Tìm kiếm "hồng bào"

Chú thích

  1. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  2. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  3. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  4. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang

  5. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  6. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  7. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  8. Trào
    Triều (từ cũ).
  9. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  10. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  11. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  12. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  13. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Chơi vơi
    Trơ trọi giữa một không gian rộng lớn, không biết bám víu vào đâu.
  15. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  16. Bồng Báo
    Tên một huyện thuộc phủ Thiệu Thiên, nay là làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. , còn có các tên cũ là Biện Đà và Đông Biện. Truyền thuyết nói rằng: Con đê làng bắt qua bên kia sông Mã có hình chiếc đòn càng, nên người làng Bồng ngày xưa có nhiều người đỗ đạt làm quan.
  17. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  18. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  19. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  20. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  21. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  23. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  24. Bến đò Do
    Một bến đò đã có từ rất lâu đời, thuộc xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chở khách qua lại hai bờ sông Mã.
  25. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  26. Cửu bệ
    Chín bệ, ý nói ngôi vua.
  27. Cùng đinh
    Người đàn ông thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất ở nông thôn.
  28. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  29. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  30. Công giáo
    Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

  31. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  32. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  33. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  34. Tương truyền bài ca dao này nói về cuộc tình duyên giữa hoàng đế Bảo Đại (theo Phật giáo) và Nam Phương Hoàng hậu (theo Công giáo).
  35. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  36. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  37. Tây Thiên
    Hay Tây Vực, Thiên Trúc, Tây Phương, những tên gọi trong Phật giáo chỉ Ấn Độ, vì nước này nằm ở phía Tây của Trung Quốc.
  38. Giấc điệp
    Cũng gọi là giấc bướm (điệp nghĩa là con bướm), nghĩa là giấc ngủ, giấc mộng. Theo Trang Tử: "Ngày xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình thành bướm bay nhởn nhơ. Đột nhiên tỉnh dậy, thấy mình lại là Trang Chu. Không biết có phải Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm hay bướm nằm mộng thấy mình là Trang Chu?"
  39. Xuất hạn mồ hôi
    Đổ mồ hôi đầm đìa.
  40. Gạn gùng
    Gạn, lấy phần đục hay phần trong ra (gạn nước vối, gạn vỏ đậu...). Nghĩa bóng là hỏi cho đến cùng.

    Gạn gùng ngành ngọn cho tường
    Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh

    (Truyện Kiều)

  41. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  42. Ở miền Bắc khoảng tháng 7-8 âm lịch nếu thấy phía đông có mây đen, phương tây có ráng đỏ, lại thấy gió heo may nổi lên thì trời sắp có mưa bão.
  43. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  44. Thiên Chúa
    Ngôi tối cao trong trong Cơ Đốc giáo, được xem là đấng toàn năng tạo dựng ra toàn thể vũ trụ, duy trì công cuộc sáng tạo và cung cấp mọi sự cần dùng cho dân Chúa. Theo giáo lí của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Giê-xu) và Chúa Thánh Thần. Khái niệm này cũng gọi là Tam vị nhất thể.