Em có chồng rồi, em dặn chồng đừng sợ
Anh có vợ rồi, anh dặn vợ đừng ghen.
Mình gặp nhau đây mình gá nghĩa làm quen,
Chơi đâu bỏ đó, anh dễ thắp đèn hai tim.
Tìm kiếm "đèn lửa"
-
-
Ai có chồng, nói chồng đừng sợ
Ai có chồng, nói chồng đừng sợ
Ai có vợ, nói vợ đừng ghen
Tới đây hò hát cho quen
Rạng ngày ai về nhà nấy, không dễ ngọn đèn hai tim -
Em lén phụ mẫu, may cho tình nhân cái áo
-
Kim là vàng, kim là nay
-
Đem em ra bỏ xuống gành
-
Tôi Đà Phật, nàng A men
Tôi Đà Phật, nàng A men
Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
Bỗng đâu gió bão mưa dầm
Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
Thế là đeo lấy dở dang
Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
Biết rằng duyên lỡ làng duyên
Trăm năm để lại một thiên hận tình
Bảo cho những kẻ đầu xanh
Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
Đừng mơ những việc đâu đâu
Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên -
Anh lính là anh lính ơi
-
Chầu rày rảnh củ, rảnh lang
-
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng,
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông,
Cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Đến đây xui khiến đem lòng thương em.Dị bản
Cây trên rừng hoá kiểng,
Cá dưới biển hoá long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiến đem lòng thương em.Trên trời có mây hóa kiểng,
Dưới biển có cá hoá long.
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.Trên rừng có cây hoa kiểng,
Dưới biển có cá hóa long.
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.Cây trên rừng hóa kiểng, cá ngoài biển hóa rồng
Cá lòng tong giữa bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây ông trời khiến đem lòng yêu em.
-
Trách thân mà lại giận trời
Trách thân mà lại giận trời,
Trách chàng quân tử ở ra người thờ ơ.
Phòng không để thiếp đợi chờ,
Năm canh vò võ những là thở than.
Nào khi họp mặt chén vàng,
Non nguyền biển hẹn tưởng chàng chẳng quên.
Ai ngờ ra dạ bạc đen,
Say bên nhan sắc bỏ bên ngãi tình.
Để cho em vò võ một mình,
Tương tư khắc khoải, bệnh thất tình đầy vơi.
Trách thân mà lại giận trời. -
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu
Đề vô trong áo bậu bốn câu ân tình
Một câu phân với nữ trinh
Ơn cha nghĩa mẹ cho trọn tình hiếu trung
Hai câu ta phân với anh hùng
Đào sâu cuốc chín ăn chung ở đời
Ba câu anh nói, em phải nghe lời
Đừng nghe lời thế sự đổi dời duyên ta
Bốn câu nuôi chút mẹ già
Tình chồng nghĩa vợ, mẹ với cha đền bồi. -
Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông
Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
Nữa mai bóng quế dãi thềm
Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
Chân đi thất thểu lời anh dặn dò -
Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra
Đàn bà như hạt mưa sa
Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn
Tháng năm tháng sáu trong trận mưa cơn
Bước sang tháng bảy rợp rờn mưa ngâu
Thương thay cho vợ chồng Ngâu
Cả năm chỉ mới gặp nhau một lần
Nữa là ta ở dưới trần
Cũng mong kết nghĩa Tấn Tần cùng nhau
Nữa là mưa nắng dãi dầu
Cũng mong cho vợ chồng Ngâu hợp hòa
Gặp nhau từ ngày mồng ba
Đến ngày mồng bảy là ra bơ phờ
Đã đành kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời
Mưa thì em đã họa rồi
Nắng đâu anh họa một bài cùng nghe -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
-
Hôm nay trời nắng chang chang
Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước, xa làng, xa dân
Chàng cho em mượn cái nón làm ân
Nhà em xa lắm, có gần ai đâu?
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượng chàng nón, mượn ai bây giờ
Nón này đâu phải tình cờ
Đã cất lấy nón, lại sờ đến quai
Nón này đã phải hơi ai
Mà vuốt chẳng sạch, mà mài chẳng ra
Nón này của mẹ của cha
Hay là của khách đường xa chàng cầm
Hay là của bạn tri âm
Chàng cho em cầm, che tạm nắng mưa
Mất một, em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả, đền ta cho mình -
Cheo leo nước đỉnh non Bồng
Cheo leo nước đỉnh non Bồng
Kìa am Vũ Khách, nọ vùng Mao Tiên
Bởi thấy thuyền quyên, khiến cho anh rầu rĩ
A, thôi đi nà, bực lắm nà, da diết lắm nà
Nuốt ức xong cái chung tình từ xưa cho đến nay
Kìa kìa, ngọn đèn ai thắp hướng tây
Một ngọn đèn chong
Hai ngọn đèn chong
Ba bốn ngọn đèn chong
Ngó vào trong lặng phắt ngó ngoài này xơ rơ
Tình bằng thì giữ trong cái ba ta
Lo bề quân lính kẻo mà nát lưng. -
Lác đác lộc cơi
-
Đêm nằm chép miệng thở than
Đêm nằm chép miệng thở than
Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không?
