Tìm kiếm "bao lâu"

Chú thích

  1. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  2. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  3. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  4. Bạch Câu
    Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  5. Bâu
    Cổ áo.
  6. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  7. Mình ve
    Mình gầy như xác con ve.
  8. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  9. Tấn lai
    Bước đến.
  10. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  11. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  12. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  13. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  14. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  15. Hà do
    Tại sao.
  16. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  17. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  18. Kẹo
    Sánh lại.
  19. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  20. Cub
    Tên một dòng xe máy của hãng Honda, có mặt ở nước ta từ khoảng 40 năm về trước. Trong thời kì bao cấp, sở hữu một chiếc Honda Cub cũng giống như có một chiếc xe hơi bây giờ. Hiện nay nhiều người vẫn chơi Honda Cub như một thú vui hoài cổ.

    Honda Cup 81 “kim vàng giọt lệ”

    Honda Cup 81 “kim vàng giọt lệ”

  21. Cóc
    Tiếng lóng thời bao cấp ở miền Bắc, chỉ bố mẹ hoặc ông bà già.
  22. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  23. Gụ lau
    Gọi tắt là gụ, cũng gọi là gõ dầu hoặc gõ sương, một loại cây gỗ thân lớn mọc rải rác trong các khu rừng nhiệt đới. Gỗ gụ là một loại gỗ quý, có màu nâu thẫm, không bị mối mọt hay mục, thường dùng trong xây dựng, đóng thuyền hay đồ dùng gia đình cao cấp như sập, tủ chè.
  24. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  25. Bánh hạt sen
    Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.

    Bánh hạt sen

    Bánh hạt sen

  26. Bánh cam
    Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.

    Bánh cam

    Bánh cam

  27. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  28. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  29. Hủ lậu
    Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
  30. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  31. Chùa Bảo Tịnh
    Còn có tên là chùa Bửu Tịnh hay chùa Cát, một ngôi chùa cổ ở phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, được thiền sư Liễu Quán xây dựng vào cuối thế kỉ 17.

    Chùa Bảo Tịnh

    Chùa Bảo Tịnh

  32. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  33. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  34. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  35. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  36. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  38. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  39. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  40. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  41. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  42. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  43. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  44. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  45. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  46. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  47. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  48. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  49. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  50. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  51. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  52. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  53. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  54. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  55. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  56. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  57. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  58. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  59. Quản
    E ngại (từ cổ).
  60. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  61. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  62. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  63. Sa Pa, Sông Cầu, Ba con năm (555) đều là các nhãn hiệu thuốc lá phổ biến thời bao cấp.
  64. Vladimir Ilyich Lenin
    (22/4/1870–21/1/1924) Lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Là một nhà lý luận chính trị lỗi lạc, một người theo chủ nghĩa cộng sản, ông đã phát triển thành công một biến thể của chủ nghĩa Marx được gọi là chủ nghĩa Lenin, có ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam.

    Lenin

    Lenin

  65. Công viên Lê-nin
    Trước đây gọi là vườn hoa Chi Lăng, cũng gọi là vườn hoa Điện Biên Phủ, tên một công viên nằm trên mặt phố Điện Biên Phủ, Trần Phú và Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội. Trong khuôn viên công viên có một bức tượng Lenin.

    Tượng Lê-nin trong công viên Lê-nin

    Tượng Lê-nin trong công viên Lê-nin

  66. Bánh kẹp
    Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.

    Bánh kẹp lá dứa

    Bánh kẹp lá dứa

  67. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  68. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  69. Bánh da lợn
    Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.

    Bánh da lợn

    Bánh da lợn

  70. Bánh da trời
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  71. Bánh men
    Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.

    Bánh men

    Bánh men

  72. Xôi vị
    Một loại xôi ngọt nấu từ nếp và dừa, thường được nấu trong các đám tiệc. Có tên như vậy vì khi nấu, người ta thường thêm chút tai vị nướng và tán nhuyễn vào. Xôi vị nấu chín thơm mùi nước dừa và đường, có vị ngọt vừa phải.

    Xôi vị

    Xôi vị

  73. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  74. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  75. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  76. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  77. Thung dung
    Thong dong.
  78. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  79. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  80. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  81. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  82. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  83. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  84. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  85. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  86. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20