Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
    Thành ngữ Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói ra thì (cỗ xe) bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dịch thành "Một lời đã nói, bốn ngựa khó đuổi" hoặc "Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo."
  2. Dằm
    Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì.
  3. Vật phi nghĩa bất thủ
    Vật trái đạo lí thì không lấy (thành ngữ Hán Việt).
  4. Nhơn phi nghĩa bất giao
    Người không có đạo đức thì không kết giao (thành ngữ Hán Việt).
  5. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  7. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  8. Chửa
    Mang thai.
  9. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  10. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  11. Sưa
    Thưa (phương ngữ).
  12. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  13. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  14. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  15. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  16. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  19. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  20. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  21. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  22. Chợ Vạn
    Tên một ngôi chợ là trung tâm mua bán ngày xưa của phủ Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tên "Chợ Vạn" đôi khi còn được dùng để chỉ Tam Kỳ.
  23. Keo
    (Chỉ sự) gieo xuống, ngã xuống (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  24. Cả vóc cả keo
    Sức vóc to lớn thì ngã đau hơn. Nghĩa bóng chỉ người danh lợi nhiều khi gặp nạn thì cũng mất mát, nhục nhã nhiều.
  25. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  26. Phú Dương
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Thịnh, huyện sông Cầu, tỉnh Phú Yên, gần vịnh Xuân Đài.
  27. Xuân xanh
    Tuổi trẻ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  28. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Dập bã trầu
    Cách nói chỉ thời gian ngắn, đủ để nhai dập một miếng trầu.
  31. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  32. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  33. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  34. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.
  35. Tử sanh
    Tử sinh (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  37. Nghê
    Một loài vật trong thần thoại Việt Nam, tương tự như lân trong thần thoại Trung Hoa. Nghê có hình dạng giống chó, không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, đuôi dài vắt ngược lên lưng. Trước cửa các đền chùa, miếu mạo thường có đặt tượng nghê đá.

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

  38. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhứt Nọc.
  39. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  40. Dong
    Một loại cây thân thảo có lá rộng, được dùng chủ yếu để gói bánh chưng, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ. Bánh gói lá dong sau khi luộc có mùi thơm đặc biệt và dễ chịu. Lá dong còn được dùng để cất giấm bằng cách ngâm lá với rượu hoặc nước đường.

    Gói bánh bằng lá dong

    Gói bánh bằng lá dong