Ca dao Mẹ

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Khen ai khéo đặt cái nghèo

    Khen ai khéo đặt cái nghèo
    Kém ăn kém mặc, kém điều khôn ngoan
    Bây giờ chẳng có bạn vàng
    Cho nên đổ cả khôn ngoan cho người
    Nhà giàu nói một hay mười
    Nhà khó nói chẳng được lời nào khôn
    Nhà nghèo như giỏ thủng trôn
    Nhà giàu như bạc bỏ hòm xưa nay
    Nghèo đâu nghèo mãi thế này
    Mất chúng mất bạn vì nay tội nghèo
    Bốn bề công nợ eo xèo
    Chỉ vì một nỗi tội nghèo mà thôi
    Tôi làm, tôi chẳng có chơi
    Nghèo sao nghèo mãi, trời ơi hỡi trời

  • Chưa đi chưa biết Cửa Ông

    Chưa đi chưa biết Cửa Ông
    Đến đây mới biết đường không lối về
    Phu sắng-tẩy ai thuê mà đánh
    Thẻ than sàng ai bán mà mua
    Nhà quê còn có ngày mùa
    Đi nhặt, đi mót hột thừa mà ăn
    Ở đây rét đói quanh năm
    Đi câu cá: rủi, đi săn: hổ vồ
    Khu Bò Đái xương khô rải rác
    Bến Lò Vôi mấy xác bồng bềnh
    Lạc loài bể khổ mông mênh
    Thân vờ xơ xác lênh đênh chét mòn
    Trót nghe bầu bạn ra đây
    Lạ thung, lạ thổ, lạ cây, lạ nhà
    Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
    Huyện Hoành Bồ đá cát mênh mông
    Ai ơi đứng lại mà trông
    Kìa khe nước độc, nọ ông hùm già
    Vui gì mà rủ nhau ra
    Làm ăn khổ cực nghĩ mà tủi thân.

  • Ai đem tôi đến chốn này

    Ai đem tôi đến chốn này
    Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
    Trên đồn có lão quan hai
    Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
    Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
    Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
    Một chiếc thì chạy Cốt Na
    Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
    Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
    Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
    Đến mười hai giờ bốn mươi
    Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
    Nó quát một tiếng chẳng là
    Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
    Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
    Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
    Người thì ghè đá nung vôi
    Người thì vác gỗ ai coi cho tường
    Người thì xẻ đất đắp đường
    Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
    Người thì xẻ ván đóng xe
    Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
    Người xe hỏa, người máy rồng
    Người biên kho gỗ, người trông kho dầu

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Em là con gái tỉnh Nam

    Em là con gái tỉnh Nam
    Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
    Từ khi mới mở Cửa Ông
    Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
    Chị em cực nhục trăm điều
    Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
    Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
    Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
    Dế kêu, suối chảy rầm rì
    Bắt cô trói cột não nề ngân nga
    Đoàn người hay quỷ hay ma
    Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
    Hai bên gió núi ù ù
    Tưởng oan hồn của dân phu hiện về.

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  2. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  3. Mã tà
    Lính cảnh sát thời thuộc địa. Nguồn gốc của từ này đến nay vẫn chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Mã Lai là mata-mata, có nghĩa là "cảnh sát," lại có người cho rằng xuất xứ từ này là matraque, tiếng Pháp nghĩa là cái dùi cui.
  4. Phao
    Quăng, ném (từ cũ).
  5. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  6. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  7. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  8. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  9. Phu sắng-tẩy
    Phu chuyên việc san gạt than trong hầm chứa của tàu.
  10. Công việc san gạt than trong hầm chứa và than sàng thường phải có quen biết, móc nối mới có và phải chia chác nhiều, không dễ tới tay người cu li.
  11. Bò Đái, Lò Vôi: Hai địa danh có từ thời Pháp khai mỏ, vẫn còn dùng tới ngày nay.
  12. Vờ
    Còn gọi là con vờ vờ, con phù du, một loại côn trùng có cánh chỉ sống trong khoảng vài phút tới vài ngày sau khi đã trưởng thành và chết ngay sau giao phối và đẻ trứng xong. Điều đáng ngạc nhiên là ấu trùng vờ lại thường mất cả năm dài sống trong môi trường nước ngọt để có thể trưởng thành. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông hoặc trên mặt nước, bị các loài cá ăn thịt. Từ đó có thành ngữ "Xác như (xác) vờ, xơ như (xơ) nhộng" để chỉ sự rách nát, cùng kiệt.

    Con vờ

    Con vờ

  13. Thung
    Vùng đất rộng.
  14. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  15. Hoành Bồ
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

  16. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  17. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  18. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  19. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  20. Tức tàu hỏa.
  21. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  22. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  23. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  24. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  25. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  26. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  27. Một hàng nam, một hàng nữ.
  28. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  29. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  30. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  31. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  32. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  33. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  34. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  35. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  36. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  37. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  38. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  39. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  40. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  41. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  42. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  43. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  44. La voa
    Sổ nhật trình.
  45. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  46. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  47. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  48. Khoán
    Giao ước làm xong công việc mới được lấy tiền.
  49. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  50. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  51. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  52. Thừa Sủng – Đồng Mờm
    Địa danh nay là nơi tiếp giáp giữa hai huyện Yên Thành và Diễn Châu, nơi xảy ra trận đánh giữa nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn và quân Pháp vào năm 1886. Trận này nghĩa quân thắng lớn, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
  53. Nguyễn Xuân Ôn
    (1825 – 1889) Cũng gọi là Nghè Ôn, một vị quan nhà Nguyễn và thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ 19 trong phong trào Cần Vương.
  54. Cao Thắng
    (1864 – 1893) Quê xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương. Ông có công chế tạo súng cho nghĩa quân, gây ra tổn thất lớn cho thực dân Pháp. Tháng 11/1893, Cao Thắng hi sinh trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương) khi mới 29 tuổi.
  55. In đồ: Giống như in.
  56. Can trường
    Gan dạ, coi thường hiểm nguy.
  57. Tri Lễ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
  58. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  59. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  60. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  61. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  62. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  63. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  64. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  65. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  66. Cuốc chim
    Loại cuốc có lưỡi dài thẳng góc với cán thành hình chữ T, một đầu nhọn, một đầu to và bẹt, dùng để cuốc đất hay đá.

    Cuốc chim

  67. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  68. Đun
    Đẩy.
  69. Bách niên
    Trăm năm (từ Hán Việt). Ý nói thời gian lâu dài về sau.