Tìm kiếm "hồn"

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Đầu làng có cây chuối

    Đầu làng có cây chuối
    Cuối làng có cây đa
    Ngã ba có cây đại hồng
    Con gái chưa chồng trong lòng hớn hở
    Con trai chưa vợ ruột tợ trái chanh
    Ngó lên mây trắng trời xanh
    Thương ai cũng vậy thương anh cho rồi

    Dị bản

    • Gái chưa chồng gái hay đi chợ
      Trai chưa vợ ruột tợ trái chanh
      Ngó lên mây trắng trời xanh
      Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi.

    • Đầu giồng có bụi chuối
      Cuối giồng có cây đa
      Ngã ba đường cái có cây tơ hồng
      Con gái chưa chồng, cái lòng hực hở
      Con trai chưa vợ, ruột thắt tầm canh
      Ngó lên mây trắng trời xanh
      Ưng đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Ai đem tôi đến chốn này

    Ai đem tôi đến chốn này
    Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
    Trên đồn có lão quan hai
    Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
    Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
    Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
    Một chiếc thì chạy Cốt Na
    Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
    Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
    Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
    Đến mười hai giờ bốn mươi
    Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
    Nó quát một tiếng chẳng là
    Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
    Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
    Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
    Người thì ghè đá nung vôi
    Người thì vác gỗ ai coi cho tường
    Người thì xẻ đất đắp đường
    Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
    Người thì xẻ ván đóng xe
    Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
    Người xe hỏa, người máy rồng
    Người biên kho gỗ, người trông kho dầu

  • Chị bảo tôi lấy làm Hai

    Chị bảo tôi lấy làm Hai
    Suốt một đêm dài chị nói vân vi
    Nhà chị chẳng thiếu thứ chi
    Muốn mặc của gì chị sắm cho ngay
    Bây giờ chị gọi: bớ Hai!
    Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo
    Thưa chị: cám bã còn nhiều
    Rau khoai em thái từ chiều hôm qua
    Xin chị cứ ở trong nhà
    Nồi cơm ấm nước đã là có em
    Đêm đêm chị nổi cơn ghen
    Chị phá bức thuận, chị len mình vào
    Tay chị cầm một con dao
    Chị nổi máu hồng bào, nhà cửa tan hoang
    Hầm hầm mặt đỏ như vang
    Chị la, năm bảy xã làng đổ ra

  • Em đây chính thực anh hùng

    Em đây chính thực anh hùng
    Em đi chắn lưới ở vùng Vạn Hoa
    Chắn từ Cái Rồng mà ra
    Chắn đến Xà Kẹp chắn qua Bãi Dài
    Cái Bàn chắn từ Hòn Hai
    Chắn sang Cây Khế, Cái Đài hai hôm
    Vụng Đài thấp nước bồn chồn
    Cửa Mô sóng vỗ đầu cồn lao xao
    Rồi ra ta sẽ chèo vào
    Lò Vôi chốn ấy ta vào chắn chơi
    Sau thì ta sẽ nghỉ ngơi
    Ta chèo vào phố đậu chơi mấy ngày
    Chắn quanh cái khúc sông này
    Chỗ nào thấp nước ta nay làm chuồng
    Em đây ngỏ thực anh tường
    Để anh biết thực mọi đường chắn đăng.

  • Em là con gái nhà quê

    Em là con gái nhà quê
    Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
    Chẳng ham tham phú phụ bần
    Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
    Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
    Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
    Cầm cân chàng nhấc cho bằng
    Một bên cối đá một đằng tiền cheo
    Hỏi chàng rằng có hay nghèo
    Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng

  • Bực mình lên tận thiên cung

    Bực mình lên tận thiên cung
    Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
    Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
    Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
    Biết người biết mặt nhau chi
    Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
    Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
    Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
    Tìm người chẳng biết mấy nơi
    Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây.

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Vè nói ngược

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè nói ngược
    Năm nay lớn nước
    Thiên hạ được mùa
    Sinh ra cái cua
    Tám càng hai cẳng
    Nhất trọng nhì hiệp
    Vua chúa thì hiền
    Giấy bản thì đen
    Mực tàu thì trắng
    Gan lợn thì đắng
    Bồ hòn thì bùi
    Hương xạ thì hôi
    Thơm tho tổ cú

  • Bước sang tháng sáu giá chân

    Bước sang tháng sáu giá chân
    Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
    Con chuột kéo cày lồi lồi
    Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
    Vườn rộng thì thả rau rong
    Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
    Đàn bò đi tắm đến trưa
    Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
    Voi kia nằm dưới gậm giường
    Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

  • Quả gì lắm cạnh nhiều khe?

    Quả gì lắm cạnh nhiều khe?
    Quả gì nứt nẻ như đe thợ rào?
    Quả gì kẻ ước người ao?
    Quả gì tốt đẹp như sao trên trời?
    Quả gì ăn đủ năm mùi?
    Quả gì to lớn có người ở trong?
    Quả gì thích chữ chạm rồng?
    Quả gì cùi trắng nước trong hỡi nàng?
    Quả gì da nó vàng vàng?
    Quả gì lăn lóc ở đường cái đi?
    Quả gì da nó xù xì?
    Quả gì tháng bảy ta thì đem phơi?
    Quả gì nhiều ngón nàng ơi?
    Quả gì ta để hành ngơi trong nhà?
    Quả gì kính mẹ kính cha?
    Quả gì làm lễ cưới ta với nàng?

  • Vè các loại quả

    Da dẻ vàng khè
    Là anh chàng thị
    Tròn như lợn ỉ
    Là quả dưa vàng
    Nằm đất lang thang
    Là anh dưa chuột
    Mồm nói ngọt xớt
    Là mấy cô hồng
    Xù xì lắm lông
    Là anh cu dứa
    Da đỏ như lửa
    Là thằng ớt cay

  • Tình cờ ta gặp nhau đây

    Tình cờ ta gặp nhau đây
    Quả cau ta bổ, chia tay mời chào
    Ðôi ta kết nghĩa tương giao
    Nào là quả mận, quả đào đong đưa
    Bùi ngùi quả ấu, quả dừa
    Xanh xanh quả mướp, quả dưa, quả bầu
    Hạt tiêu cay đắng dãi dầu
    Ớt kia cay đắng ra màu xót xa
    Mặt kia mà tưới nước hoa
    Ai đem mướp đắng mà hòa mạt cưa
    Thủy chung cho bác mẹ ưa
    Ðừng như đu đủ nắng mưa dãi dầu
    Yêu nhau đá bắc nên cầu
    Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi
    Hẹn chàng cho đủ mười mươi
    Thì chàng kết tóc ở đời với em

  • Cô Thỉ cô Thi

    Cô Thỉ cô Thi
    Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
    Cô Tú kẽo kẹt cô cai
    Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
    Mâm cốm kẹo với mâm hồng
    Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
    Mâm thịt kẹo với mâm xôi
    Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
    Cùi dừa kẹo với bánh đa
    Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
    Nồi cơm kẹo với nồi canh
    Quả bí trên cành kẹo với tôm he
    Bánh rán kẹo với nước chè
    Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
    Bà cốt kẹo với ông thầy
    Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng

Chú thích

  1. Sáp vàng
    Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

    Bánh sáp ong

    Bánh sáp ong

  2. Yến huyết
    Loại tổ yến màu đỏ tươi, rất hiếm, ngày xưa chỉ dùng để tiến vua chúa, và hiện nay vẫn có giá thành đắt nhất trong các loại tổ yến ở nước ta.

    Tổ yến huyết

    Tổ yến huyết

  3. Hồng rim
    Rim là cách ướp đường cho thức ăn là trái cây (củ hoặc quả) và đun trên lửa cho ngấm vào. Hồng rim là quả hồng được rim lên, nghĩa bóng chỉ thức ăn ngon.
  4. Đường phổi
    Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.

    Đường phổi

    Đường phổi

  5. Vi cá
    Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
  6. Hải sâm
    Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.

    Hải sâm

    Hải sâm

  7. Báng
    Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).

    Cây báng

    Cây báng

  8. Dầu thông
    Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
  9. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  10. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  11. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  13. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  14. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  15. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  17. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  19. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  20. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  21. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  22. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  24. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  25. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  26. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  27. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  28. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  29. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  30. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  31. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  32. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  33. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  34. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  35. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  36. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  37. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  38. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  39. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  40. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  41. Tức tàu hỏa.
  42. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  43. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  44. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  45. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  46. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  47. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  48. Một hàng nam, một hàng nữ.
  49. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  50. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  51. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  52. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  53. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang

  54. Chắn đăng
    Giăng đăng ở những vịnh, vũng để đón cá theo con nước xuống.
  55. Vạn Hoa
    Vùng biển thuộc đảo Cái Bầu (Kế Bào), nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây cũng có bến cảng và núi cùng tên là Vạn Hoa.

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

  56. Cái Rồng
    Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng là tên cảng biển ở đây.

    Cảng Cái Rồng

    Cảng Cái Rồng

  57. Xà Kẹp
    Địa danh nay thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  58. Bãi Dài
    Một bãi biển nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long, thuộc địa phận huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay đây là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng.

    Bãi Dài Vân Đồn

    Bãi Dài Vân Đồn

  59. Cái Bàn
    Tên một hòn đảo nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  60. Hòn Hai
    Tên chung của hai hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

    Hòn Hai

    Hòn Hai

  61. Cây Khế
    Một hòn đảo nay thuộc địa phận thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  62. Cái Đài
    Một vùng biển thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  63. Vụng Đài Chuối
    Một vụng biển nay thuộc địa phận xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  64. Cửa Mô
    Tên một vùng biển nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  65. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  66. Lò Vôi
    Địa danh nay thuộc thôn Đông Thắng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
  67. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  68. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  69. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  70. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  71. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  72. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  73. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  74. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  75. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  76. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  77. Án Đổ
    Tên một làng nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
  78. Có bản chép: Kim Tử.
  79. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  80. Chợ Nghè
    Một ngôi chợ nay thuộc địa phận xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  81. Chợ Go
    Chợ thuộc kẻ Go, Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  82. Núi Go, huyện Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  83. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  84. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  85. Cổ Đô
    Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  86. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  87. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  88. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  89. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  90. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  91. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  92. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  93. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  94. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  95. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  96. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  97. Thiên cổ
    Nghìn xưa (từ Hán Việt).
  98. Lăng Tự Đức
    Lăng mộ của vua Tự Đức, được chính vua cho xây từ hồi còn sống. Ban đầu lăng được đặt tên Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng, vua đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua chết đổi thành Khiêm Lăng. Lăng nay thuộc thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng có kiến trúc cầu kì, lại có phong cảnh sơn thủy hữu tình, là một trong các lăng tẩm đẹp của các vua chúa Nguyễn.

    Phong cảnh lăng Tự Đức

    Phong cảnh lăng Tự Đức

  99. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  100. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  101. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  102. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  103. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  104. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  105. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  106. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  107. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  108. Giấy bản
    Giấy thô làm thủ công bằng vỏ cây, dễ thấm nước, thường dùng để viết bằng bút lông, để thấm khô các vật bị ướt.
  109. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  110. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  111. Xạ
    Chất có mùi thơm của hươu xạ và một số loài cầy tiết ra, dùng làm hương liệu hoặc làm thuốc.
  112. Giá
    Lạnh buốt.
  113. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  114. Vãi
    Ném vung ra.
  115. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  116. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  117. Thợ rào
    Thợ rèn.
  118. Thích
    Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
  119. Chạm
    Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
  120. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  121. Hành ngơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  122. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  123. Dưa vàng
    Một loại dưa cho quả lớn (có thể nặng đến 5kg), vỏ cứng màu xanh có nhiều gân trắng đan xen nhau như lưới (nên cũng gọi là dưa lưới ở miền Nam), ruột giòn, khi chín có màu vàng hoặc cam, ăn ngọt thanh.

    Quả dưa vàng

    Quả dưa vàng

  124. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  125. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  126. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  127. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  128. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  129. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  130. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  131. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  132. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  133. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  134. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  135. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  136. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  137. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  138. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.