Tìm kiếm "mồng chín tháng chín"

  • Một yêu mặt trắng má tròn

    Một yêu mặt trắng má tròn
    Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
    Ba yêu mắt sáng mày cong
    Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
    Năm yêu mảnh áo ngắn tà
    Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
    Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
    Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
    Chín yêu học thức hơn người
    Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

  • Ba mươi súc miệng ăn chay

    Ba mươi súc miệng ăn chay
    Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
    Lâm râm khấn vái Phật Trời
    Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
    Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
    Để cho trai gái dốc lòng đi tu
    Chùa này chẳng có Bụt ru
    Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Hỡi ai đi ngược về xuôi

    Hỡi ai đi ngược về xuôi
    Lại đây tôi kể đầu đuôi số mình
    Số tôi quyết chí tu hành
    Từ ngày bác mẹ bẩm sinh lọt lòng
    Ăn chay nằm mộng long đong
    Chín chùa tôi chả bỏ không chùa nào
    Biết rằng duyên số làm sao
    Bao nhiêu gái đẹp thì vào tay tôi
    Chín chùa tu thế cả mười
    Đúc chuông tô tượng xong rồi lại đi
    Tôi nay tính khí cũng kỳ
    Tuần rằm, mồng một tôi thì bỏ quên
    Đêm nằm tưởng gái nằm bên

  • Gởi thơ một bức

    Gởi thơ một bức
    Đêm nằm thổn thức, dạ những luống trông
    Biết làm sao cho vợ gặp chồng
    Cho én hiệp nhạn
    Gan teo từng đoạn, ruột thắt chín từng
    Anh với em như quế với gừng
    Dẫu xa nhân ngãi, xin đừng tiếng chi

    Dị bản

    • Sao hỡi sao! Sao chừng này chưa mọc
      Sao mọc bên bắc, nước mắt bên đông
      Làm sao cho vợ gặp chồng
      Cho én gặp nhạn, ruột đau từng đoạn, gan thắt chín từng
      Đôi ta như quế với gừng
      Dầu xa nhân ngãi, xin đừng tiếng tăm

  • Tình cờ ta gặp nhau đây

    Tình cờ ta gặp nhau đây
    Quả cau ta bổ, chia tay mời chào
    Ðôi ta kết nghĩa tương giao
    Nào là quả mận, quả đào đong đưa
    Bùi ngùi quả ấu, quả dừa
    Xanh xanh quả mướp, quả dưa, quả bầu
    Hạt tiêu cay đắng dãi dầu
    Ớt kia cay đắng ra màu xót xa
    Mặt kia mà tưới nước hoa
    Ai đem mướp đắng mà hòa mạt cưa
    Thủy chung cho bác mẹ ưa
    Ðừng như đu đủ nắng mưa dãi dầu
    Yêu nhau đá bắc nên cầu
    Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi
    Hẹn chàng cho đủ mười mươi
    Thì chàng kết tóc ở đời với em

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Ai đi đâu đấy hỡi ai

    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
    Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
    Tìm bể cạn thấy đàn chim di
    Ai mang nhân ngãi ta đi
    Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!

    Dị bản

    • Ai đi đâu đấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
      Tìm em như thể tìm chim
      Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
      Bể Đông không bóng chim bay
      Hôm qua là chín, hôm nay là mười
      Tìm em đã mướt mồ hôi
      Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
      Tìm em chẳng thấy em đâu
      Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
      Có nghe nín lặng mà nghe
      Những lời anh nói như se vào lòng

  • Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp

    Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp
    Em đi không kịp kêu bớ anh ơi
    Nghĩa tào khang sao anh đành vội dứt
    Đêm em nằm ấm ức ngày lụy ứa tuôn rơi
    Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời
    Xa nhau bởi tại ông trời biểu xa

    Dị bản

    • Qua cầu một trăm cái nhịp
      Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng
      Cái điệu tào khang sao chàng vội dứt
      Đêm nằm nghỉ tức, giọt lệ tuôn rơi
      Nhón chân lên kêu: “Bớ hỡi trời
      Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình!”

