Những bài ca dao - tục ngữ về "canh giờ":

  • Đêm năm canh không ngủ, dậy ngồi

    Đêm năm canh không ngủ, dậy ngồi,
    Cớ sao trong dạ bồi hồi chuyện chi?
    Đau lòng ta lắm, hỡi nữ nhi
    Thếp dầu đầy, anh thắp hết, bày ly, anh than hoài!
    Quên đi thì chớ, nhớ lại khó nổi nguôi ngoai,
    Tự xưa cho đến rày cách trở đợi trông,
    E cho nàng có chốn ba đông,
    Có nơi kết tóc, không trông đến phận chàng,
    Đêm nằm khô héo lá gan,
    Thếp dầu đầy anh thắp hết, cháy tàn bày ly.
    Kể từ ngày em chịu chữ tùng quy,
    Chàng Hồ thiếp Hán tài chi không buồn rầu!
    Chiều chiều ra đứng soi dâu,
    Nghe con chim nó kêu dìu dắc, dạ anh sầu bấy nhiêu.

Chú thích

  1. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  2. Tùng quy
    Theo về (từ Hán Việt).
  3. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  4. Dìu dắc
    Réo rắt.