Dang tay rớt chén rượu nồng
Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
Xin cho đó hiệp cùng đây
Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì
Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi
Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
Ta đây vốn thật Vân Tiên
Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời
Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi
Đám đông như hội đến chơi cũng buồn -
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng,
Biết nhau thương lấy nhau cùng ai ơi.
Tiếc công trước đã nặng nhời,
Tiếc công gắn bó mấy người đã lâu.
Tiếc công tình tự với nhau,
Tiếc công đi lại trước sau bấy giờ.
Tiếc công đắp đập be bờ,
Để cho người khác đem lờ đến đơm.
Tiếc thay cho hạt mưa trong,
Tiếc tờ giấy trắng vẽ nhằng vẽ xiên.
Cuộc đời lắm lúc đảo điên,
Ai ơi để mãi lụy phiền đến hoa. -
Một rằng mình quyết lấy ta
Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em
Chú thích
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Tình nhân
- Người yêu.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bận
- Mặc (quần áo).
-
- Tương phùng
- Gặp nhau (từ Hán Việt).
-
- Nỉ
- Hàng dệt bằng sợi len chải xơ, che lấp sợi dọc và sợi ngang.
-
- Lập tâm thành chí
- Quyết tâm để đạt được chí hướng, ước nguyện.
-
- Neo
- Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- A-men
- Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Đầu xanh
- Chỉ người tuổi còn trẻ.
Hay là thuở trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
(Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)
-
- Đài bi
- Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.
-
- Chầu rày
- Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
Chầu rày đã có trăng non
Để anh lên xuống có con em bồng
(Hát bài chòi)
-
- Trường An
- Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
-
- Làm dày
- Làm kiêu, làm phách.
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Kiểng
- Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Châu
- Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương
(Truyện Kiều)
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trẩy
- Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Đồng lần
- Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
-
- Quân thân
- Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Mưa ngâu
- Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
-
- Ngưu Lang, Chức Nữ
- Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Núi Bồng Lai
- Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.
-
- Vũ Khách và Mao Tiên là hai cái tên chỉ bậc thần tiên được ghi lại trong truyện về Dương Không Lộ (Thiền sư Không Lộ) trong Lĩnh Nam Chích Quái - có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam" (có sách chép là Lĩnh Nam trích quái). Bộ sách này là tập hợp các truyền thuyết và chuyện cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần (1226 - 1400). Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về tác giả.
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Xơ rơ
- Xơ xác, trơ trụi (phương ngữ miền Trung).
-
- Cơi
- Một loại cây có lá nhỏ dài, dùng để nhuộm vải thành màu vàng lục sẫm hoặc để đánh bả cá. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Loại cây này ở xã Hùng Nhĩ, dọc bờ suối và bờ sông Bứa thấy mọc rất nhiều.
-
- Nước nghĩa
- Tục lệ kết nghĩa giữa hai làng với nhau. Đây là phong tục từ xưa của hai dân tộc Việt-Mường tại làng Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
-
- Phong vân
- Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
-
- Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Có người giải thích, tiếu (tiểu) là thiếu, đài (đại) là đủ, do nhân dân địa phương quen miệng nói chệch ra. Cũng có người giải thích: xưa kia khi cúng tế thường có lễ xin âm dương để bói xem lành dữ, xấu tốt, khi xem âm dương người ta thường lấy hai đồng tiền gieo lên trên một cái đĩa, nếu sấp một, ngửa một thì gọi là đài (tốt), cả hai đều ngửa là tiếu (còn gọi là cười, tức là thần cười, thần chưa bằng lòng). Nhưng nói chung tiếu và đài ở đây có ý chỉ mối tình duyên hai người chưa hợp.
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Kiều Nguyệt Nga
- Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.
Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.
-
- Be bờ
- Đắp đất thành bờ để ngăn nước.
-
- Lờ
- Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.
Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…
-
- Ba Vì
- Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.
-
- Chùa Hương
- Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.
-
- Thầu dầu
- Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.
-
- Thổ Công
- Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.
-
- Hành khiển
- Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
-
- Ông Táo
- Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."
-
- Khêu
- Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.