Tìm kiếm "hồng bào"

  • Hôm qua anh đi chợ trời

    Hôm qua anh đi chợ trời
    Thấy ông Nguyệt Lão đang ngồi ở trên
    Tay thì cầm bút cầm nghiên
    Tay cầm tờ giấy đang biên rành rành
    Biên ta rồi lại biên mình
    Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta
    Chẳng tin lên hỏi trăng già
    Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình
    Chẳng tin lên hỏi thiên đình
    Thiên đình cũng bảo rằng mình lấy ta
    Quyết liều một trận phong ba
    Để cho thiên hạ người ta trông vào
    Quyết liều một trận mưa rào
    Để cho thiên hạ trông vào đôi ta

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng

  • Đầu làng có con chim xanh

    Đầu làng có con chim xanh
    Ăn no tắm mát đậu cành dâu gia
    Đường về bên ấy bao xa
    Mượn mình làm mối cho ta một người
    Một người mười tám đôi mươi
    Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
    Ai xinh thì mặc ai xinh
    Ông Tơ chỉ quyết xe mình với ta

    Dị bản

    • Đầu làng có con chim xanh
      Ăn no tắm mát đậu cành dâu gia
      Anh thương cô mình tha thiết, thiết tha
      Cành cao cao bổng, cành la, la đà

  • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc

    Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
    Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
    Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
    Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi

    Dị bản

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
      Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
      Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
      Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thân

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Gió nào độc bằng gió Gò Công.
      Anh thương em từ thuở má bồng,
      Bây giờ em khôn lớn lấy chổng bỏ anh.

    • Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào thấp cho bằng dốc Nam Vang,
      Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ,
      Có một mẹ già, biết bỏ cho ai.

    • Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
      Đói no em chịu cùng chàng,
      Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo.

  • Quê anh ở phú bên nhà

    Quê anh ở phủ bên nhà
    Nhà anh phú quý vinh hoa nhất miền
    Bấy nay đi kén bạn hiền
    Bây giờ mới gặp thuyền quyên má hồng
    Hỡi cô tát nước gàu sòng
    Hỏi rằng cô đã có chồng hay chưa?
    Không chồng làm cuộc mây mưa
    Ruộng khô mạ héo bao giờ cho tươi
    Âm dương vẫn sẵn tính trời
    Cùng nhau ta tát gàu giai cho đầy

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Con nhạn nó liệng lên mây

    Con nhạn nó liệng lên mây
    Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
    Cái sự dầu dãi tự bấy đến giờ
    Kiếp phong trần chị Ba rũ đến bao giờ thì thôi
    Tiếc thay sắc nước hương trời
    Cớ làm sao phải lạc loài đến đây
    Ai làm cho nên nỗi nước non này
    Bông hoa sao héo dãi dầu với hoa
    Căm gan này nên giận trăng già
    Tình này ai tỏ cho ta nỗi lòng

  • Trách duyên lại giận trăng già

    Trách duyên lại giận trăng già
    Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành
    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

  • Ngộ bất cập mới gặp em đây

    Ngộ bất cập mới gặp em đây
    Hỏi thăm quê quán, tổng làng ở đâu
    Nhà em nhà ngói hay nhà lá
    Tán lá hay tán cây
    Đệ huynh có mấy, tuổi nàng bao nhiêu?
    – Thấy anh muốn rõ, để em phân tỏ anh tường
    Châu Đốc em nương ngụ, Cây Gòn em ở yên
    Nhà em nhà lá chống tán lá, tán cây
    Phụ mẫu em song toàn, em đây vốn thiệt hết lòng
    Tuổi chừng trăng tỏ, chỉ hồng chưa nơi

  • Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?

    Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
    Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
    Cái gì em trải anh ngồi?
    Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
    Cái gì mà sắc hơn dao?
    Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
    Cái gì trong trắng ngoài xanh?
    Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
    Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
    Cái gì năm đợi tháng chờ?
    Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
    Cái gì sắc hơn dao cau?
    Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
    Một quan là mấy trăm đồng?
    Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
    Một cây là mấy trăm cành?
    Một cành là mấy trăm hoa?
    Em ngồi em giảng cho ra,
    Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
    – Đất thì thấp, trời thì cao
    Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
    Chiếu hoa em trải anh ngồi
    Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
    Con mắt em sắc hơn dao
    Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
    Cau non trong trắng ngoài xanh
    Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
    Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
    Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
    Đôi ta năm đợi, tháng chờ
    Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
    Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
    Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
    Một quan là sáu trăm đồng
    Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
    Một cây là sáu trăm cành
    Một cành là sáu trăm hoa
    Thưa anh em đã giải ra
    Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em!

