Đêm năm canh không ngủ, dậy ngồi,
Cớ sao trong dạ bồi hồi chuyện chi?
Đau lòng ta lắm, hỡi nữ nhi
Thếp dầu đầy, anh thắp hết, bày ly, anh than hoài!
Quên đi thì chớ, nhớ lại khó nổi nguôi ngoai,
Tự xưa cho đến rày cách trở đợi trông,
E cho nàng có chốn ba đông,
Có nơi kết tóc, không trông đến phận chàng,
Đêm nằm khô héo lá gan,
Thếp dầu đầy anh thắp hết, cháy tàn bày ly.
Kể từ ngày em chịu chữ tùng quy,
Chàng Hồ thiếp Hán tài chi không buồn rầu!
Chiều chiều ra đứng soi dâu,
Nghe con chim nó kêu dìu dắc, dạ anh sầu bấy nhiêu.
Tìm kiếm "Thập điện"
-
-
Trai ngay vì chúa
-
Nhất chờ, nhì đợi, tam mong
-
Thuyền anh đà đến bến anh ơi
-
Em có chồng rồi, em dặn chồng đừng sợ
Em có chồng rồi, em dặn chồng đừng sợ
Anh có vợ rồi, anh dặn vợ đừng ghen.
Mình gặp nhau đây mình gá nghĩa làm quen,
Chơi đâu bỏ đó, anh dễ thắp đèn hai tim. -
Chiều chiều ông Ngự ra câu
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước nonDị bản
-
Đôi ta như ruộng năm sào
Đôi ta như ruộng năm sào
Cách bờ ở giữa làm sao cho liền?
Đôi ta như thể đồng tiền
Đồng sấp đồng ngửa đồng nghiêng đồng nằm
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
Đôi ta như thể con ong
Con quấn con quýt con trong con ngoài
Đôi ta như thể con bài
Đã quyết thì đánh đừng nài thấp cao
Đôi ta như đá với dao
Năng liếc năng sắc năng chào năng quen -
Vè loài vật
Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua
Nghiến răng gọi mưa
Đúng là cụ cóc
Thích ngồi cắn chắt
Chuột nhắt, chuột đàn
Đan lưới dọc ngang
Anh em nhà nhện
Gọi kiểu tóc bện
Vợ chồng nhà sam … -
Chém cha tục lệ bất công
Chém cha tục lệ bất công
Lấy vợ, lấy chồng thì ở mẹ cha
Người con chẳng dám nói ra
Cha mẹ ép gả thật là khổ đau
Người giàu thì lại lấy giàu
Chúng ta khổ cực có đâu dám vời
Nào là lễ lạt khắp nơi
Tuần kia, tiết nọ nhờ người nói năng
Nào là tiền chục bạc trăm
Cỗ bàn ăn uống ì ầm đôi bên
Thắp hương mặc cả số tiền
Hoặc nhiều hoặc ít phải liền đủ ngay
Làm cho người rể đắng cay
Nhờ người khất hộ chịu thay mới đành -
Giàu thì thịt cá cơm canh
Giàu thì thịt cá cơm canh
Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
Để cho người khác cầm quyền thê nhi
Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ ràyDị bản
Giàu thì thịt cá cơm canh
Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
Để cho người khác cầm quyền thê nhi
Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!
-
Anh như tấm vóc đại hồng
Anh như tấm vóc đại hồng
Em như chỉ thắm thêu rồng nên chăng?
Nhất chờ, nhì đợi, tam mong
Tứ thương, ngũ nhớ, lục, thất, bát mong, cửu thập tìm
Em thương ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Tối hôm qua vật đổi, sao dời
Tiếc công gắn bó, tiếc lời giao đoan
Thề xưa đã lỗi muôn vàn
Mảnh gương còn đó, phím đàn còn đây
Trót vì đàn đã bén dây
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
Chén son nguyện với trăng già
Càn khôn đưa lại một nhà vui chung. -
Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông
Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
Nữa mai bóng quế dãi thềm
Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
Chân đi thất thểu lời anh dặn dò -
Lặng nghe kể ngược
Lặng nghe kể ngược
Hươu đẻ dưới nước
Cá ở trên núi
Đựng phân bằng túi
Đựng trầu bằng gơ
Bể thì có bờ
Ruộng thì lai láng
Hàng xẩm thì sáng
Tối mịt thì đèn
Hũ miệng thì kèn
Loa miệng thì lọ
Cân cấn thì to
Con voi bé tí … -
Cheo leo nước đỉnh non Bồng
Cheo leo nước đỉnh non Bồng
Kìa am Vũ Khách, nọ vùng Mao Tiên
Bởi thấy thuyền quyên, khiến cho anh rầu rĩ
A, thôi đi nà, bực lắm nà, da diết lắm nà
Nuốt ức xong cái chung tình từ xưa cho đến nay
Kìa kìa, ngọn đèn ai thắp hướng tây
Một ngọn đèn chong
Hai ngọn đèn chong
Ba bốn ngọn đèn chong
Ngó vào trong lặng phắt ngó ngoài này xơ rơ
Tình bằng thì giữ trong cái ba ta
Lo bề quân lính kẻo mà nát lưng. -
Đôi cô vác gậy chòi đào
-
Mồng năm chợ Ó
Mồng năm chợ Ó
Quan họ dồn về
Hội vui lắm lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Trầu chửa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành, miếng sổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy
Các anh đứng đấy
Thầy mẹ đứng đâu?
