Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em …
Tìm kiếm "hoang vu"
-
-
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức … -
Tiếng đồn anh hay chữ
– Tiếng đồn anh hay chữ
Lại đây em hỏi thử
Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
Từ ngày Tây cướp nước ta
Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
Anh hãy nói ra cho em tường?
– Nghe lời em hỏi mà thương
Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
Vì thù non sông
Thề không đội trời chung với giặc
Từ Nam chí Bắc
Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng … -
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi quả quít, má hồng trôn niêu
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy, để liều thân ru
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt như gián nhấm, lại gù lưng tôm
Trứng rận bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà … -
Hỡi anh làm thợ nơi nao
Hỡi anh làm thợ nơi nao
Để em gánh đục, gánh bào đi theo
Cột queo anh đẽo cho ngay
Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
Bốn cửa chạm bốn con nghê
Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
Bốn cửa chạm bốn con rồng
Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
Bốn cửa chạm bốn con mèo
Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
Bốn cửa chạm bốn con gà
Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
Bốn cửa chạm bốm con lươn
Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
Bốn cửa chạm bốn con dao
Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
Bốn cửa chạm bốn cây đèn
Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
Bốn cửa chạm bốn cái cong
Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
Ngày mai khi anh về nhà
Trăm năm em gọi anh là chồng em -
Vè Thanh Hóa
Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu … -
Trên trời có vẩy tê tê
Trên trời có vẩy tê tê
Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
Một vợ tát nước bờ ao
Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
Một vợ thì đi buôn bè
Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
Một vợ thì đi buôn bông
Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
Một vợ thì đi buôn vôi
Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
Một vợ thì đi buôn mâm
Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
Một vợ thì đi buôn nồi
Không may nồi méo, một nồi hai vung.
Một vợ thì đi buôn hồng
Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!Dị bản
Trên trời có vẩy tê tê
Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
Một vợ rửa bát cầu ao
Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
Một vợ thì đi buôn bè
Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
Một vợ thì đi buôn bông
Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
Một vợ thì đi buôn cây
Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.
-
Cái sáo mặc áo em tao
Cái sáo mặc áo em tao
Làm tổ cây cà
Làm nhà cây chanh
Đọc canh bờ giếng
Mỏi miệng tiếng kèn
Hỡi cô trồng sen!
Cho anh hái lá
Hỡi cô trồng bưởi!
Cho anh hái hoa
Cứ một cụm cà
Là ba cụm lý
Con nhà ông lý
Mặc áo tía tô … -
Vè cầu Doumer
Cầu sắt mà bắc ngang sông
Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
Hà Nội bắc sang Gia Lâm
Tính cây lô mét độ năm cây tròn
Họa hình Tây bắc ống nhòm
Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
Giở về hội nghị cộng đồng
Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
Mộ phu khắp cả đâu đâu
Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
Bắc qua con sông Nhị Hà
Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
Lập mưu xây được bây giờ
Chế ra cái chụp để mà bơm lên
Bơm hết nước đến bùn đen
Người chết như rạ vẫn phải len mình vào … -
Vè say rượu
Ngôn đa ngữ thất
Nói trật nhiều điều
Tiền rượu chúng kêu
Còn ngồi nói pháo
Nhiếc rằng nói láo
Uống chẳng biết lo
Rượu muốn đong cho
Tiền không chịu trả
Say rồi bậy bạ
Nói dọc nói ngang
Nằm sá nằm đàng
Té lên té xuống
Rượu bao nhiêu cũng uống
Uống quá mẹ hũ chìm
Nói như bìm bìm
Leo dây leo nhợ … -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Chẳng tham vựa lúa anh đầy
Dị bản
-
Thái Bình có chú Phạm Tuân
Dị bản
Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Bay vào vũ trũ một tuần về ngay
-
Chè ngon ai hái nửa nương
Chè ngon ai hái nửa nương
Cau non nửa chẽ người thương nửa chừng
Hai hàng nước mắt ngập ngừng
Thà rằng ngày trước ta đừng gặp nhauDị bản
Chè non em hái nửa vườn
Cau non nửa chục, người thương nửa chừng
Đắng cay như bát nước gừng
Biết ra dang dở thì đừng quen nhau
-
Đồng ếch đồng ác
Đồng ếch đồng ác
Con đã về đây
Giường chiếu chẳng có
Thiệt thay trăm đường
Ban ngày ếch ở trong hang
Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
Trời cho quan tướng nhà trời
Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
Tìm tôi bắt bỏ vào thời
Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
Sáng rạng ngày ra
Con dao cái thớt xách mà đem băm
Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
Một thằng gắp miếng tù và
Nó thổi phì phà, nó lại khen ngonDị bản
Hồn ếch ta đã về đây
Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
Ở bờ những hốc cùng hang
Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
Lạy trời cho đến tháng ba
Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
Trước kia ta vẫn tu thân
Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
Ta gặp thằng bé đen đen
Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
Ta gặp thằng bé đen sì
Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên bè rau muống phía trong bè dừa
Thằng Măng là chú thằng Tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng Hành cho chí thằng Hoa
Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!
