Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
    Em thương anh không dám nói ra
    Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời
    Anh với em cũng muốn kết đôi
    Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan.

    Dị bản

    • Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
      Hòn đá bạc đầu là bởi sương sa
      Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa
      Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời
      Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời
      Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.

  • Hòn đá cheo leo

    Hòn đá cheo leo
    Con trâu trèo con trâu trượt
    Con ngựa trèo con ngựa đổ
    Anh thương em lao khổ
    Tận cổ chí kim
    Anh thương em khó kiếm, khôn tìm
    Cây kim luồn qua sợi chỉ
    Sự bất đắc dĩ phu phải lìa thê
    Nên hay không nên, anh ở em về
    Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

    Dị bản

    • Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt
      Ngựa trèo ngựa đổ
      Tiếc công anh lao khổ
      Tự cổ chí kim
      Mất em đi, anh khó kiếm khó tìm
      Cùng giả tỉ như cây kim mà lòn sợi chỉ
      Sao em không biết nghĩ suy
      Em ham nơi quyền quý, em không có nghĩ gì tới anh
      Hoa kia gió thổi lìa cành
      Mẹ cha ép gả, em đành chịu sao?
  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

Chú thích

  1. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  2. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  3. Cá mú
    Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…

    Cá mú đỏ

    Cá mú đỏ

  4. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  5. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  6. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  7. Ghẹ
    Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.

    Con ghẹ

    Con ghẹ

  8. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  9. Cá ngần
    Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…

    Cá ngần

    Cá ngần

  10. Cá Ông
    Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

  11. Lưỡng long chầu nguyệt
    Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.

    Lưỡng long chầu nguyệt

    Lưỡng long chầu nguyệt

  12. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  13. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  14. Cá nhụ
    Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  15. Cá đé
    Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.

    Cá đé

    Cá đé

  16. Cá vược
    Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.

    Cá vược nuôi

    Cá vược nuôi

  17. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  18. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  19. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  20. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  21. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  22. Lợn biển
    Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.

    Lợn biển

    Lợn biển

  23. Cá mó
    Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.

    Cá mó

    Cá mó

  24. Nhưng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  25. Cá nhung
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Cá cúng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  28. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  29. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  30. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  31. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  32. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  33. Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
  34. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  35. Chính nguyệt
    Tháng giêng âm lịch.
  36. Huyên hoa
    Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
  37. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  38. Cầu Duệ
    Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
  39. Tốt xa
    Quân lính (tốt) và xe (xa).
  40. Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
  41. Cầu nhương
    Tranh cướp nhau để lên cầu.
  42. Có bản chép: Cầu Tương.
  43. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  44. Năn năn
    Xót thương, oán hận (từ cổ).
  45. Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
  46. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  47. Câu này có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
  48. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  49. Đại minh
    Giác ngộ, hiểu rõ.
  50. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  51. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  52. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  53. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  54. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  55. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  56. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  57. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  58. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  59. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  60. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  61. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  62. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  63. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  64. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  65. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  66. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  67. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  68. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  69. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  70. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  71. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  72. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  73. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  74. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  75. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  76. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  77. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  78. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  79. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  80. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  81. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  82. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  83. La voa
    Sổ nhật trình.
  84. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  85. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  86. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  87. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  88. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  89. Có bản chép: sông Dinh. Tuy nhiên hiện chưa có thông tin chính xác về tên con sông này.
  90. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  91. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  92. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  93. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  94. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  95. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  96. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  97. Xoi
    Đào, xới, làm cho thông, cho thoáng.
  98. Rau dừa
    Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.

    Cây rau dừa nước

    Cây rau dừa nước

  99. Chim chim
    Loại cây như dú dẻ, hoa thơm, trái hình rẻ quạt  như nhánh chuối, nhưng rất nhỏ, hạt to, khi chín màu đỏ, ăn có vị ngọt.

    Hoa chim chim

    Hoa chim chim

  100. Sen đá
    Cũng gọi là cây hoa đá, một loại cây cây thân cỏ, nhiều nước, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Phần lá phía trên dày, xếp thành hình tròn giống như hoa sen.

    Sen đá

    Sen đá

  101. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  102. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  103. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  104. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  105. Thung dung
    Thong dong.
  106. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  107. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  108. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  109. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  110. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  111. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  112. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  113. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  114. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  115. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  116. Thầy địa lí
    Người làm nghề xem thế đất để tìm chỗ đặt mồ mả, dựng nhà cửa cho được may mắn, theo thuật phong thủy.
  117. Tận cổ chí kim
    Từ xưa đến nay.
  118. Khôn
    Khó mà, không thể.
  119. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  120. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  121. Lòn
    Luồn, lách (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  122. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  123. Bài ca dao này bắt nguồn từ việc "lên đồng." Để có cơ sở mà tin tưởng rằng hồn lên đồng đúng là hồn của người trong gia đình, gia chủ thường phái thử bằng nhiều câu hỏi riêng tư. Câu "hồn thác ban ngày hay ban đêm?" là một trong số những câu hỏi này. Vì "hồn" trong bài ca dao là lừa đảo, nên trả lời ấm ớ.
  124. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  125. Núi Bà
    Một dãy núi nằm địa phận huyện Phù Cát, phía Nam đầm Đạm Thủy, Bình Định, gồm trên sáu mươi ngọn cao thấp khác nhau, nổi bật là hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía Đông - Nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900 m, là hòn Chuông (Chung Sơn) ở phía Tây. Nếu nhìn toàn cảnh núi Bà thì thấy vùng quanh hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bởi dáng núi như vậy mà người ta đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phô Chinh Đại Sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng). Núi Bà là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Núi Bà

    Núi Bà

  126. Củi rều
    Củi từ cành cây nhỏ, cây vụn trôi trên sông.
  127. Dang ca
    Nói chuyện dông dài (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  128. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu