Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
Có bông, có cuống, không cành
Ở trong có nụ, bốn vành có tua
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi
Tìm kiếm "cúng giỗ"
-
-
Tài trai đâu đáng tài trai
Tài trai đâu đáng tài trai
Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
Canh trước tướng hãy còn tiền
Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba … -
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Trai nam nhi lược ngà búi tóc
Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
Vui chơi xe lọ, ống tiêm
Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
Có phen vui thú lều tranh
Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
Chiếu bắt khom để mà che gió
Thế rồi mang xe lọ giăng ra
Nạo kì đến sái mười ba
Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
Trông người như cái ma trơi
Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
Hết thuốc chúng bạn hết thương
Vợ con cũng mất với nường phù dung! -
Cái cò là cái cò kì
Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
Đêm nằm thì ngáy o o
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
Hàng bánh hàng bún bày ra
Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
Ăn rồi cắp đít ra về
Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
Nói dối rằng mua cho chồng
Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
Đem tiền đi bói ông thầy
Bói ra quẻ này những chả cùng nem
Cô nàng nói dối đã quen
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?Dị bản
Con cò là con cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Về sau lấy cháu ông đồ
Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
Một bồ thì để phần làng
Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.
-
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Nam Định là chốn quê nhà
Nam Định là chốn quê nhà
Có ai về mộ cu li ra làm
Anh em cơm nắm rời Nam
Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
Cu li kể có hàng ngàn
Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
Từ nhớn chí bé không thừa một ai
Điểm rồi lại phải theo cai
Những cai đầu dài thúc giục ra đi
Ra ngay cà rạp tức thì
Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
Anh em bàn tán xôn xao
– “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
– Xô-pha tới bến đây rồi
Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
Xuống tàu chờ đợi đã lâu
Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
Cai dặn cứ xuống Xô-pha
Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
Hải Phòng hai sở song song
Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
Một ngày tàu đã tới ngay
Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường … -
Thân thiếp như cánh hoa đào
Thân thiếp như cánh hoa đào
Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
Bây giờ nhuỵ rữa hoa tàn
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng
Lắm quân quan nhộn nhà hàng
Lắm nơi lịch sự hơn chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi chàng nghĩ mà coi
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa … -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Ba bà đi chợ với nhau
Ba bà đi chợ với nhau
Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
Một bà đi sau tu tu lên khóc
Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt … -
Cái cuốc là cái cuốc đen
Cái cuốc là cái cuốc đen
Đôi vợ chồng trẻ đốt đèn ăn cơm
Ăn hết, xới xới đơm đơm
Ăn cho sạch sẽ lấy rơm mà chùi
Chồng giận chồng đánh ba dùi
Mẹ chồng chẳng chữa, lại xui đánh què:
“Đánh cho què quặt chân tay,
Hễ nó có khóc, thời mày bỏ tro!”
Bao giờ mẹ chồng ốm ho
Nàng dâu lấy thuốc đem cho mẹ chồng
Lấy những lông cú, lông cáo, lông công,
Lấy cà độc dược, cùng lông con mèo. -
Vè chửi Pháp và vua quan
Tổ cha thằng bố cu gồ
Làm cho tao phải dọn đồ xuống ao
Giường thờ thì ngâm xuống ao
Lại bắt ông vải chui vào bụi năn
Vợ chồng nói chuyện thì thầm
Đêm ngày cắp bị ra nằm cồn Me
Nằm thì lắng tai mà nghe
Nó đang đốt ở ngoài nghè Phú Vinh
Súng thì nó bắn ình ình
Mẹ con giật mình lại phải chạy xa
Sớm mai nó đốt Mỹ Đà
Cửa nhà tan nát, vại cà sạch không
Bấy giờ vợ mới biểu chồng
“Thôi thôi ta phải dốc lòng xin đi”
Chồng thì nó bắt cu li
Vợ thì mặt bủng da chì mà lo
Chẳng qua đến lúc mạt đồ
Nước Nam có đám sao cờ mọc ra
Triều đình bảy vía còn ba
Quân Tây vừa dọa đái ra đầy quần
Cho nên mới khổ đến dân
Tổ tiên cũng bị muôn phần lao đao. -
Làng ta phong cảnh hữu tình
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng già trẻ gái trai đua nghề
Mặt trời lặn mới ra về
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ, trên quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền thẳng ngay
Bây giờ gặp hội chẳng may
Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm
Khi thời gió bão ầm ầm
Đồng điền thóc lúa mười phần được ba
Lấy gì cung ứng can qua
Lấy gì lo việc trong nhà cho đương
Lấy gì sưu thuế phép thường
Lấy gì hỗ trợ cho đường làm ăn
Trời làm khổ cực hại dân
Vì mùa mất mát trăm phần lao đao -
Vè loài vật
Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua
Nghiến răng gọi mưa
Đúng là cụ cóc
Thích ngồi cắn chắt
Chuột nhắt, chuột đàn
Đan lưới dọc ngang
Anh em nhà nhện
Gọi kiểu tóc bện
Vợ chồng nhà sam … -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng … -
Vè ăn thịt chó
Nghe vẻ, nghe ve
Nghe vè thịt chó
Anh nào chịu khó
Thì đi mua tương
Cái việc tầm thường
Ai ai cũng biết
Muốn cho tươm tất
Đậu phộng, đậu nành
Củ sả, củ hành
Mua ba tiền bún
Một tiền rau húng … -
Rủ nhau đi gánh nước thuyền
-
Vè bài cào
Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
Anh em quí vị đồng bào
Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
Tới đây chẳng thiếu chi người,
Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
Dòm lên mấy cái trách trên giàn
Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le … -
Vè con gái làng Sấu
Con gái làng Sấu
Hay cấu hay cào
Cấu ra bờ rào
Cấu vào chuồng lợn
Nào ai có tợn
Lấy gái làng này?