  • Hỡi anh làm thợ nơi nao

    Hỡi anh làm thợ nơi nao
    Để em gánh đục, gánh bào đi theo
    Cột queo anh đẽo cho ngay
    Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
    Bốn cửa chạm bốn con nghê
    Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
    Bốn cửa chạm bốn con rồng
    Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
    Bốn cửa chạm bốn con mèo
    Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
    Bốn cửa chạm bốn con gà
    Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
    Bốn cửa chạm bốm con lươn
    Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
    Bốn cửa chạm bốn con dao
    Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
    Bốn cửa chạm bốn cây đèn
    Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
    Bốn cửa chạm bốn cái cong
    Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
    Ngày mai khi anh về nhà
    Trăm năm em gọi anh là chồng em

  • Bước sang tháng sáu giá chân

    Bước sang tháng sáu giá chân
    Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
    Con chuột kéo cày lồi lồi
    Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
    Vườn rộng thì thả rau rong
    Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
    Đàn bò đi tắm đến trưa
    Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
    Voi kia nằm dưới gậm giường
    Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

Chú thích

  1. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  2. Phan Văn Nghêu
    Tên một điền chủ của miền Nam vào thế kỉ 18, nức tiếng giàu có. Người đương thời gọi ông là ông Hóng, chỉ việc tiền bạc của ông nhiều như bồ hóng trên giàn bếp. Khi Nguyễn Ánh đóng quân ở phủ lị Tân An, ông Hóng đã cho đào một con kênh thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông để chở lương thực nuôi quân cho chúa Nguyễn suốt 3 tháng trời. Kênh đào này gọi là kinh (kênh) Ông Hóng, nay vẫn còn, thuộc địa phận xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An .
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  5. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  6. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  7. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  8. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  9. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  10. Khuôn trời
    Khuôn do trời định, hay duyên tiền định. Người xưa ví tạo hóa sinh ra muôn vật như người ta dùng khuôn nặn đồ gốm, vì vậy thường gọi tạo hóa là khuôn thiêng, khuôn xanh, và tình duyên do trời định là khuôn duyên.
  11. Favorit
    Ta gọi là Pha-vơ-rít, nhãn hiệu một loại xe đạp của Tiệp Khắc cũ.

    Xe đạp Favorit

    Xe đạp Favorit

  12. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  13. Phòng đào
    Cũng gọi là buồng đào (từ cũ trong văn chương). Chỉ phòng riêng của người phụ nữ.

    Buồng đào khuya sớm thảnh thơi
    Ra vào một mực nói cười như không
    (Truyện Kiều)

  14. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  15. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  16. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  17. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  18. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  19. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  20. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  23. Ngàn
    Rừng rậm.
  24. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  25. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  26. Vinh hoa
    Vẻ vang, được hưởng sung sướng về vật chất (từ Hán Việt).
  27. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  28. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  29. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  30. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  31. Vông nem
    Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…

    Hoa và lá vông nem

    Hoa và lá vông nem

  32. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  33. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  34. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  35. Sắc nước hương trời
    Chỉ người phụ nữ đẹp.
  36. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  37. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  38. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  39. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  40. Ngộ bất cập
    Thình lình mà gặp, gặp chuyện không tính trước.
  41. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  42. Huynh đệ
    Anh em (từ Hán Việt). Cũng có thể hiểu là anh chị em nói chung.
  43. Cây Gòn
    Tên một ấp thuộc xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây cũng là tên dân ta thường gọi một khu vực giáp với thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), thuộc xã Boreycholsa, huyện Boreycholsa, tỉnh Takeo, Campuchia.
  44. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  45. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  46. Trăng tỏ là trăng sáng, thường là vào những đêm rằm. Tuổi trăng tròn, tuổi trăng rằm thường chỉ tuổi mười lăm, mười sáu.
  47. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  48. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  49. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  50. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  51. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  52. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  53. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  54. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  55. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  56. Queo
    Cong, bị biến dạng.
  57. Nghê
    Một loài vật trong thần thoại Việt Nam, tương tự như lân trong thần thoại Trung Hoa. Nghê có hình dạng giống chó, không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, đuôi dài vắt ngược lên lưng. Trước cửa các đền chùa, miếu mạo thường có đặt tượng nghê đá.

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

  58. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  59. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  60. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  61. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  62. Giá
    Lạnh buốt.
  63. Vãi
    Ném vung ra.
  64. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  65. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  66. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  67. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  68. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  69. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  70. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  71. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  72. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  73. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  74. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên