Hai mặt mà mắt miệng không
Nhưng khi lên tiếng, sấm rung khác gì
Hai mặt chẳng thịt xương chi
Dáng tròn vành vạnh, nhẵn lì toàn da
Tìm kiếm "Vì anh"
-
-
Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng, còn ngày vinh quang.Dị bản
-
Nhân dân thì chẳng cần lo
-
Khuyển ưng hai gã Khải Hoan
-
Anh bứng cây trúc anh trồng cây trắc
-
Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục
-
Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ
Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ
Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.Dị bản
-
Bình Lương gió lộng về chiều
-
Gặp đây gắn bó một lời
-
Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng
– Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng
Cầu chi đi mười hai tháng phân cho cùng thiếp nghe?
– Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu
Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay!
Chỉ đi chưa tới nửa ngày
Lẽ mô có lẽ đi rày một năm?
Bạn hỏi ta, nghĩ lại cũng nhằm
Cầu chi đi mười hai tháng? Có cầu Giáp Năm đó bạn tề! -
Cây xanh thời lá cũng xanh
-
Chơi cho trứng chọi đá tan
-
Xa nhau cách mấy con trăng
Xa nhau cách mấy con trăng
Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
Không biết ai tôi nhắn với người thương
Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
Nhắn người quen biết xưa nay
Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
Nhắn người chuyển miệng giùm cho
Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
Nhắn ông đi úp sông sâu
Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
Nhắn người đốn củi rừng xanh
Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
Nhắn người ở dưới Câu Lâu
Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long … -
Vè chửi Pháp và vua quan
Tổ cha thằng bố cu gồ
Làm cho tao phải dọn đồ xuống ao
Giường thờ thì ngâm xuống ao
Lại bắt ông vải chui vào bụi năn
Vợ chồng nói chuyện thì thầm
Đêm ngày cắp bị ra nằm cồn Me
Nằm thì lắng tai mà nghe
Nó đang đốt ở ngoài nghè Phú Vinh
Súng thì nó bắn ình ình
Mẹ con giật mình lại phải chạy xa
Sớm mai nó đốt Mỹ Đà
Cửa nhà tan nát, vại cà sạch không
Bấy giờ vợ mới biểu chồng
“Thôi thôi ta phải dốc lòng xin đi”
Chồng thì nó bắt cu li
Vợ thì mặt bủng da chì mà lo
Chẳng qua đến lúc mạt đồ
Nước Nam có đám sao cờ mọc ra
Triều đình bảy vía còn ba
Quân Tây vừa dọa đái ra đầy quần
Cho nên mới khổ đến dân
Tổ tiên cũng bị muôn phần lao đao. -
Ớ cô Hai ơi, sao cô không nói không rằng
Ớ cô Hai ơi, sao cô không nói không rằng
Lòng tui thương tưởng cô bằng hay không?
Hay là cô chưa muốn có chồng
Nói cho tui biết đợi trông làm gì
Trách lòng cho con gái nữ nhi
Đời chừ lựa chọn làm chi cho nhiều
Buổi xưa kia vinh hiển còn biêu
Trai hoàng nam đi cưới con gái ông tiều trên non
Hay là cô bụng dạ lòng son
Nói cho tui biết chiều lòng ông mai
Hễ mà cô nói đừng sai
Trầu mâm, rượu hũ, tui cậy ông mai tới nhà -
Dám khuyên khách ở trên đời
Dám khuyên khách ở trên đời
Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
Ước gì gặp tiên trên trời
Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
Ước gì làm được quan cao
Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
Ước gì lắm bạc nhiều vàng
Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
Ước gì gặp hội rồng mây
Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
Ước gì trăm tám tuổi già
Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
Ước gì lắm rể nhiều dâu
Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
Ước gì được cả trăm đàng
Như lan như huệ cùng chung một đoàn
Ước gì như quạt như gương
Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
Ước cho có thủy có chung
Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
Thế là anh đã ước rồi
Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng -
Anh làm lò đá thì có máy khoan
Anh làm lò đá thì có máy khoan
Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
Anh mà làm được vẹn tuyền
Thì anh mới được tính tiền công cho
Công thì bốn tám đồng xu
Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
Nó còn lưu lại để giam giữ mình
Thằng Tây, thằng xếp một vành
Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
Làm thì phoi đá, phong than
Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi. -
Truyện Kiều em đã kể làu
– Truyện Kiều em đã kể làu
Đố em kể được một câu ba càng
Kể sao cho được rõ ràng
Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
Bấy lâu mới được một ngày
Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
Nhân tình trong đạo chúng ta
Yêu nhau mới đố một và câu chơi
Em khôn anh mới thử lời
Em mà giảng được là người tài hoa
– Lạ gì đôi lứa chúng ta
