Sông tròn vành vạnh, núi lạnh như tiền
Con gái nhà tiên, đâm đầu mà lặn
Tìm kiếm "bánh trôi"
-
-
Mình như quả cà sứt tai
-
Xe ngựa lướt bụi tuôn bờ
-
Làng Gạ đi bán bánh trôi
-
Vè bánh trái (II)
Bánh đứng đầu vè
Ðó là bánh tổ
Cái mặt nhiều lỗ
Là bánh tàn ong
Ðể nó không đồng
Ðó là bánh tráng
Ngồi lại đầy ván
Nó là bánh quy
Sai không chịu đi
Ðó là bánh bàng
Trên đỏ dưới vàng
Là bánh da lợn
Mây kéo dờn dợn
Là bánh da trời
Ăn không dám mời
Nó là bánh ít
Băng rừng băng rít
Ðó là bánh men
Thấy mặt là khen
Nó là xôi vị
Nhiều nhân nhiều nhị
Là bánh trung thu … -
Vè bánh trái
Lẳng lặng mà nghe
Tôi nói cái vè
Vè các thứ bánh
Mấy tay phong tình huê nguyệt
Thì sẵn có bánh trung thu
Mấy ông thầy tu
Bánh sen thơm ngát
Ai mà hảo ngọt
Thì có bánh cam
Những kẻ nhát gan
Này là bánh tét
Còn như bánh ếch
Để mấy ông câu
Hủ lậu từ lâu
Thì ưa bánh tổ … -
Lạ lùng bắt gặp chàng đây
– Lạ lùng bắt gặp chàng đây
Có mấy câu này, em đoán chưa ra.
Nếu mà anh giảng cho ra,
Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh.
Cái gì trong trắng ngoài xanh,
Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng,
Cái gì xanh đỏ trắng tím vàng,
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư,
Cái gì năm đợi tháng chờ,
Cái gì tiện chũm phơi khô để dành,
Cái gì mà đổ vào xanh,
Cái gì nó ở trên cành mà lại tốt tươi,
Cái gì trong héo ngoài tươi,
Cái gì làm bạn với trời tám trăm năm,
Cái gì chung chiếu chung chăn,
Cái gì làm bạn với trăng đêm ngày,
Cái gì nó bé nó cay,
Cái gì nó bé nó hay cậy quyền? … -
Vè Lụt Bất Quá
Thuở vua Tự Đức trị vì
Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
Tuy loài hải thủy sơn man
Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
Cớ sao vận hội bất kỳ
Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
Tai trời khắp xuống chúng dân
Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
Nắng cho năm bảy tháng trời
Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
Tháng ba bị háp đã xong
Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô … -
Trời mưa lâm râm
Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên
Đồng tiền có lỗ
Bánh tổ thì ngon
Bánh giòn thì béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái xuổng đắp bờ … -
Nắng đổ chang chang
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Xu xoa chị bán mấy đồng
-
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve
Ai kêu tôi đó, dạ có tôi đây
Bốn mùa bông cúc vần xoay
Để xem trời định duyên này về đâuDị bản
Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt đầy ve
Bao giờ mặt trời hết quay
Thì qua với bậu mới dứt dây cang thường
-
Tay cầm cái bánh ít ngọt
-
Nón em mua ở chợ Giang
-
Cái gì anh đổ vào bồ
Cái gì anh đổ vào bồ?
Cái gì róc vỏ phơi khô để dành?
Cái gì anh thả vào xanh?
Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
Cái gì đi chín về mười?
Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
Cái gì chung chiếu chung chăn?
Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
Lúa khô anh đổ vào bồ
Cau già róc vỏ phơi khô để dành
Con cá anh thả vào xanh
Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi
Cái gì đi chín về mười
Ông Bành Tổ sống đủ trên đời được tám trăm năm
Vợ chồng chung chiếu chung chăn
Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời -
Trường đồ tri mã lực
Trường đồ tri mã lực,
Sự cửu kiến nhân tâm.
Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
Chim khôn lót ổ lựa nhành,
Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
Sông Giang hà chảy ra biển rộng
Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
Tôi thương mình lắm mình ơi,
Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình! -
Ông giẳng ông giăng
-
Vè con gái hư
Đầu hôm ngủ tới canh tư,
Còn nằm mà ngủ, muỗi thì nó cắn dư cả vùa
Canh năm thì dộng trống chùa,
Còn nằm mà ngủ, chúng lùa một bên
Ngủ thì quên tuổi, quên tên,
Ngủ cho mặt trời mọc đã lên ba sào
Sáng ra đái dựa hàng rào,
Còn đương ngây ngủ té nhào trong gai
Quét nhà long mốt long hai,
Con mắt dáo dác thấy trai ngó chừng
Bày ra cắt áo, cắt quần,
Cắt không kích tấc, nhằm chừng cắt ngang
Vải thời một tấc một quan,
Cắt thời khoét lỗ khoét hang đâu còn
Bày ra bánh cục bánh hòn,
Nắn bằng chiếc đũa, hấp còn bột không … -
Ông trẳng ông trăng
Ông trẳng ông trăng
Xuống chơi với tôi,
Có bầu có bạn,
Có bát cơm xôi,
Có nồi cơm nếp,
Có nệp bánh chưng,
Có lưng hũ rượu,
Có khướu đánh đu,
Thằng cu vỗ chài,
Bắt trai bỏ giỏ,
Cái đỏ ẵm em,
Đi xem đánh cá,
Có rá vo gạo,
Có gáo múc nước,
Có lược chải đầu,
Có trâu cày ruộng,
Có muống thả ao,
Ông sao trên trời. -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng …
Chú thích
-
- Bánh trôi nước
- Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.
-
- Đàng Trong
- Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.
-
- Đàng Ngoài
- Còn có tên là Bắc Hà hoặc Đường Ngoài (ít gặp), tên gọi bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, chỉ phần lãnh thổ nước ta từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc, được kiểm soát bởi vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Trịnh, chính thức chấm dứt chính thể Đàng Ngoài.
-
- Thốt nốt
- Loại cây thuộc họ cau, mọc nhiều ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Dịch ngọt từ các bông mo non của thốt nốt được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt, có vị ngọt thanh.
-
- Trong trào ngoài quận
- Cả trong triều đình và các quận ngoài, ý nói khắp mọi nơi. Còn nói nội triều ngoài quận.
-
- Sở Khanh
- Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
-
- Đàng điếm
- Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Phú Gia
- Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
-
- Phú Xá
- Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
-
- Bánh tổ
- Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.
-
- Bánh kẹp
- Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh da lợn
- Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.
-
- Bánh da trời
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh men
- Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Bánh hạt sen
- Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.
-
- Bánh cam
- Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.
-
- Bánh tét
- Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.
-
- Hủ lậu
- Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Chũm
- Phần đầu và đuôi của quả cau.
-
- Xanh
- Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Nguyễn Phúc Khoát
- Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).
Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.
-
- Kích nhưỡng khang cù
- Kích nhưỡng và Khang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
-
- Thái Sơn
- Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.
-
- Bàn thạch
- Đá tảng (từ Hán Việt).
-
- Hải thủy sơn man
- Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Cháy háp
- Cháy một phần.
-
- Lúa nhồng
- Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
-
- Trâm
- Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.
-
- Thuổng
- Công cụ đào xới đất, tương tự cái xẻng. Từ này ở miền Trung cũng được gọi chệch thành xuổng.
-
- Xu xoa
- Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.
-
- Mồng đốc
- Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
-
- Bánh canh
- Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.
-
- Bánh canh ngọt
- Loại chè được làm từ sợi bánh canh nấu với nước đường, thêm gừng cho thơm.
-
- Rượu bọt bỏ ve
- Cách gọi nước ngọt hoặc xá xị của người Nam Bộ ngày trước, theo Sơn Nam. Xem thêm ve.
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Chợ Giang
- Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.
-
- Bắc Đẩu
- Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
- Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
-
- Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
- Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
-
- Hạ giới
- Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
-
- Giang hà
- Sông nước nói chung (từ Hán Việt).
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
(Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)
-
- Ngõng
- Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Vùa
- Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.
Từ này cũng được phát âm thành dùa.
-
- Sào
- Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
-
- Lồng mốt, lồng hai
- Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.
-
- Khướu
- Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Chài
- Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.
-
- Đỏ
- Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.