Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bọ nẹt
    Loài sâu róm xanh, có nhiều lông cứng, rất độc.

    Bọ nẹt

    Bọ nẹt

  2. Giẻ cùi
    Một loài chim thuộc họ Quạ, sống ở những khu vực rừng thưa hoặc cây bụi, có bộ lông màu sắc sặc sỡ. Giẻ cùi rất tạp ăn. Ngoài một số loại hạt, quả, chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng.

    Dẻ cùi xanh mỏ đỏ

    Giẻ cùi xanh mỏ đỏ

  3. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  4. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  5. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  6. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  7. Xem chú thích "chân vân" ở đây.
  8. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  9. Mường Thanh
    Một địa danh thuộc huyện Điện Biên, có tên gọi bắt nguồn từ "Mường Then," theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời," gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Tại đây có cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất vùng núi Tây Bắc. Hiện nay Mường Thanh cũng là tên một phường thuộc thành phố Điên Biên Phủ.

    Cánh đồng Mường Thanh

    Cánh đồng Mường Thanh

  10. Mường Lò
    Một địa danh nay thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tại đây có cánh đồng Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc (sau Mường Thanh).

    Thung lũng Mường Lò

    Thung lũng Mường Lò

  11. Mường Than
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tại đây có cánh đồng Mường Than, cánh đồng lớn thứ ba của vùng núi Tây Bắc.
  12. Mường Tấc
    Tên một cánh đồng nằm ở vị trí trung tâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cánh đồng Mường Tấc rộng thứ tư trong số các cánh đồng ở Tây Bắc.
  13. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  14. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  15. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  16. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  17. nghĩa là "sao, thế nào" (từ Hán Việt). Câu này có thể hiểu nôm na là quê quán ở vùng nào, thành phố nào.
  18. Bình Dương
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

  19. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Thúc bá
    Chú bác (từ Hán Việt).
  21. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  22. Mần bé
    Làm vợ lẽ (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  24. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  25. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  26. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.
  27. Thị tứ
    Khu vực có dân cư đông đúc, các ngành buôn bán phát triển. Từ này đôi khi cũng được dùng như tính từ.
  28. Kinh Cùng
    Địa danh nay là thị trấn thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
  29. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  30. Củi lụt
    Những cây gỗ trôi trên sông khi có lũ lụt, nước lớn, thường được vớt vào phơi khô để dành làm củi đốt.

    Vớt củi lụt

    Vớt củi lụt

  31. Ý nói tràm xanh nhiều (tới mức rẻ) như củi lụt.
  32. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Có bản chép: "lai vãng"
  34. Đàm tiếu
    Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
  35. Thế thường
    Thói thường ở đời.
  36. Có bản chép: "tiếng đồn".
  37. Gió nam và gió nồm. Ở đây ý nói tiếng xấu.
  38. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  40. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  41. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  42. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  43. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  44. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  45. Bình Trung
    Tên một làng nay là ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
  46. Dương Phước
    Tên một thôn xưa thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công, nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.