Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  2. Có bản chép: cười điêu.
  3. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  4. Bối
    Những sợi dây quấn buộc với nhau. Cũng có khi nói là búi, bới.
  5. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Không ăn không mần, giờ Dần cũng dậy
    Thói quen dậy sớm của nhà nông, cũng để nhắc nhở nền nếp con cái trong nhà không nên ngủ trưa.
  8. Long An
    Một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang và Campuchia. Vùng đất Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo tài nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen... Tỉnh có nhiều di tích lịch sử, trong đó nổi bật là văn hóa Óc Eo tại Đức Hòa, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại Tân An, Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc và Nhà trăm cột tại Cần Đước.

    Một vùng quê Long An

    Một vùng quê Long An

  9. Vàm Cỏ
    Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.

    Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:

    - Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
    - Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.

    Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.

  10. Xáng
    Tàu, thuyền lớn (phương ngữ Nam Bộ). Từ này cũng như từ xà lan có gốc từ tiếng Pháp chaland, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc...
  11. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  12. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  13. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  14. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  15. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
  16. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  17. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  18. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  19. Bấy
    Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  20. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  21. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  22. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  23. Xáo xác
    Xào xạc, lao xao.
  24. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  25. Hữu thủ vô túc
    Có tay không chân.
  26. Một hệ thống ngư cụ gồm nhiều cọc tre và lưới khá lớn và phức tạp, được đặt ở hướng nước chảy để hứng luồng cá lúc nước ròng.

    Nò cá (nò sáo)

    Nò cá (nò sáo)

  27. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  28. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  29. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  30. Tân
    Mới (từ Hán Việt).
  31. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  32. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  33. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  34. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  35. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  36. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  37. Cội
    Gốc cây.
  38. Xàu
    Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).