Anh đố em giảng mới là mưu sâu
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
Em nay phận gái nữ hài
Anh đố em giảng một bài đã xong
Xin anh đừng có đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình
Anh đố em mà làm thinh
Thì anh lại bảo gái trinh không tài
Bây giờ em đố một bài
Anh mà giảng được dây hài xin trao
Truyền Kiều kể lại tiêu hao
Một câu anh kể làm sao hết Kiều
– Em đố anh lại giảng ra
Anh giảng chẳng được người ta chê cười
Dây hài của đáng mấy mươi
Bây giờ anh giảng em thời đem ra
Trăm năm trong cõi người ta
Mua vui cũng được một vài trống canh -
Vè gái hư
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Người xưa để lại bài vè gái hư
Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
Đụng đâu cũng lết vào ngồi
Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
Quần thì ống thấp ống cao
Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
Ngồi lê đôi mách thật tài
Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
Tính tình quạu quọ câu mâu
Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
Người thì lúc lắc lúc lay
Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi … -
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà
Tam Kỳ có món cơm gà
Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon
Đại Lộc nhiều trái bòn bon
Khoai lang Trà Đóa, Quế Sơn nếp mường
Cẩm Sa có giống lúa vàng
Gạo ngon thơm phức, trăng tròn mùa thu
Bàn Lãnh có gốc mù u
Cá trôi mùa lũ, sông Thu chảy về
Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê
Xu xoa Khúc Lũy, thịt bê Chợ Cầu
Quán Rường , Chợ Được Câu Lâu
Bánh tráng cá hấp ở đâu ngon bằng? …
Chú thích
-
- Linh Đổng
- Một địa danh nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là một vùng đất lịch sử, từng là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn và sau này là nghĩa quân Cần Vương của Mai Xuân Thưởng.
-
- Mai Xuân Thưởng
- Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.
Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.
-
- Hầm Hô
- Một địa danh nay thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây vừa là một danh thắng nổi tiếng của Bình Định, vừa là một vùng đất lịch sử, gắn liền với cuộc khởi nghĩa chàng Lía, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và phong trào Cần Vương.
-
- Cữ nước
- Con nước lên xuống theo thuỷ triều.
-
- Phấn dũng
- Anh dũng và hăng hái (từ Hán Việt).
-
- Sông Côn
- Còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone, dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn và đầm Thị Nại.
-
- Bo bo
- Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...
-
- Khuyển, ưng
- Chó và chim ưng (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ hạng tay sai cho giặc.
-
- Hoàng Cao Khải
- (1850 - 1933) Nguyên danh Hoàng Văn Khải, đại thần triều Nguyễn. Ông chủ trương thân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước. Ông lại có tài văn học, sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Những đánh giá về ông hiện vẫn chưa thống nhất. Sinh thời ông cho xây khu dinh thự, lăng tẩm ở ấp Thái Hà (còn gọi là ấp Hoàng Cao Khải) được đánh giá cao về kiến trúc.
-
- Lê Hoan
- (1856 - 1915) Còn gọi Lê Tôn, một đại thần triều Nguyễn. Trước ông theo Quân Cờ Đen chống Pháp, sau cộng tác với Pháp tham gia khủng bố các phong trào yêu nước, nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Những đánh giá lịch sử về ông hiện vẫn chưa thống nhất.
-
- Công lênh
- Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Long An
- Một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang và Campuchia. Vùng đất Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo tài nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen... Tỉnh có nhiều di tích lịch sử, trong đó nổi bật là văn hóa Óc Eo tại Đức Hòa, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại Tân An, Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc và Nhà trăm cột tại Cần Đước.
-
- Vàm Cỏ
- Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.
Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:
- Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
- Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.
-
- Xáng
- Tàu, thuyền lớn (phương ngữ Nam Bộ). Từ này cũng như từ xà lan có gốc từ tiếng Pháp chaland, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc...
-
- Quả
- Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.
-
- Bình Lương
- Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
-
- Tân Tạo
- Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
-
- Chợ Vĩnh Long
- Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phân
- Nói cho rõ, bày tỏ.
-
- Kim Liên
- Một địa danh trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, hiện nay thuộc địa phận quận Liên Chiểu, phía bắc thành phố Đà Nẵng.
-
- Cầu Thủy Tú
- Tên cây cầu bắc ngang qua sông Cu Đê, thuộc làng Thủy Tú (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngày nay).
-
- Vĩnh Điện
- Tên một cây cầu bắc ngang qua sông Vĩnh Điện, thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Câu Lâu
- Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.
Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nhằm
- Đúng, ngay chỗ đó (phương ngữ miền Trung).
-
- Giáp Năm
- Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Tề
- Kìa (phương ngữ miền Trung).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Vuông tròn
- Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
-
- Hải hồ
- Biển và hồ, chỉ chí khí rộng lớn người con trai trong xã hội phong kiến.
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ
(Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)
-
- Huê
- Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
-
- Con trăng
- Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
-
- Quán Rường
- Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
-
- Phong Thử
- Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.
-
- Hà Nha
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.
-
- Vĩnh Điện
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- La Qua
- Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nơm
- Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.
-
- Bủa
- Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
-
- Ông vải
- Ông bà (từ Nôm cổ).
-
- Năn
- Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.
-
- Cồn Me
- Địa danh thuộc thôn Đông Lạc, xã Hoàng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Nghè
- Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.
-
- Phú Vinh
- Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Mỹ Đà
- Cũng gọi là làng Mỹ hay kẻ Mỹ, một làng thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này nay là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
-
- Vại
- Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Mạt đồ
- Cùng đường (từ Hán Việt). Mạt: cuối cùng, ngọn. Đồ: Đường lối.
-
- Sao chổi
- Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.
Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.
-
- Ba hồn chín vía
- Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Biêu
- Nêu lên cho mọi người biết.
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Lưu Nguyễn
- Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
-
- Vương Khải
- Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Trường thọ
- Sống lâu (từ Hán Việt).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phan Trần
- Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Giao đoan
- Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
-
- Đội xếp
- Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Niềm tây
- Nỗi lòng, tâm sự riêng.
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá nào
(Chinh Phụ Ngâm)
-
- Và
- Vài.
-
- Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài (câu 99 đến câu 104)
-
- Phận nữ hài
- Phận đàn bà con gái.
Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp nước há nhường trai.
(Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)
-
- Cháo bồi
- Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...
-
- Câu mâu
- Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
-
- Mì Quảng
- Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.
-
- Phú Chiêm
- Tên một làng thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với đặc sản mì Quảng Phú Chiêm.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Mắm nêm
- Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...
-
- Cẩm Hà
- Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
-
- Tam Kỳ
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
-
- Cơm gà Tam Kỳ
- Đặc sản cơm gà của Tam Kỳ, Quảng Nam. Khác với cơm gà ở những nơi khác, cơm gà ở Tam Kỳ chỉ được làm từ gà thả vườn (gà ta), thịt chắc, dai, thơm, có vị ngọt đặc trưng. Phần cơm vàng ươm ăn kèm cũng được nấu kì công không kém. Gạo nấu cơm phải là loại thơm, khi chín dẻo và không bị nát. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít bột nghệ. Khi nấu phải canh lửa và nước để cơm chín vàng ươm, dẻo, nhưng tơi chứ không dính vào nhau, lại thoang thoảng hương thơm hấp dẫn.
-
- Nam Ô
- Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).
-
- Đại Lộc
- Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
-
- Bòn bon
- Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.
-
- Trà Đỏa
- Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
-
- Quế Sơn
- Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.
Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.
-
- Cẩm Sa
- Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
-
- Bàn Lãnh
- Tên một làng nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn.
-
- Mù u
- Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.
-
- Cá trôi
- Một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có thể nặng đến vài kí. Thị cá trôi ăn mát và ngọt, thường dùng nấu canh chua hoặc kho. Phần đầu là phần ngon nhất của cá trôi.
-
- Sông Thu Bồn
- Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.
-
- Sương sa
- Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.
-
- Khúc Lũy
- Tên một thôn thuộc địa phận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Chợ Cầu Mống
- Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.
-
- Chợ Được
- Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Cá nục hấp cuốn bánh tráng
- Một đặc sản của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Món này gồm cá nục (to nhỏ tùy cách ăn và tùy địa phương) được hấp chín, cuộn với bánh tráng và rau muống, chấm với các loại nước chấm như nước mắm hoặc mắm cái. Bánh tráng có thể là bánh tráng sống hoặc nướng, được trụng sơ với nước cho mềm.