Nó vác cả cày
Ra đồng nó cấu
Nó vác cả đấu
Ra đồng nó đong
Nó vác cả nong
Ra đồng nó quạt
Nó vác cả tháp
Ra đồng nó xây
Nó gói cả mây
Bỏ trong giỏ nó
Nó thắt khăn đỏ
Nó múa gươm thần … -
Mời chư vị giai nhân tài tử
Mời chư vị giai nhân tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
Coi như lễ Tết Tây trong dã
Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
Phí của nọ vui tình không tiếc
Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
Luật vui xuân ai cũng nên dùng
Có pháo mới đùng đùng là thú
Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
Đều xúm lại hàng này
Mua pháo nầy về đốt
Vốn tôi không nói tốt
Hay thiệt tình có một mình tôi
Nhiều người bán xảo làm mồi
Đốt đây khá về rồi dại dở
Có kẻ làm kêu cũng đỡ
Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
Của bán ra là biết bao nhiêu
Một mình vấn nên kêu đều đặn
Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
Như đại bác vang gầm trời đất
Hễ đốt thì xác tan bay mất
Không khi nào gió phất ngún hừng
Của tôi làm, tôi đã biết chừng
Xin quý chức mua đừng có ngại
Để đốt thử vài trái
Nghe có phải hay không
Đang buổi chợ mua đông
Tôi cũng trông bán đắt
Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
Xin bà con mua hắt tôi về
Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng… -
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri
Xẻo Sâu cau tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Muối khô ở Gảnh mặn nồng
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng
Bến Tre trai lịch, gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.
Chú thích
-
- Liễu
- Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Tử tôn do thử nhi sanh
- Con cháu từ chỗ ấy mà sinh ra.
-
- Tổ tôm
- Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.
-
- Xóc đĩa
- Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lọ hồ
- Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
-
- Cái
- Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
-
- Hoa hiên
- Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.
-
- Xe
- Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Sái
- Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.
Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.
-
- Ma trơi
- Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.
Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười
(Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Phù dung
- Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Nam Định
- Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Cai mộ
- Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
-
- Cà rạp
- Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
-
- Sauvage
- Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Hạ Lý
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Thê thiếp
- Thê là vợ cả, thiếp là vợ lẽ. Thê thiếp chỉ vợ nói chung.
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Rái
- Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
-
- Cú
- Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.
-
- Công
- Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.
-
- Cà độc dược
- Một loại cà có độc tính cao, dùng làm một vị thuốc Đông y, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức... Tuy nhiên, dùng cà độc dược quá liều lượng có thể gây hiện tượng ngộ độc, hôn mê, thậm chí tử vong.
-
- Ông vải
- Ông bà (từ Nôm cổ).
-
- Năn
- Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.
-
- Cồn Me
- Địa danh thuộc thôn Đông Lạc, xã Hoàng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Nghè
- Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.
-
- Phú Vinh
- Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Mỹ Đà
- Cũng gọi là làng Mỹ hay kẻ Mỹ, một làng thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này nay là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
-
- Vại
- Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mạt đồ
- Cùng đường (từ Hán Việt). Mạt: cuối cùng, ngọn. Đồ: Đường lối.
-
- Sao chổi
- Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.
Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.
-
- Ba hồn chín vía
- Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.
-
- Giang khúc
- Khúc sông quanh co.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Vụ năm
- Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
-
- Vụ mười
- Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
-
- Truân chuyên
- Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
-
- Dân họ
- Dân chúng.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Mực
- Mẫu mực, khuôn phép.
-
- Hội
- Lúc.
-
- Đồng điền
- Đồng ruộng.
-
- Đương
- Trọn vẹn, đầy đủ.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Phép thường
- Quy định thông thường.
-
- Hỗ trợ
- Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
-
- Lao đao
- Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Sam
- Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
-
- Lạc
- Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Sả
- Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bài cào
- Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
-
- Đồng bào
- Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
-
- Trách
- Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
-
- Đông Sấu
- Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
-
- Đấu
- Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
-
- Tài tử giai nhân
- Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
(Truyện Kiều)
-
- Thực vật
- Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
-
- Túc dụng
- Đủ dùng (từ Hán Việt).
-
- Cựu thời
- Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
-
- Bộc
- Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
-
- Nhi thinh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Xuân nhựt
- Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
-
- Ức
- Ham, muốn (từ cũ).
-
- Minh niên
- Năm nay (từ Hán Việt).
-
- Hỉ hạ
- Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
-
- Dã
- Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Điện Quang
- Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.
-
- Lôi đình
- Sấm sét (từ Hán Việt).
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tiêu xoay
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Ngún hừng
- Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
-
- Hắt
- Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
-
- Bến Tre
- Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.
-
- Sầu riêng
- Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.
-
- Măng cụt
- Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.
-
- Cái Mơn
- Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.
Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.
-
- Cồn Lợi
- Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
-
- Mỏ Cày
- Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
-
- Ba Lai
- Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng Trôm và Ba Tri.
-
- Chợ Giữa
- Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
-
- Mỹ Hòa
- Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
-
- Mắm
- Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.
-
- Bần
- Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...
-
- Phù sa
- (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.
-
- Bà Hiền
- Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
-
- Tân Thủy
- Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
-
- Sóc Sãi
- Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
-
- Ba Tri
- Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.
-
- Xẻo Sâu
- Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
-
- Thạnh Phong
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
-
- Gảnh
- Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
-
- Giồng Trôm
- Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
-
- Phong Nẫm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.