Một yêu em béo như bồ
Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành
Hai yêu mắt toét ba vành
Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy
Ba yêu tới cặp môi dày
Mỗi khi ăn nói bắn đầy dãi ra
Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
Lại thêm em có nước da mực Tàu
Năm yêu mái tóc trên đầu
Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn …
Tìm kiếm "ba bảy"
-
-
Con cá lóc nằm trên bụi sặt
-
Phú bói giò gà
Đầu năm ra mắt mồng ba
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may
Đôi giò cần để thẳng ngay
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
No rồi chụm móng khít khao
Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
Đỏ mà gân máu nổi loang
Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
Trắng xanh bền bệt thây ma
Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
Da gà tươi mượt vàng son
Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không … -
Trách phận (Nẫu ca)
Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.Video
-
Vè chàng Lía
Lía ta nổi tiếng anh hào
Sơn hà một góc thiếu nào người hay
Bạc tiền thừa đủ một hai
Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
Làm cho bốn biển anh hùng
Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
Kẻ nào tàn ác lâu nay
Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
Nhất nhì những bực nhà quan
Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
Nhà nào nhiều bạc dư tiền
Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
Tuy chàng ở chốn non đầu
Nhưng mà lương thực vật nào lại không
Lâu la ngày một tụ đông
Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
Mọi người trên dưới trong ngoài
Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
Tiếng tăm về đến trào đàng
Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
Nam triều chúa ngự ngai vàng
Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
Có quan ngự sử bày phô
Tâu lên vua rõ lai do sự tình
Đem việc chàng Lía chiêu binh
Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
Nào khi Lía phá xóm làng
Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
Kể tên những bậc phú hào
Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
Vua ngồi nghe rõ một hai,
Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
– Dè đâu có đứa gian tà
Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
Truyền cho mười vạn binh hùng
Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
Gập ghềnh bao quản núi non
Dậy trời sát khí quân bon lên rừng. … -
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về … -
Lặng nghe kể ngược
Lặng nghe kể ngược
Hươu đẻ dưới nước
Cá ở trên núi
Đựng phân bằng túi
Đựng trầu bằng gơ
Bể thì có bờ
Ruộng thì lai láng
Hàng xẩm thì sáng
Tối mịt thì đèn
Hũ miệng thì kèn
Loa miệng thì lọ
Cân cấn thì to
Con voi bé tí … -
Vè Thanh Hóa
Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu … -
Vè loài cá
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
No lòng phỉ dạ là con cá cơm
Không ướp mà thơm là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
Đủ chữ xứng câu là con cá đối
Nở mai tàn tối là con cá hoa
Xuống nước bệu da là cá úc thịt
Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong là con cá nhái
Thiệt như lời vái là con cá linh
Từ miệng nhái in là con cá cóc
Răng phơi khô khốc là con cá hô
Gặp sự ái ố là con cá hố
Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
Lội ngược lên hoài là con cá lóc
Thắp đèn coi sách là cá học Trò
Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
Cái mình dẹp lép là con cá kình
Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
Chân đi chí áo là con cá Còm
… -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Bảy làng Cà, ba làng Hóp, không bằng cái chóp làng Cổ Gia
Dị bản
Bảy làng Cà, ba làng Hóp,
Không bằng thằng Chóp Cổ Gia
-
Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi
Ba tháng biết lẫy,
Bảy tháng biết bò,
Chín tháng lò dò biết đi -
Ngã ba, ngã bảy nước chảy vòng cung
Ngã ba, ngã bảy nước chảy vòng cung
Anh thương em thảm thiết vô cùng
Biết cha với mẹ có dùng hay không? -
Cô ba, cô bảy có chồng
-
Tháng bảy chưa qua, tháng ba đã tới
-
Vàng mười, bạc bảy, thau ba
Dị bản
Vàng mười, bạc bảy, thau ba
Đồng đen trinh tiết lại pha lộn chì
-
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Nhà ai cửa đóng then cài,
Anh vô không đặng, đứng ngoài anh trông.Dị bản
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Thương em anh chẳng dám đoái hoài
Chờ cho bát nước lên đài sẽ hay
-
Tháng bảy nước chảy Cà Mau
-
Con gái mười bảy chớ ngủ cùng cha
Con gái mười bảy chớ ngủ cùng cha
Con trai mười ba đừng nằm cùng mẹ
Chú thích
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Giành
- Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
-
- Ba vành
- Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
-
- Dử
- Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
-
- Mực Tàu
- Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.
-
- Cá lóc
- Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.
