Một lo con nít trắng răng
Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
Ba lo thầy bói té nhào
Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
Năm lo thợ đúc méo khuôn
Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
Bảy lo bà chúa chửa hoang
Tám lo trai làng không vợ chạy rông
Chín lo trong ngục không gông
Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma
Tìm kiếm "trăng tháng mười"
-
-
Ngày xửa ngày xưa
Ngày xửa ngày xưa
Có mẹ bán dưa
Bả cưa cái cẳng
Bả nắn cái nồi
Bả nhồi cục bột
Bả lột miếng da
Bả ca vọng cổ
Bả nhổ cây bông
Bả trồng cây chuối
Bả muối con cá
Bả đá trái banh
Bả sanh thằng nhỏ
Cái đầu đỏ đỏ
Cái đít đen đenDị bản
Ngày xửa ngày xưa
Có con mụ bán dưa
Bả cưa cái cẳng
Bả nắn cái nồi
Bả nhồi cục bột
Bả lột miếng da
Bả ca vọng cổ
Bả nhổ cây bông
Bả trồng cây chuối
Bả muối con cá
Bả đá con chó
Bả đẻ thằng nhỏ
Cái đầu đỏ đỏ
Cái đít vàng khè
-
Trông trăng, trăng lặn về tây
Trông trăng, trăng lặn về tây
Trông anh, anh lại về ngay ngõ người
Thầy mẹ anh bán mấy mươi
Mà anh đi ở cho người quanh năm? -
Trông trời cho đến tháng mười
-
Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu
Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm
Cha mẹ nàng đòi đi một trăm
Anh đi chín chục mười lăm quan nòi
Trong hộp có đôi bông tai
Đem xuống thợ bạc đổ hai đôi vòng
Anh thương em phải nói cho xong
Kẻo bún em nguội kẻo lòng em thiu
Lòng em thiu đem về hòa giấm
Cau lòng tôm chẻ tấm phơi khô
Đố em giỏi dám lấy chồng mô
Lại đây qua kể công đồ cho mà nghe.Dị bản
-
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Giấn vốn chỉ có ba đồng
Giấn vốn chỉ có ba đồng
Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
Còn thừa mua cái bình vôi
Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
Còn thờ mua khám thờ trời
Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyềnDị bản
Lưng vốn chỉ có mười đồng
Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
Còn thừa mua cái bình vôi
Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
Để chàng tùy thích, thảnh thơi
Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng
-
Đất Đồng Môn dệt vải
Đất Đồng Môn dệt vải,
Đất Cổ Đạm vắt nồi,
Bố Chính vắt bình vôi
Đất Xuân Liệu bầy tui
Ra bắt nạm cáy hôi
Về đâm đâm, phơi phơi.
Tay tui múc miệng mời,
Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
Ngon bằng năm ruốc họ,
Ngon bằng mười ruốc họDị bản
Đất Đồng Môn dệt vải,
Đất Cổ Đạm vắt nồi,
Còn Thạch Hạ bầy tui
Bắt một nạm cáy hôi
Về đâm đâm phơi phơi
Đem lên chợ tỉnh ngồi
Tay mút miệng thì mời
Ngon ngon lắm người ơi
Ngon bằng năm ruốc bể
Ngọt bằng mười ruốc bểĐất Văn Tràng chạy cá
Đất Trung Hạ đết vôi
Đất Kỳ Thọ bầy tui
Bắt ba nạm cáy hôi
Về đâm đâm phơi phơi
Đưa ra trửa chợ mà ngồi
Ruốc tui ngon lắm mệ ơi
Ngon bằng năm ruốc bể
Ngon bằng mười ruốc bể
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Sáng trăng vằng vặc
Sáng trăng vằng vặc
Vác cặc đi chơi
Gặp con vịt trời
Giương cung định bắn
Gặp cô yếm thắm
Đội gạo lên chùa
Giơ tay bóp vú
Khoan khoan tay chú
Đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi
Ngày mai mồng một
Để tôi đội gạo
Lên chùa cúng Bụt
Bụt ngoảnh mặt đi
Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
“Của tam bảo, để làm gì chẳng bóp.” -
Một giờ ra ngõ ngó trông
Một giờ ra ngõ ngó trông
Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
Hai giờ ra đứng đầu làng
Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
Ba giờ giả chước đi chơi
Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
Bốn giờ gió ủ mây che
Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
Năm giờ dời gót về nhà
Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
Sáu giờ đèn hạt lưu ly
Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
Bảy giờ dọn dẹp trong giường
Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
Tám giờ tim lửng, dầu hao
Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
Chín giờ nghĩ giận phận mình
Trách răng căn số của mình mần ri
Mười giờ còn biết nói chi
Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
Mười một giờ mây lạc trăng chênh
Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai. -
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Nhớ khi rộn rịp bến tàu
