Tiếc cái vòng vàng đeo cho con vượn hót
Tiếc cái kính sáng đeo cho người mù
Tiếc công em trang điểm mấy thu
Bưng trầu ra ngoài bãi bạn chối từ không ăn
Tìm kiếm "từ trần"
-
-
Nước đường mà đựng chậu thau
Nước đường mà đựng chậu thau
Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài
Tiếc thay da trắng tóc dài
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu.
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nặng mình.Dị bản
-
Lấy chồng ghiền bằng ông tiên nho nhỏ
-
Ơn Phật ơn trời
Ơn Phật, nhờ trời
Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
Anh Cả nhàn thật là nhàn
Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
Anh Hai vặn chão đánh thừng
Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
Anh Tư bắt ếch, mình ơi
Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
Anh Sáu đánh giậm dưới sông
Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
Anh Tám vác gạo trên ga
Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
Còn anh là út thanh tân
Có nghe anh kể, lại gần mà nghe -
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
Đến đây trời khiến đem lòng thương em
Nhớ em tưởng bóng ngày đêm
Nhớ răng em trắng má em đỏ hồng
Nhớ em vắng vẻ cô phòng
Một mình vò võ đêm đông lạnh lùng
Nhớ em lụy nhỏ ròng ròng
Xe duyên chửa đặng đau lòng trời ơi
Chỉ còn đêm nữa mà thôi
Giã từ em ở lại, anh hồi cố hương. -
Một thương hơ hớ tuổi xuân
Một thương hơ hớ tuổi xuân
Hai thương yểu điệu tay chưn dịu dàng
Ba thương đẹp đẽ dung nhan
Bốn thương phong thái đoan trang khác vời
Năm thương dáng đứng vẻ ngồi
Sáu thương đôi mắt sáng ngời long lanh
Bảy thương chiếc mũi thanh thanh
Tám thương miệng nói hữu tình có duyên
Chín thương má núng đồng tiền
Mười thương tư cách dịu hiền nết na -
Một mừng Tần Tấn gặp nhau
Một mừng Tần Tấn gặp nhau,
Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà
Ba mừng vui vẻ giao hòa
Bốn mừng đây đó trước xa sau gần
Năm mừng đi lại ân cần
Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng
Bảy mừng nên đạo cương thường
Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung
Chín mừng tiếp khách non bồng,
Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây -
Khó thay công việc nhà quê
Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no. -
Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra
Đàn bà như hạt mưa sa
Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn
Tháng năm tháng sáu trong trận mưa cơn
Bước sang tháng bảy rợp rờn mưa ngâu
Thương thay cho vợ chồng Ngâu
Cả năm chỉ mới gặp nhau một lần
Nữa là ta ở dưới trần
Cũng mong kết nghĩa Tấn Tần cùng nhau
Nữa là mưa nắng dãi dầu
Cũng mong cho vợ chồng Ngâu hợp hòa
Gặp nhau từ ngày mồng ba
Đến ngày mồng bảy là ra bơ phờ
Đã đành kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời
Mưa thì em đã họa rồi
Nắng đâu anh họa một bài cùng nghe -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Con kì đà len lỏi giếng khơi
Con kì đà len lỏi giếng khơi
Sơn lâm rầu rĩ, giọt đồng hồ sang canh
Em như tố nữ trong tranh
Anh như thuyền ván lên ghềnh được chăng?
Con nước lên, con nước đã cầm chừng?
Em về thăm thầy, thăm mẹ, xin đừng quên anh
Anh nói đây, chốn cũ cũng đành
Tiếc công từ đấy chẳng thành thì thôi
Hai bên sông, bên lở bên bồi
Thấy người chuyện đứng, chuyện ngồi cùng ai?
Còn trẻ trung xin phải dặn dò -
Ngó lên dốc Một, chùa Lầu
Ngó lên dốc Một, chùa Lầu,
Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân
Kể từ qua lại mấy lần,
Nào ai khỏa lấp sông Ngân, suối Vàng.
Gẫm trong kim cổ kì quan,
Bướm vô vườn liễu, hoa tàn vì ai?
Nhìn xem nguyệt xế non Đoài,
Bóng trăng mờ lợt không ai nương cùng.
