Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hoàng Sa
    Một quần đảo của Việt Nam gồm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 200 hải lí. Hoàng Sa có nghĩa là cát vàng hay bãi cát vàng. Các chính quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17-18 đã tổ chức khai thác ở quần đảo này và đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền ở đây. Hiện nay, quần đảo này của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

    Đại Nam nhất thống toàn đồ được xuất bản năm 1838

    Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt nam được vẽ trong Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1838

  2. Có bản chép: Tháng ba.
  3. Lễ khao lề thế lính
    Một lễ hội của nhân dân huyện đảo Lý Sơn được duy trì hàng trăm năm nay. Lễ nhằm khao quân, tế sống, và làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ do triều đình nhà Nguyễn giao phó, mặt khác còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất. Khao lề tức là lệ khao định kì hằng năm giống như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ. Thế lính là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính. Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết,” và “hùng binh” ấy (như cách gọi của vua Tự Đức) có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa và có thể an tâm làm nhiệm vụ trong ròng rã sáu tháng trên biển.

    Lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn

    Lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn

  4. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  5. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  6. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  8. Kẻng
    Cũng gọi là kiểng, một dụng cụ bằng kim loại được treo để đánh báo hiệu.

    Đánh kẻng

    Đánh kẻng

  9. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  10. Cháy
    Lớp cơm sát đáy nồi bị sém vàng đóng thành mảng.
  11. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  12. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  13. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  14. Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
  15. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  16. Hớn Minh
    Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:

    Đi vừa tới huyện Loan-minh,
    Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
    Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
    Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
    Tôi bèn nổi giận một khi,
    Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
    Mình làm nỡ để ai lo,
    Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.

    Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.

  17. Tiểu đồng
    Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.

    Tiểu đồng bị trói khôn về,
    Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
    "Phận mình đã mắc tai nàn,
    "Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
    "Xiết bao những nỗi dật dờ,
    "Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
    "Vân Tiên hồn có linh rày,
    "Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
    Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
    Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
    Sơn quân ghé lại một bên,
    Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.

  18. Vương Tử Trực
    Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.

    Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
    Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
    Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
    Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
    Hổ han vậy cũng người ta,
    So loài cầm thú vậy mà khác chi?
    Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
    Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
    Tay lau nước mắt trở ra,
    Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.

  19. Đãi đằng
    Tâm sự, giãi bày (từ cổ).
  20. Ăn ong
    Khai thác mật, sáp và nhộng ong bằng cách đốt bùi nhùi hun khói cho ong bay ra rồi cắt lấy tổ ong. Ở vùng Tây Nam Bộ, nhất là vùng rừng Cà Mau, có những người làm nghề ăn ong, gọi là "thợ ăn ong." Đọc thêm: Mùa ăn ong.

    Một người đang thổi khói vào tổ ong

    Ăn ong

  21. Ngứa nghề
    (Thô tục) hứng tình.
  22. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Đèo Cả
    Một cái đèo thuộc dãy núi Đại Lãnh, ngăn giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đèo có nhiều vòng cua nguy hiểm, một bên là tảng đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trước kia, khu vực này là một nơi sản xuất trầm hươngkỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát.

    Đèo Cả cùng với Vũng Rô tạo thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng cả nước.

    Đèo Cả

    Đèo Cả

  24. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  26. Tu Bông
    Một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có núi Hoa Sơn, còn gọi là Tô Sơn, sau đọc trại ra thành Tu Hoa, rồi Tu Bông. Tại đây nổi tiếng nhiều gió nên còn có tên là Tụ Phong Xứ (nơi tụ gió). Vùng đất này ngày xưa cũng nổi tiếng có nhiều trầm hương.
  27. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  28. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  30. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  31. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  32. Kì đà
    Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.

    Kì đà

    Kì đà

  33. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  34. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  35. Tố nữ
    Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.
  36. Có bản chép: Chừng nào giấm ngọt.