-
Đất Thần kinh trai hiền gái lịch
Đất Thần Kinh trai hiền gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng
Tháp bảy tầng, miếu Thánh, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Toà
Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái bìnhDị bản
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái bình
-
Vè Cần vương
Vâng lời troàn ngươn soái
Mình đeo ấn Tổng nhung
Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
Mặt phải trái coi qua thời biết
Mình là con trong đất Việt
Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
Mà ham di địch tước quyền
Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
Chớ bắt chước những loài quân dậu
A dua hùa lưng lớn thờ chồn
Đừng bày theo những đảng ác côn … -
Vè cầu Doumer
Cầu sắt mà bắc ngang sông
Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
Hà Nội bắc sang Gia Lâm
Tính cây lô mét độ năm cây tròn
Họa hình Tây bắc ống nhòm
Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
Giở về hội nghị cộng đồng
Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
Mộ phu khắp cả đâu đâu
Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
Bắc qua con sông Nhị Hà
Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
Lập mưu xây được bây giờ
Chế ra cái chụp để mà bơm lên
Bơm hết nước đến bùn đen
Người chết như rạ vẫn phải len mình vào … -
Ông chết thì thiệt thân ông
Ông chết thì thiệt thân ông
Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai
Bà chết thì thiệt thân bà
Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầuDị bản
-
Tai ta nghe tiếng bạn có đôi
-
Gạo chợ một tiền mười thưng
-
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
Chín thương em ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai. -
Bắt ông Tơ mà cho ba đấm
Chú thích
-
- Mang
- Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
-
- Gông xiềng
- Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Vãi
- Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Giấn
- Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
-
- Bình vôi
- Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.
-
- Xanh
- Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Vuông
- Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
-
- Vóc
- Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
-
- Khám
- Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.
-
- Đồng Môn
- Địa danh xưa là một xã thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Cổ Đạm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...
-
- Bố Chính
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bố Chính, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bầy tui
- Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Nạm
- Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
-
- Thạch Hạ
- Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Văn Tràng
- Mộ làng thuộc xóm Bắc Hải xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Chạy cá
- Buôn bán cá.
-
- Trung Hạ
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
-
- Đết
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kỳ Thọ
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Mệ
- Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Thích Ca
- Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
-
- Tam bảo
- Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Của chùa thường được gọi là của tam bảo.
-
- Giả chước
- Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
-
- Đèn lưu ly
- Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.
-
- Tim
- Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Căn số
- Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
-
- Mần ri
- Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tước
- Chim sẻ (từ Hán Việt).
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Thăng Bình
- Tên một huyện ven biển ở phía Đông tỉnh Quảng Nam, huyện lỵ là thị trấn Hà Lam. Thời nhà Nguyễn, Thăng Bình là một phủ thuộc Dinh Quảng Nam. Huyện nổi tiếng với đặc sản khoai lang Trà Đỏa.
-
- Duy Xuyên
- Tên một huyện nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, có truyền thống hiếu học. Nơi đây có hai thắng tích nổi tiếng là thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu.