    • Cầu cao ba mươi sáu nhịp,
      Em theo không kịp, nhắn lại cùng chàng
      Cái nợ tào khang, sao chàng vội dứt?
      Ðê nằm thao thức, tưởng đó với đây.
      Biết khi nao cho phượng gặp bầy
      Cho le gặp nhạn
      Ruột đau từng đoạn
      Gan thắt chín từng
      Anh với em như chanh với khế, như quế với gừng,
      Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi…

  • Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

    Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
    Con gà không vú nuôi chín, mười con
    Qua tưởng rằng em má phấn môi son
    Ai ngờ má mỏng, môi mòn hỡi em

    Dị bản

    • Rắn không chân rắn bò khắp rú
      Gà không vú nhưng nuôi đặng chín mười con
    • Con rắn không chân mà bò năm dãy núi
      Con gà không vú mà nuôi đặng chín mười con
      Em đừng lo nhơn nghĩa mất hay còn
      Ráng giữ câu tiết hạnh, lòng son anh đợi chờ

  • Buổi mai ngủ dậy

    Buổi mai ngủ dậy
    Ra tắm bể Đông
    Đạp cây xương rồng
    Kéo lên chín khúc
    Gặp mệ bán cá úc
    Đổ máu đầu cầu
    Gặp mệ bán dầu
    Dầu trơn lầy lẫy
    Gặp mệ bán giấy
    Giấy mỏng tanh tanh
    Gặp mệ bán chanh
    Chanh chua như dấm
    Gặp mệ bán nấm
    Nấm lại một tai
    Gặp mệ bán khoai
    Khoai lọi một cổ

  • Xưa kia ai gảy đàn cầm

    Xưa kia ai gảy đàn cầm
    Cuộc cờ ai đánh dưới trần gian nguy
    Ai mà tài đặt thơ ri
    Ai mà uống rượu chín mươi bì không say?
    Mong anh nói lại em hay
    Em lui về lấy nhẫn đeo tay cho liền
    – Xưa ông Bá Nha gảy đàn cầm
    Cuộc cờ Đế Thích đánh dưới trần gian nguy
    Tài Lý Bạch hay đặt thơ ri
    Lưu Linh uống rượu chín mươi bì không say
    Chàng đà nói đúng, thiếp tính răng đây thiếp hè

  • Tội trời đã có người mang

    Tội trời đã có người mang
    Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi
    Bây giờ ba ngả bốn nơi
    Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này
    Thiếp tôi bên này trong then ngoài khóa
    Thiếp chàng bên ấy có thỏa hay không
    Trách đường dây thép không thông
    Gửi thư thư biệt gửi lời lời bay
    Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
    Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng
    Chẳng may chim nhạn lạc đàn
    Chim trời bay mất để chàng nhớ mong.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

Chú thích

  1. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  2. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  3. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  4. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  5. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  6. Thảo
    Viết ra.
  7. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  8. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  9. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  10. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  11. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  12. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  13. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  14. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  15. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  16. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  17. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  18. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  19. Hội Khám
    Tên một lễ hội được tổ chức vào mồng 7 tháng 4 âm lịch hằng năm tại làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhằm tôn vinh ba vị thần là Lạc Long Quân, Tri Sơn (Sơn thần) và Tri Thủy (Thủy thần). Trong lễ hội có các nghi thức rước Lạc Long Quân về đình, hội đồng Thành hoàng, tế lễ cầu mùa, đón trận mưa đầu mùa.
  20. Hội chùa Dâu
    Một lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mồng tám tháng tư âm lịch tại chùa Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cầu cho mưa thuận gió hòa.

    Hội Dâu

    Hội Dâu

  21. Hội Gióng
    Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  22. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  23. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  24. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  25. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  27. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  28. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  29. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  32. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  33. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  34. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  35. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  36. Nhóc nhen
    Từ gọi chung ếch nhái, ễnh ương, mô phỏng tiếng kêu của những con vật này (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Bắt
    Phát, khiến cho (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Xàu
    Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).
  39. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  40. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  41. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  42. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  43. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  44. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  45. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  46. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  47. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  48. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  49. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  50. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  51. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  52. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  53. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  54. Cổ
    Củ (phương ngữ Trung Bộ).
  55. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  56. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  57. Bá Nha
    Xem chú thích tri âm.
  58. Đế Thích
    Một nhân vật thần thoại, được lập đền thờ ở một số nơi. Tương truyền Đế Thích đánh cờ tướng rất giỏi, có khi chấp đối phương cả đôi xe mà vẫn thắng.

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

  59. Lý Bạch
    (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.

    Lý Bạch qua tranh vẽ

    Lý Bạch qua tranh vẽ

  60. Lưu Linh
    Tự là Bá Luân, người đất Bái, đời Tấn (Trung Quốc) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc). Ông dung mạo xấu xí, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say. Ta hay gọi những người nghiện rượu là "đệ tử của Lưu Linh" là vì vậy.

    Trúc lâm thất hiền

    Trúc lâm thất hiền

  61. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  62. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  63. Nhỉ (phương ngữ Trung Bộ). Như lạ hè (lạ nhỉ), hay hè (hay nhỉ)...
  64. Chỉ cách gửi điện tín thời xưa.
  65. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  66. Mồng tơi
    Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.

    Mồng tơi

    Mồng tơi

    Hoa mồng tơi

    Hoa mồng tơi

  67. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái