Tìm kiếm "hôm qua"

  • Khen ai khéo đặt cái nghèo

    Khen ai khéo đặt cái nghèo
    Kém ăn kém mặc, kém điều khôn ngoan
    Bây giờ chẳng có bạn vàng
    Cho nên đổ cả khôn ngoan cho người
    Nhà giàu nói một hay mười
    Nhà khó nói chẳng được lời nào khôn
    Nhà nghèo như giỏ thủng trôn
    Nhà giàu như bạc bỏ hòm xưa nay
    Nghèo đâu nghèo mãi thế này
    Mất chúng mất bạn vì nay tội nghèo
    Bốn bề công nợ eo xèo
    Chỉ vì một nỗi tội nghèo mà thôi
    Tôi làm, tôi chẳng có chơi
    Nghèo sao nghèo mãi, trời ơi hỡi trời

  • Miếng trầu là miếng trầu cay

    Miếng trầu là miếng trầu cay
    Làm cho bể ái khi đầy khi vơi
    Miếng trầu têm để trên cơi
    Nắp vàng đậy lại đợi người tri âm
    Miếng trầu kèm bức thư cầm
    Chờ cho thấy khách tri âm sẽ chào
    Miếng trầu têm để trên cao
    Chờ cho thấy khách má đào mới cam
    Miếng trầu têm ở bên nam
    Mang sang bên bắc mời chàng hôm nay
    Miếng trầu xanh rõ như mây
    Hạt cau đỏ ối như dây tơ hồng
    Miếng trầu như trúc như thông
    Như hoa mới nở như rồng mới thêu

  • Trời xanh đất đỏ mây vàng

    Trời xanh đất đỏ mây vàng
    Anh đi thơ thẩn gặp nàng thẩn thơ
    Bấy lâu loan đợi phượng chờ
    Loan sầu phượng ủ biết cơ hội nào
    Mong chờ rồng cá kết giao
    Thề nguyền đông liễu tây đào phòng chung
    Bây giờ kể đã mấy đông
    Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai
    Còn non còn nước còn dài
    Còn về còn nhớ tới người hôm nay
    Tìm rồng mà lại gặp mây
    Sầu riêng năm ngoái năm nay hãy còn
    Biết nhau ba bảy năm tròn
    Như sông một dải ai còn dám hay
    Lại đây em hỏi câu này:
    Phượng hoàng đứng đấy, nào cây ngô đồng?
    Thuyền quyên sớm biết anh hùng
    Liễu tây vắng vẻ đào đông đợi chờ
    Ra vào mấy lúc ngẩn ngơ
    Nghĩ gần sao lại bây giờ nên xa
    Mong cho bướm ở gần hoa
    Muốn cho sum họp một nhà trúc mai

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

  • Tiếc thay trong giá trắng ngần

    Tiếc thay trong giá trắng ngần,
    Lỗi thì nên phải đem thân bùn lầy.
    Sá chi mặt nước chân mày,
    Thân sao thân khéo đọa đầy mấy thân.
    Phận bồ lắm nỗi gian truân,
    Khiến cho chẳng vẹn mười phần như ai.
    Tiếc người da trắng tóc dài,
    Tiếc người thục nữ hôm mai tự tình.

  • Nhà tôi mượn lấy trời che

    Nhà tôi mượn lấy trời che
    Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
    Tiền của ở tại nhà giàu
    Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
    Nằm thời lấy đất làm giường
    Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
    Xâu làng bắt xuống trì lên
    Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
    Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
    Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
    Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
    Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều

  • Bữa rày mồng tám tháng ba

    Bữa rày mồng tám tháng ba
    Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
    Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
    Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
    Vợ này là vợ chính thê
    Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
    Giỗ này hết khó, hết thương
    Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
    Hết buồn rồi lại sang vui
    Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
    Nhất tuần mời, nhị tuần mời
    Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
    Bây giờ tôi được, anh thua
    Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
    Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
    Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
    Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
    Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!

  • Đi ra gặp chị, đi vô gặp chị

    Đi ra gặp chị, đi vô gặp chị
    Thiên hạ đồn mị, tôi với chị là vợ với chồng
    Ngó lên mây trắng trời hồng,
    Ngẫm tôi với chị vợ chồng xứng đôi

    Dị bản

    • Tui đi lên tui gặp chị
      Tui đi xuống, tui cũng gặp chị
      Người ta đồn mộng đồn mị
      Đồn chị với tui là hai vợ chồng
      Hôm nay gặp giữa chợ đông
      Kéo tay chị lại, tui hỏi: bây giờ tính sao?

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

Chú thích

  1. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  2. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  3. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  4. Bể ái
    Biển tình. Chỉ tình yêu thương chứa chan như biển.
  5. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  6. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  7. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  8. Má đào
    Má hồng, chỉ người phụ nữ đẹp.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
    (Truyện Kiều)

  9. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  10. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  11. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  12. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  13. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  14. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  15. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  17. Phận bồ
    Phận bồ liễu, chỉ thân phận người con gái.
  18. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  19. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  20. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  21. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  22. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Húy nhật
    Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
  25. Chính thê
    Vợ chính, vợ cả.
  26. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  27. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  28. Tiết phu tiết phụ
    Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
  29. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  30. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  31. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  32. Ở hướng nam thì về hướng nam, ở hướng tây thì về hướng tây.
  33. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  35. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  37. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  38. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  39. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  40. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.