Xưa rày nhân nghĩa bập bùng,
Xuống lên không đặng tỏ cùng anh hay.
Mưu kia, kế nọ ai bày,
Làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa. -
Ước gì anh lấy được nàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
Ông sấm ông sét đi đầu
Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
Cầu vồng, mống cái bày lên
Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
Trăng vàng sao bạc bốn bề
Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
Nàng thời má đỏ hây hây
Ước gì anh được đón ngay nàng về -
Hỡi cô gánh nước quang mây
Hỡi cô gánh nước quang mây,
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng.
Cây ngô đồng cành cao cành thấp,
Ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang.
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng,
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng.
Từ ngày anh gặp mặt nàng,
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ.Dị bản
Hỡi cô gánh nước quang mây,
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng.
Cây ngô đồng không trồng mà mọc,
Ngọn ngô đồng cành dọc cành ngang.
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng,
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng.
Từ ngày anh gặp mặt nàng,
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ.
-
Nhà em không hiếm chi hoa
Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
Cây lê, cây lựu, cây tùng
Ba bốn cây đứng đó tứ tung một vườn
Sau hè có đám hành hương
Trong nhà có mấy cái rương đựng đồ
Đựng thời chén sứ, dĩa, tô
Gạo lúa nhe giã trắng nấu nồi đồng mắt cua
Bữa ăn chả lụa, nem chua
Đũa mun bịt bạc, có thua chỗ nào? -
Vè con dao
Nhà anh bất phú bất bần
Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
Con dao anh rày
Dài vừa năm tấc
Khi mài đã sắc
Phá lở rú rừng hoang
Cũng biện đủ cỗ cho làng
Cũng no ngày đủ tháng.
Đèn có khêu mới rạng
Ngọc bất trác bất thành
Ngẫm như con dao anh
Nội trần gian không ai có
Nội dưới trời không ai có … -
Lạ lùng bắt gặp chàng đây
– Lạ lùng bắt gặp chàng đây
Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
Nếu mà anh giảng cho ra,
Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
Cái gì trong trắng ngoài xanh,
Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
Cái gì năm đợi tháng chờ,
Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
Cái gì mà đổ vào xanh,
Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
Cái gì trong héo ngoài tươi,
Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
Cái gì chung chiếu chung chăn,
Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
Cái gì nó bé nó cay,
Cái gì nó bé nó hay cậy quyền? … -
Mình rằng mình quyết lấy ta
Mình rằng mình quyết lấy ta
Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
Hăm ba nay đã đến ngày
Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
Tháng giêng năm mới chưa nên
Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
Tháng hai có đỗ có khoai
Ta lại vật nài cho đến tháng tư
Tháng tư ngày chẵn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu -
Nhà anh thật khó, không giàu
Nhà anh thật khó, không giàu
Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
Nồi đất anh treo tứ phương
Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
Không tin, em về mà coi
Chả rồi em bảo là người nói ngoa
Nhà anh có một vườn hoa
Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
Trong nhà sập gụ mới tinh
Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!Dị bản
Anh đây thật khó, không giàu,
Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Trời làm một trận mưa tuôn,
Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.
-
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng,
Biết nhau thương lấy nhau cùng ai ơi.
Tiếc công trước đã nặng nhời,
Tiếc công gắn bó mấy người đã lâu.
Tiếc công tình tự với nhau,
Tiếc công đi lại trước sau bấy giờ.
Tiếc công đắp đập be bờ,
Để cho người khác đem lờ đến đơm.
Tiếc thay cho hạt mưa trong,
Tiếc tờ giấy trắng vẽ nhằng vẽ xiên.
Cuộc đời lắm lúc đảo điên,
Ai ơi để mãi lụy phiền đến hoa.
Chú thích
-
- Đồng thau
- Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.
-
- Chữ triện
- Một kiểu chữ cổ của thư pháp Trung Quốc. Mâm chữ triện là mâm cổ, mâm quý.
-
- Thài lài
- Cây thân cỏ, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm, lá hình trái xoan nhọn, hoa màu xanh lam hay tím. Được dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm thận, phù thũng, phong thấp, viêm khớp, rắn cắn...
-
- Thuyền rồng
- Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.
-
- Mù u
- Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.
-
- Triệu Vân
- Tự là Tử Long (nên cũng gọi là Triệu Tử), một danh tướng nhà Thục, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Một trong Ngũ Hổ tướng (cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung), ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Triệu Tử Long thường được nhắc đến với trận Đương Dương trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, trong đó ông một mình một ngựa đưa ấu chúa Lưu Thiện vượt vòng vây của địch, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Cang, trước sau giết được hơn 50 tướng Tào.
-
- Gia Cát Lượng
- Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.
-
- Sái
- Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.
Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.
-
- Cao Biền
- Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
-
- Gia Cát cầu phong
- Một điển tích được trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhưng không có thật trong lịch sử. Theo đó, Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh với nhau chống lại quân Tào Tháo với danh nghĩa triều đình. Chu Du muốn dùng hỏa công để phá thủy quân của Tào Tháo, nhưng không có gió thuận vì bấy giờ là mùa đông. Cuối cùng trước khi trận Xích Bích diễn ra, Khổng Minh lập đàn cầu gió. Trời liền nổi gió Đông, thuyền của quân Tào bắt lửa cháy rụi.
-
- Tào Tháo
- Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.
-
- Trận Xích Bích
- Một trận đánh lớn diễn ra vào mùa đông năm 208, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này, liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị đã đánh bại 80 vạn binh của Tào Tháo bằng hỏa công, mở đầu định hình thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trận Xích Bích đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với các tình tiết hư cấu như Gia Cát lập đàn cầu phong, thuyền cỏ mượn tên...
-
- Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi bại trận Xích Bích, Tào Tháo dẫn tàn quân tháo chạy, nhưng liên tục bị các cánh quân của Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh, Triệu Vân, Trương Phi phục kích đổ ra đánh, trước khi bị quân của Quan Vân Trường chặn lại ở đường hẻm Hoa Dung. Tại đây Tào Tháo đã phải van xin Quan Vũ "vì tình xưa nghĩa cũ" mà tha mạng. Chi tiết này không có thật trong lịch sử.
-
- Khố
- Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.
-
- Dây chão
- Dây thừng loại to, rất bền chắc.
-
- Giậm
- Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.
-
- Thanh tân
- Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Cô phòng
- Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.
Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
Độc túc cô phòng lệ như vũ.
(Ô dạ đề - Lí Bạch)Tản Đà dịch:
Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Chưn
- Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
-
- Núng
- Lúm (phương ngữ).
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Châu Trần
- Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Truyện Kiều)
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Mưa ngâu
- Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
-
- Ngưu Lang, Chức Nữ
- Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Kì đà
- Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.
-
- Sơn lâm
- Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
-
- Đồng hồ
- Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.
-
- Tố nữ
- Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.
-
- Dốc Một, chùa Lầu
- Hai địa danh nay thuộc tỉnh Phú Yên. Dốc Một ở cách đèo Quán Cau về phía núi Đọ 3 km, trên dốc có một chùa có gác chuông cao nên gọi là Chùa Lầu. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết của một đôi trai gái không lấy được nhau, bỏ nhà đi tu.
-
- Thâm ân
- Ân tình, ân nghĩa sâu nặng.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Kim cổ kì quan
- Những cảnh lạ (kì quan, hiểu rộng ra là chuyện lạ) từ xưa (cổ) đến nay (kim).
-
- Đoài
- Phía Tây.
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- La Sát
- Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
-
- Mống
- Cầu vồng (phương ngữ).
-
- Quang
- Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.
-
- Ngô đồng
- Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
(Tì bà - Bích Khê).
-
- Dưa gang
- Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Hành hương
- Một tên khác của hẹ tây, cũng có tên là hành ta hay hành tím.
-
- Lúa nhe
- Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
-
- Đồng điếu
- Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).
-
- Mun
- Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.
-
- Bất phú bất bần
- Không giàu không nghèo.
-
- Đoản
- Ngắn
-
- Rú rừng
- Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Biện
- Lo liệu, chuẩn bị.
-
- Cỗ
- Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.
-
- Rạng
- Sáng tỏ.
-
- Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
- Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Chũm
- Phần đầu và đuôi của quả cau.
-
- Xanh
- Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.
-
- Cứt lợn
- Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...
-
- Sập
- Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.
-
- Niễng
- Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
-
- Be bờ
- Đắp đất thành bờ để ngăn nước.
-
- Lờ
- Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.
Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…