-
Có đêm ra đứng đàng tây
Có đêm ra đứng đàng tây
Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
Có đêm ra đứng vườn hoa
Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
Có đêm thơ thẩn một mình
Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
Thương chàng lắm lắm không nguôi
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
Sư ông nhớ Bụt mõ rày nhớ chuông
Nhớ chàng vì nợ vì duyên
Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.Dị bản
Đêm đêm ra đứng vườn hoa
Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
Đêm đêm ra đứng một mình
Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
Thương nàng lắm lắm nàng ôi
Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Bao giờ nên vợ nên chồng
Như chim về tổ như rồng gặp mây
Video
-
Kiếm củi ba năm, đốt một ngày
Kiếm củi ba năm, đốt một ngày
-
Sư kia còn trẻ hay già
Sư kia còn trẻ hay già
Cho ta tu với, kiếm và chút con -
Mồng ba ăn rốn
-
Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chú thích
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Hàng xứ
- Người ở nơi khác, xa lạ, không quen biết.
-
- Cầm
- Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
-
- Đồng bạc Mexicana
- Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.
-
- Mơi
- Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Chợ Bình Đông
- Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).
-
- Chợ Gạo
- Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-
- Chợ Bến Thành
- Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.
-
- Chợ Bến Tranh
- Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
-
- Thủ Đức
- Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.
-
- Khánh Hòa
- Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tày
- Bằng (từ cổ).
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Nhót
- Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.
-
- Cù nèo
- Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
-
- Bồ cào
- Đồ vật nhà nông có cán dài (thường bằng tre), một đầu có nhiều răng thưa, dùng để làm tơi đất, dọn cỏ, hoặc cào phơi nông sản. Động tác sử dụng bồ cào gọi là cào.
-
- Hắc lào
- Một loại bệnh ngoài da do nấm. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền; vùng da bị tổn thương ngứa ngáy rất khó chịu.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Trôn
- Mông, đít, đáy (thô tục).
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Chuột chù
- Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.
-
- Nhấm
- Gặm (thường dùng cho các loại sâu bọ, chuột, gián...)
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Dùi đục
- Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.
-
- Bào
- Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...
-
- Queo
- Cong, bị biến dạng.
-
- Xứ Đông
- Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
-
- Rồng ấp
- Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.
-
- Liếc
- Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
-
- Khu 4
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
-
- Khu 3
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
-
- Nông Cống
- Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
-
- Hò sông Mã
- Một thể loại hò đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...
Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Tê tê
- Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.
-
- Cơn táp
- Cơn gió lốc.
-
- Thiên lý
- Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.
-
- Lí trưởng
- Tên một chức quan đứng đầu làng (lí: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
-
- Tía tô
- Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Cầu Long Biên
- Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Gia Lâm
- Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
-
- Cây lô mét
- Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
-
- Mộ phu
- Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
-
- Ái Mộ
- Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Nhịp cầu
- Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
-
- Rạ
- Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.
-
- Ngôn đa ngữ thất
- Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
-
- Nói pháo
- Nói khoác.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Bìm bìm
- Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Thái Bình
- Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Chẽ
- Nhánh của một buồng, một chùm, như chẽ lúa, chẽ cau...
-
- Xở xang
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Thời
- Cái giỏ cá (phương ngữ).
-
- Tù và
- Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.
-
- Ngóe
- Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Mõ
- Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Rốn
- Cố thêm.
-
- Hoàng Sa
- Một quần đảo của Việt Nam gồm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 200 hải lí. Hoàng Sa có nghĩa là cát vàng hay bãi cát vàng. Các chính quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17-18 đã tổ chức khai thác ở quần đảo này và đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền ở đây. Hiện nay, quần đảo này của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
-
- Mây
- Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.
-
- Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thủy thủ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may người thủy thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.