-
- Sặt
- Một loại cây, thuộc họ cây trúc rừng, thân nhỏ, rất thẳng và chắc, sống nơi có khí hậu ẩm, mát mẻ. Cây phát triển chậm nhưng tươi tốt quanh năm. Măng sặt chỉ to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, rất dễ chế biến.
-
- Bẫy dò
- Gọi tắt là dò, một loại bẫy đặt dưới đất đễ bẫy các loại chim, gà rừng. Bẫy dò được làm rất công phu bằng những sợi mây cực dẻo, kết hợp với những sợi thòng lọng làm bằng các loại dây mảnh và chắc (dây gai, tơ tằm…), cài trên những vùng các loại chim hay qua lại kiếm ăn. Dò có nhiều cỡ: lớn, nhỏ, dài, ngắn… để đánh bắt các loại chim khác nhau.
-
- Quạ
- Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.
-
- Làm chay
- Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
-
- Cu gáy
- Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.
-
- Cồng cộc
- Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.
-
- Nghi nga
- Thả sức, tha hồ.
-
- Sáo sậu
- Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.
-
- Hành khiển
- Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
-
- Hành binh
- Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
-
- Bói giò gà
- Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Lía
- Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Chiêu binh mãi mã
- Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
-
- Dung
- Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
-
- Lâu la
- Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
-
- Trào đàng
- Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).
Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.
(Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)
-
- Bá quan
- Từ chữ Hán Việt bá 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
-
- Ngự sử
- Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
-
- Lai do
- Nguyên do sự việc.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phú hào
- Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
-
- Dè
- Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Binh nhung
- Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
-
- Nam hoàng
- Vua nước Nam.
-
- Quản
- E ngại (từ cổ).
-
- Mạ
- Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
-
- Gơ
- Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
-
- Xẩm
- Tối, mờ quáng.
-
- Cá hồng cam
- Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.
-
- Khu 4
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
-
- Khu 3
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
-
- Nông Cống
- Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
-
- Hò sông Mã
- Một thể loại hò đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...
Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...
-
- Phỉ dạ
- Thỏa lòng, thỏa mãn.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá chim
- Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.
-
- Cá đuối
- Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.
-
- Cá bạc đầu
- Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Kích
- Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Hình dong
- Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
-
- Cá lìm kìm
- Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.
-
- Cá linh
- Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.
-
- Cá cóc
- Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.
-
- Cá hô
- Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.
-
- Cá chai
- Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá kình
- Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Làng Cà
- Tên chữ là Gia Hòa, nay là thôn Gia Hòa thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
-
- Làng Hóp
- Tên Nôm của làng Báo Đáp, nay thuộc địa phận xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Làng có nghề truyền thống là làm đèn trung thu và hoa vải lụa.
-
- Cổ Gia
- Một làng nay là thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
-
- Về câu ca dao này (cùng với dị bản) có hai cách giải thích:
- Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh thì "Làng Cà tức Gia Hoà ở Nam Trực, làng Hóp tức Báo Đáp ở Thượng Nguyên, Cổ Gia đồng đất rộng rãi."
- Năm Kỷ Mùi 1739, dân ba làng Hóp hợp binh với bảy làng Cà, dựng cờ khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Vũ Đình Dung và Đoàn Danh Chấn. Cuộc khởi nghĩa sau thất bại do sự phản bội của một nghĩa quân tên là Chóp, người làng Cổ Gia.
-
- Xe kéo
- Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.
Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
(Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)
-
- Vàng mười
- Vàng nguyên chất.
-
- Đồng thau
- Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.
-
- Trảy
- Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
-
- Tre gai
- Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Cà Mau
- Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.
-
- Ba khía
- Một loại cua nhỏ đặc trưng những vùng nước mặn hoặc nước lợ Nam Bộ, càng to, càng và ngoe có màu đỏ tím, mai màu nâu bùn có ba vạch khía rất rõ. Ba khía sống trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, và nhiều nhất ở U Minh. Trước đây, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa kết cặp giao phối của ba khía, lúc đó người dân miền Tây Nam Bộ thường rủ nhau đốt đuốc đi bắt ba khía ban đêm. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, số lượng ba khía không còn dồi dào như trước nữa. Ba khía có thể chế biến thành các món rang me, rang mỡ hành, luộc, nấu chao... Mắm ba khía chế biến từ ba khía ngâm với muối hột là món ăn bình dân khoái khẩu của nhiều người. Nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng gọi ba khía là "con cua của người nghèo" và đã viết một truyện ngắn mang tên Ngày hội ba khía.
-
- Chỉ việc vào tháng 10 âm lịch hàng năm, ba khía thường tụ họp rất đông để kết cặp giao phối.
-
- U Minh
- Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.
-
- Tràm
- Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.