Tìm kiếm "tương"

Chú thích

  1. Cờ tướng
    Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.

    Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...

    Cờ tướng

    Cờ tướng

  2. Mộc tượng
    (Nghề) Làm tượng gỗ.
  3. Tài phùng
    (Nghề) Cắt may quần áo.
  4. Quần Phương trung, Quần Phương thượng, và Phương Đê đều là các địa danh thuộc tổng Quần Phương (tên cũ là Quần Anh), nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quần Phương trung có nghề làm thợ mộc, Quần Phương thượng có nghề cắt may, và Phương Đê có nghề nề, đắp tượng.
  5. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  6. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  7. Đồng nghiệp tương cừu
    Làm cùng nghề thì hay thù địch, đố kỵ lẫn nhau.
  8. Dinh Thượng Thơ
    Tên người dân đương thời gọi Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de l'Intérieur), một tòa nhà được người Pháp xây dựng vào năm 1864 với vai trò điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Hiện nay đây là trụ sở của Sở Công thương và Sở thông tin-truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.

    Dinh Thượng Thơ

    Dinh Thượng Thơ

  9. Cột cờ Thủ Ngữ
    Tên cột cờ mà người Pháp dựng ở bến Nhà Rồng vào tháng 10 năm 1865. Từ "Thủ ngữ" có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi.

    Cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa

    Cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa

    Cột cờ Thủ Ngữ hiện nay

    Cột cờ Thủ Ngữ hiện nay

  10. Tượng Gambetta
    Còn gọi là tượng Ba Hình, Bức tượng của Léon Gambetta, một chính khách người Pháp chủ trương ủng hộ chính sách thuộc địa, được Pháp cho xây dựng ở quảng trường chợ Cũ Sài Gòn (nay là giao lộ Lê Duẩn - Pasteur), sau được chuyển vào khuôn viên Tao Đàn (nên người dân gọi là vườn Ông Thượng). Theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa thì năm 1945 khi Nhật đến Việt Nam, "chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz (thế phẩm), đồ đồng giả, không dùng được..."

    Tượng Gambetta tron vườn Tao Đàn

    Tượng Gambetta trong vườn Tao Đàn

  11. Mủ di
    Học giả Thuần Phong cho rằng đây là cách nói trại từ tiếng Pháp musique (âm nhạc).
  12. Có bản chép: Mũi Di.
  13. Dinh Thống đốc
    Tên gọi thời kì Pháp thuộc của tòa nhà nay là bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà này được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 để làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ, nhưng sau chính quyền bảo hộ dùng làm dinh Thống đốc, hay còn gọi là dinh Phó soái.

    Dinh Phó soái những năm đầu thế kỉ 20

    Dinh Phó soái những năm đầu thế kỉ 20

  14. Bu-don
    Từ tiếng Pháp bouillon, nghĩa là nước dùng.

    Nước dùng

    Nước dùng

  15. Ôm-lết
    Từ tiếng Pháp omelette, nghĩa là món trứng tráng. Tùy theo địa phương, món này cũng gọi là ốp-lết.
  16. Bít-tết
    Từ tiếng Pháp bifteck, món thịt bò thái lát mỏng chiên dầu, ăn kèm với bánh mì hoặc khoai tây chiên và trứng ốp-la.

    Bò bít-tết

    Bò bít-tết

  17. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  18. Mủ-ni
    Từ tiếng Pháp menu (thực đơn).
  19. Theo học giả Vương Hồng Sển: Tiền nhựt, hồi trước có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay "dọn bàn" tứ chiếng làm cho Tây, chồng là tụi "nấu ăn” “ba rọi” của Pháp - hai người đụng nhau chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ “rabiot” tức đồ dư; xưa Thống chế Joffre ưa dùng danh từ này nhứt). Ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau gánh gồng và đêm đêm mặc dầu mưa gió, anh và chị cũng phải quảy trên vai gánh "đồ Tây” bán như vậy từ đầu đường Tự Do ngang dinh Thượng thơ (Catinat) cho đến tận mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ (Pointe des Blanguers) đợi khi nào nồi, soong sạch bách thức ăn mới đề huề cùng nhau gánh gánh không về nghỉ. Dè đâu, cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê tha, bỏ gánh lại một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Tức quá, chị nghĩ ra câu hát như vầy [...]
  20. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
    Những vật có cùng tiếng thì đáp lại nhau, những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Ý nói người hay vật có cùng bản chất thì hòa hợp với nhau, những người có cùng chí khí thì tìm đến với nhau.
  21. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  22. Nguyễn Gia Trí
    Họa sĩ nổi tiếng thời kì đầu của mĩ thuật Việt Nam, được mệnh danh là "chả đẻ của sơn mài tân thời Việt Nam" nhờ công lao đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm của ông đã được chỉ định là Quốc bảo.

    Tác phẩm "Vườn xuân Bắc Trung Nam" của Nguyễn Gia Trí

  23. Tô Ngọc Vân
    Họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, tác giả của một số bức tranh tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam, trong đó những tác phẩm nổi tiếng nhất có thể kể đến là Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen

    Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân

  24. Nguyễn Tường Lân
    Họa sĩ nổi tiếng sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông học khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933), thuần thục hầu hết các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu, chì than, Nguyễn Tường Lân đã sáng tác nhiều tác phẩm, nhưng hầu hết đều đã thất lạc.

    "Vầng trăng ai xẻ làm đôi," một minh họa của Nguyễn Tường Lân

  25. Trần Văn Cẩn
    Họa sĩ nổi tiếng vào thời kì đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969) sau khi họa sĩ Tô Ngọc Vân hi sinh.

    Tác phẩm "Em Thúy" của Trần Văn Cẩn

  26. Thuyền Quan đại tướng quân
    Tên tự xưng của sư Sổ, một thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp tỉnh Thái Bình những năm cuối thế kỉ 19, ngụ tại chùa Thuyền Quan (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của sư Sổ thường căng ngọn cờ có chữ "Nam mô Thuyền Quan đại tướng quân," kéo đi đốt phá các cơ sở nhà thờ Thiên chúa giáo theo Pháp. Từ sau tháng 3-1890, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất phải giải thể, sư Sổ về tu lại ở chùa và viên tịch tại đây, ngày nay vẫn còn mộ tháp của ông.
  27. Mũ ni
    Mũ có diềm che kín hai mang tai và sau gáy, sư tăng và các cụ già miền Bắc thường hay đội.

    Đội mũ ni

    Đội mũ ni

  28. Tích trượng
    Cũng gọi là thanh trượng, đức trượng hay minh trượng, một loại gậy mà các nhà sư hay dùng để đi đường hoặc khi khất thực. Đầu gậy có những vòng thiếc, khi rung phát ra tiếng.

    Tích trượng

    Tích trượng

  29. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  30. Bình Tây kiến lập vệ cơ: Thành lập đội dân quân đánh Tây.
  31. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  32. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  33. Chiêu
    Từ dùng để chỉ người có học vị tiến sĩ vào thời Lê. Con của họ cũng gọi là cậu hoặc cô chiêu (Nguyễn Du là con của tiến sĩ Nguyễn Nghiễm nên lúc nhỏ được gọi là cậu chiêu Bảy).
  34. Móng tay mỏ sẻ
    Móng tay dài, hơi khum, thon dần về phía đầu như mỏ con chim sẻ.
  35. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  36. Thách nhà giàu húp tương
    Thách thức ai đó làm một việc quá dễ dàng so với khả năng của họ.
  37. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  38. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  39. Nhiều bản chép "lúa" nhưng nguyên văn là "lụa" thì mới hợp với "biên."
  40. Biên
    Mép chạy suốt chiều dài xấp lụa, ở hai đầu khúc lụa, được dệt thật chắc để giữ các sợi ngang không nhích tới nhích lui, nhất là để các sợi dọc không tuột ra. Muốn biết lụa có tốt hay không, người ta thường xem biên lụa. Biên săn và mịn thì lụa mới tốt, mới bền.
  41. Hiền ở đây không mang nghĩa "hiền lành", mà là "hiền tài", có nghĩa là đức hạnh và tài năng
  42. Tướng
    Vẻ mặt và dáng người nói chung, thường được coi là sự biểu hiện của tâm tính, khả năng hay số mệnh của một người.
  43. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  44. Thân
    Bản thân.
  45. Dưa cần
    Một loại dưa muối (rau củ trộn muối để lên men) làm từ rau cần.
  46. Tượng
    Giống, tương tự.
  47. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  48. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  49. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  50. Đáo xứ lai
    Bay về nơi nao.
  51. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  52. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  53. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  54. Cao lương mĩ vị
    Món ăn ngon và quý nói chung (chữ Hán).
  55. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  56. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  57. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  58. Tang chế
    Phép tắc để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  59. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  60. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).