-
- Bánh đập
- Cũng gọi là bánh dập hay bánh chập tùy theo vùng, một loại bánh phổ biến ở miền Trung. Bánh gồm một miếng bánh ướt ghép với một miếng bánh tráng nướng, xong đập nhẹ để bánh tráng nướng vỡ vụn dính chặt vào bánh ướt. Bánh đập có thể ăn riêng với mắm nêm hoặc ăn kèm với rau sống, thịt nướng...
-
- Hòa Vang
- Địa danh nay là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng nhờ các địa điểm du lịch sinh thái như Bà Nà - núi Chúa, Suối Mơ...
-
- Điện Bàn
- Tên một thị xã đồng bằng ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng các làng nghề truyền thống như đúc đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, dệt chiếu, mì Quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, khu du lịch Bồ Bồ, tháp Bằng An...
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Tháp Phước Duyên
- Ngọn tháp nằm trong quần thể thắng tích cố đô Huế, là biểu tượng nổi tiếng gắn với chùa Thiên Mụ, nên còn được gọi là tháp Thiên Mụ hay tháp Linh Mụ. Tháp được xây năm 1844, cao 21m, có bảy tầng, tám mặt, chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ.
-
- Văn Thánh
- Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.
-
- Chùa Thuận Hóa
- Xưa tên chùa Ông, thờ Quan Công, nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ (thực ra là một công trình phụ của chùa Thiên Mụ). Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được dời về gần chùa Diệu Đế, sau được đổi tên thành chùa Thuận Hóa và thờ thêm Phật.
-
- Diệu Đế
- Tên một ngôi chùa nằm bên bờ sông Đông Ba, nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên cảnh quan rất đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 triều đình Huế cho tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự.
-
- Viện cơ mật
- Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.
-
- Cầu Tràng Tiền
- Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.
-
- Nhịp cầu
- Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
-
- Cồn Hến
- Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.
-
- Cồn Dã Viên
- Cũng gọi là cồn Giã Viên, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.
-
- Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
- Đầy đủ là "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ," nghĩa là bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng, phía trước có chim sẻ đỏ (phượng hoàng), phía sau có rùa đen. Đây là một khái niệm về địa thế đẹp trong phong thủy, đồng thời cũng thường gặp trong các công trình điêu khắc có ý nghĩa tâm linh.
-
- Âu ca
- Cùng ca hát vui vẻ (từ chữ Hán: âu 謳 nghĩa là cùng cất tiếng, và ca 歌 là hát, ngâm).
-
- Troàn
- Truyền.
-
- Ngươn soái
- Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tổng nhung
- Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Sanh sản
- Sinh sản.
-
- Thổ Phồn
- Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
-
- Di địch
- Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
-
- Ác côn
- Đứa vô lại, hung dữ.
-
- Cầu Long Biên
- Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.
-
- Tỉnh Hà Nội
- Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
-
- Gia Lâm
- Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
-
- Cây lô mét
- Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
-
- Mộ phu
- Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
-
- Ái Mộ
- Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Rạ
- Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.
-
- Ba năm hai mươi bảy tháng
- Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.
-
- Quần áo cổ y
- Trang phục của nam giới, áo khá dài, cổ đứng hơi cao, có lẽ cũng từ miền Bắc du nhập (Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh - Nguyễn Đổng Chi chủ biên).
-
- Mười hai bến nước
- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần.”
Mười hai bến nước, một con thuyền
Tình tự xa xôi, đố vẽ nên!
(Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)
-
- Tiền
- Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
-
- Thưng
- Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).
-
- Huyền
- Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.
-
- Răng đen
- Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:
"Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."
-
- Áo yếm đeo bùa
- Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
-
- Nón quai thao
- Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Hèo
- Một loại cây thuộc họ cau, thân thẳng có nhiều đốt, thường dùng làm gậy. Gậy làm bằng thân cây hèo cũng được gọi là hèo.