Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  2. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  3. Trường Úc
    Còn gọi là Trường Thuế, một địa danh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ở đây có loại rượu gạo rất ngon, đồng thời nổi tiếng có chợ tình Gò Trường Úc. Chợ này được hình thành đã hơn hai trăm năm có lẻ, chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm, trai gái từ mọi ngả đổ về để hẹn hò, tâm tình kết duyên.

    Chợ tình Gò Trường Úc

    Chợ tình Gò Trường Úc

  4. Có bản chép: Bàu Đá.
  5. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  6. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  7. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  8. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  9. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  10. Tương truyền trước đây ở Cần Thơ trồng rất nhiều rau cần và rau thơm, và bài ca dao này là một câu rao của những người gánh rau đi bán.
  11. Dẫy na
    Vậy hả? (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  12. Cám
    Chất bột màu vàng nâu, do lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo nát vụn ra khi giã, xát, thường dùng làm thức ăn cho lợn.
  13. Cám hấp trên vung
    Người hoặc việc dở hơi, ngớ ngẩn, ngược đời.
  14. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  15. Chim vịt
    Một loại chim thường gặp ở các vùng đồng quê nước ta. Chim trống trưởng thành dài khoảng một gang tay, có màu xám nâu ở phần trên và màu cam ở dưới bụng, đầu có màu xám kéo xuống đến phần trên của ngực. Lông đuôi của chúng có những khuyên màu trắng trên nền đen hay nâu sẫm. Chân và bàn chân có màu vàng, mắt đỏ, mỏ thường có màu nâu sẫm, gốc mỏ màu vàng nhạt, mép mỏ hơi hồng. Chim mái trông tương tự như chim trống nhưng thiên về tông màu nâu.

    Tiếng gù của chim vịt trống gồm một chuỗi âm vực tăng dần từ thấp đến cao rồi lại giảm dần xuống thấp với khoảng 11-12 âm vực khác nhau, nghe rất thê lương, buồn bã.

    Chim vịt

    Chim vịt

  16. Tiếng tơ
    Tiếng đàn. Dây đàn cũng gọi là dây tơ.
  17. Ác tà
    Xế chiều, lúc mặt trời sắp lặn. Xem Ác.
  18. Có bản chép: Tai nghe.
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).