Mời lại xơi trầu
Mừng cho dâu mới
Mặt trời đã tối
Đám hội đã tàn
Ai có hồng nhan
Mang ra chơi hội
Dưới sông múa rối
Trên bãi trồng vừng
Một đấu, một thưng
Bằng nhau như tiện
Như tiện như tề
Kẻo thế gian chê
Chồng cao vợ thấp! -
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về … -
Vè loài cá
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
Đủ chữ xứng câu là con cá đối
Nở mai tàn tối là con cá hoa
Xuống nước bệu da là cá úc thịt
Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong là con cá nhái
Thiệt như lời vái là con cá linh
Từ miệng nhái in là con cá cóc
Răng phơi khô khốc là con cá hô
Gặp sự ái ố là con cá hố
Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
Lội ngược lên hoài là con cá lóc
Thắp đèn coi sách là cá học Trò
Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
Cái mình dẹp lép là con cá kình
Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
Chân đi chí áo là con cá Còm
… -
Vè bánh trái (II)
Bánh đứng đầu vè
Ðó là bánh tổ
Cái mặt nhiều lỗ
Là bánh tàn ong
Ðể nó không đồng
Ðó là bánh tráng
Ngồi lại đầy ván
Nó là bánh quy
Sai không chịu đi
Ðó là bánh bàng
Trên đỏ dưới vàng
Là bánh da lợn
Mây kéo dờn dợn
Là bánh da trời
Ăn không dám mời
Nó là bánh ít
Băng rừng băng rít
Ðó là bánh men
Thấy mặt là khen
Nó là xôi vị
Nhiều nhân nhiều nhị
Là bánh trung thu … -
Gặp anh, em đố mấy lời
Gặp anh, em đố mấy lời
Gì cao hơn núi gì dài hơn sông?
Cái gì ăn lại no lòng
Cái gì hồng hồng ăn lại đỏ môi?
Cái gì hay ngáp hay ngồi?
Cái gì cầm quạt đứng chơi vỗ đầu?
Cái gì mà nhỏ như sâu?
Cái gì đội đầu, gì lại kéo quân?
Cái gì ngái lại nên ngưn?
Cái gì rất gần mà lại nên xa?
Cái gì có quả không hoa?
Cái gì lắm cánh nở ra đầy cành?
Cái gì mà lại có bành?
Cái gì một mình mà lại có ang?
Cái gì mà lắm quân quan?
Cái gì nên đàn, gì lại nên say?
Cái gì ăn với trầu cay?
Cái gì thấp thoáng đợi ngày xe duyên? …
Chú thích
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Tùng quy
- Theo về (từ Hán Việt).
-
- Kẻ Hán người Hồ
- Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.
Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.
-
- Dìu dắc
- Réo rắt.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Noi
- Đi (từ cổ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Vời
- Khoảng giữa sông.
-
- Phu Văn Lâu
- Một tòa lầu nằm trong khu di tích Hoàng thành Huế, nằm ở mặt Nam của hoàng thành và sát bờ sông Hương. Thời nhà Nguyễn đây là nơi trưng bày văn thư và niêm yết những chỉ dụ của triều đình.
-
- Hò mái đẩy
- Một trong những làn điệu dân ca phổ biến ở vùng Thừa Thiên - Huế, thường được hò những khi thuyền chở nặng hoặc phải vượt qua thiên tai, địa hình hiểm trở. Người chèo thuyền thường phải làm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra phải ra sức đẩy mạnh tay chèo, nên loại hò này thường ngắn, nhịp điệu mạnh mẽ, chắc nịch. Nội dung hò mái đẩy thường là châm chọc, chế giễu lẫn nhau.
-
- Ve
- Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
-
- Có ý kiến cho rằng bài này chỉ phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua Duy Tân để tìm đường cứu nước. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua Duy Tân mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, một con sông chảy từ Tây sang Đông kinh thành Huế, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch.
-
- Sào
- Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Năng
- Hay, thường, nhiều lần.
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Sam
- Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."
-
- Thê nhi
- Vợ con (từ Hán Việt).
-
- Thần vì
- Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Vóc đại hồng
- Một loại vóc quý.
-
- Giao đoan
- Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Càn khôn
- Cũng nói là kiền khôn, từ hai quẻ bát quái kiền 乾 chỉ trời và khôn 坤 chỉ đất. Chỉ trời đất.
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi
(Khóc ông Phủ Vĩnh Tường - Hồ Xuân Hương)
-
- Trẩy
- Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Đồng lần
- Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
-
- Quân thân
- Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Gơ
- Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
-
- Xẩm
- Tối, mờ quáng.
-
- Cá hồng cam
- Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.
-
- Núi Bồng Lai
- Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.
-
- Vũ Khách và Mao Tiên là hai cái tên chỉ bậc thần tiên được ghi lại trong truyện về Dương Không Lộ (Thiền sư Không Lộ) trong Lĩnh Nam Chích Quái - có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam" (có sách chép là Lĩnh Nam trích quái). Bộ sách này là tập hợp các truyền thuyết và chuyện cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần (1226 - 1400). Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về tác giả.
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Xơ rơ
- Xơ xác, trơ trụi (phương ngữ miền Trung).
-
- Chòi
- Với lên cao.
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Oản
- Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.
-
- Xuân Ổ
- Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
-
- Quan họ
- Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...
Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Đấu
- Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
-
- Thưng
- Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).
-
- Tiện
- Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
-
- Tề
- Cắt bớt.
-
- Mạ
- Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
-
- Phỉ dạ
- Thỏa lòng, thỏa mãn.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá bạc đầu
- Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Kích
- Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Hình dong
- Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá linh
- Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.
-
- Cá cóc
- Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.
-
- Cá hô
- Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá kình
- Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Bánh tổ
- Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.
-
- Bánh kẹp
- Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh da lợn
- Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.
-
- Bánh da trời
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh men
- Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.
-
- Xa ngái
- Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Ngưn
- Gần.
-
- Bành
- Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.
-
- Ang
- Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.