Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  2. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  3. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  4. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  6. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  7. Vô doan
    Vô duyên (do cách phát âm của người Nam Bộ).
  8. Khòm
    Lưng gù, hoặc tướng người khom xuống về phía trước.
  9. Canh Hoạch
    Tên nôm là Kẻ Vác hay làng Vác, làng cổ nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng nổi tiếng với nghề làm quạt giấy.

    Phơi quạt

    Phơi quạt

  10. Khí dụng
    Các loại đồ dùng.
  11. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  12. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Chỉn
    Chỉ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  15. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  16. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  17. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  18. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  19. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  20. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  21. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  22. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  23. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  24. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  25. Quan niệm của người Bình Định trong xây dựng.
  26. Cô-le
    Trường trung học (theo âm tiếng Pháp collège).
  27. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  28. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  29. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  30. Sa Nam
    Thị trấn cũ, nay là thị trấn Nam Đàn thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây vào năm 722, Mai Thúc Loan đã cho xây thành Vạn An trên núi Đụn (tên chữ là Vệ Sơn) làm đại bản doanh, đánh tan quân nhà Đường ở châu Hoan rồi tiến quân ra Bắc chiếm thành Tống Bình, giải phóng đất nước. Hiện nay trên núi Đụn vẫn còn đền thờ ông.

    Đền thờ Mai Hắc Đế

    Đền thờ Mai Hắc Đế

  31. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  32. Mê thiên
    Rất nhiều, vô vàn (từ cũ).
  33. Có bản chép: một đời.
  34. Tía
    Cha, bố (phương ngữ Nam Bộ). Từ này có gốc từ cách phát âm của người Triều Châu khi đọc chữ gia (cha).
  35. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  36. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên