Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Xấu Phù Ly, xấu Tuy Viễn
    Xấu lây, xấu huyện này xấu tới huyện khác. (Phù Ly và Tuy Viễn là hai trong ba huyện đầu tiên thuộc phủ Hoài Nhơn dưới thời nhà Lê, nay thuộc tỉnh Bình Định.)
  2. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  3. Giác
    Sừng.
  4. Vũng Gấm
    Tên chữ là đầm Gia Cẩm, một cái đầm ở phía bắc huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Đầm rất sâu, rộng, có nhiều cá sấu.
  5. Sơn ca
    Cũng gọi là chiền chiện, chà chiện ở Quảng Nam hoặc cà lơi ở Huế, một giống chim thuộc họ chim sẻ, có tiếng hót lảnh lót và kiểu bay liệng lạ mắt. Loài này thường làm tổ ở mặt đất hoặc nơi không cao lắm so với mặt đất. Thức ăn chính là côn trùng.

    Chim sơn ca

    Chim sơn ca

  6. Ve
    Cũng thường được gọi là ve sầu, là loài côn trùng có hai cánh dài, mỏng, nhiều vân. Con đực kêu ve ve suốt mùa hè. Trong văn chương, xác ve hay mình ve thường được dùng để chỉ tấm thân gầy gò, khô héo.

    Ruột tằm ngày một héo hon
    Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve

    (Truyện Kiều)

    Con ve sầu

    Con ve sầu

  7. Mình chà chiện, miệng ve ve
    Nhỏ người nhưng nói nhiều.
  8. Thề mắt thắt dối
    Thề vặt, thề dối, thề cho qua chuyện.
  9. Tay bằng miệng, miệng bằng tay
    Nói được, làm được.
  10. Kiếp chết, kiếp hết
    Chết rồi mới coi như hết một kiếp, ý nói muốn nhận xét đánh giá ai phải đến mãn đời họ mới biết được. Thành ngữ Hán Việt có câu tương tự: Tử giả biệt luận.
  11. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  12. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  13. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  14. Chết trẻ khỏe ma, chết già lú lẫn
    Già trẻ cũng đều chết, có chết trẻ cũng không nên tiếc. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huình-Tịnh Paulus Của)
  15. Chẳng trúng cũng cọ bia
    Tuy không trúng hoàn toàn nhưng cũng không trật xa lắm, có thể tin tưởng được. Có câu thành ngữ Hán Việt tương tự: Bất trúng diệc bất viễn.
  16. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  17. Ngày 6-10-1955, chính phủ Ngô Đình Diệm quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về việc ai sẽ làm Quốc trưởng. Có hai lá phiếu: Lá màu đỏ in hình ông Ngô Đình Diệm với câu: Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ, lá màu xanh in hình vua Bảo Đại với câu: Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ. Các cơ quan truyền thông của Ngô Đình Diệm đặt ra nhiều câu vè để nhắc cử tri chọn lá màu đỏ, vứt lá màu xanh đi.

    Bích chương về kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa Đô chính Sài Gòn

    Bích chương về kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa Đô chính Sài Gòn

  18. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  19. Đắt là quế, ế là củi
    Cũng là một miếng vỏ cây mà nhiều người mua, nhiều người dùng thì gọi là quế, bằng không thì kêu là củi, nghĩa là ít thì trân trọng nhiều thì khinh bạc. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huình-Tịnh Paulus Của)